Ký ức thanh xuân về 'một thời sôi nổi'

Với một trái tim 'rực lửa', nhiều năm về trước, bao thế hệ thanh niên đã dũng cảm xông pha nơi chiến trường ác liệt; rèn luyện bản lĩnh trong các nhà tù thực dân, đế quốc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện về ký ức thanh xuân của lớp lớp thanh niên 'đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép' đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc.

Tôi may mắn có dịp được gặp gỡ thế hệ Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm (1947 -1954), nay ở tuổi ngoài 80 – 90, trí nhớ có thể đã lúc nhớ, lúc quên nhưng mỗi khi nhắc lại quãng thời gian dũng cảm chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc thì trong những đôi mắt lại ánh lên sự tự hào.

Ông Lê Đức Vân (Bí thư Thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội giai đoạn 1948-1952) bồi hồi nhớ lại: Thời điểm ấy, sau khi quân xâm lược trở lại chiếm đóng, không còn sự yên ả bề ngoài của Hà Nội hoa lệ thời thuộc địa, mà phong trào học sinh sinh viên kháng chiến 1947-1954 phải đối đầu với thái độ đàn áp bất chấp của bọn thực dân.

Những học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội (giai đoạn 1947 – 1954) đi thăm lại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Những học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội (giai đoạn 1947 – 1954) đi thăm lại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Theo trí nhớ của ông Lê Đức Vân, Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội ban đầu được thành lập từ một số học sinh là liên lạc, quân báo trong công an, quân đội. Cơ sở đầu tiên có ở các trường Chu Văn An, Trưng Vương và Albert Sarraut. Người đứng ra thành lập đoàn học sinh kháng chiến là Phạm Hướng, cán bộ Đoàn Thanh niên Cứu quốc, khi đó ở ban cán sự quận ủy nội thành. Tên gọi “Thành đoàn học sinh kháng chiến” chính thức xuất hiện trên thư kêu gọi tẩy chay cuộc phát thưởng của Bảo Đại tại Nhà hát Lớn vào tháng 6/1949. Khi phong trào phát triển rộng khắp tại các trường đại học, Đoàn mang tên đầy đủ là Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội.

Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội có tờ báo Nhựa Sống, in trên khổ giấy như một quyển vở học sinh 32 trang, dễ dàng bí mật lưu hành trong các trường. Cuối năm 1952, phong trào thanh niên nội thành phát triển rộng rãi, các đầu mối được thống nhất trong một tổ chức là Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Những học sinh, sinh viên kháng chiến tích cực nhất chuyển thành đoàn viên thanh niên cứu quốc.

Phong trào học sinh sinh viên kháng chiến bắt nguồn từ truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc, được khơi dậy và hun đúc từ đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm hội tụ tinh hoa khí phách dân tộc. Đặc biệt, những ngày độc lập tự do sau Cách mạng Tháng 8 cũng như từ hình tượng Bác Hồ kính yêu đến Trung đoàn Thủ đô anh dũng chiến đấu kìm chân địch, tiếp đến là cuộc kháng chiến anh dũng với các chiến thắng vang dội đang nâng vị trí Việt Nam lên tầm thời đại.

Bà Đỗ Hồng Phấn, nguyên Bí thư chi đoàn Học sinh kháng chiến Trường nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội), từng chia sẻ về những ngày tháng sục sôi khí thế của thanh niên Thủ đô: Những năm tháng ấy, nhà nào ở Hà Nội cũng có ít nhất 1-2 thanh niên tham gia kháng chiến, không nam thì nữ, không cách này thì cách khác. Con gái Hà Nội thời đó chủ yếu là tiểu thư khuê các, nhưng luôn sẵn sàng sát cánh cùng các bạn nam trên toàn mặt trận kháng chiến, chống lại bè lũ thực dân xâm lược, bảo vệ từng tấc đất Thủ đô.

Là người đã đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ, đất nước bị chia cắt, vì thế, điều khiến bà Phấn cảm thấy hạnh phúc nhất hiện nay là đất nước được hòa bình, kinh tế và đời sống nhân dân ngày càng phát triển. “Khi còn trẻ, tôi tham gia công tác đoàn rất nhiệt tình. Lúc đó, vì là thời chiến nên tôi vừa đi học vừa tham gia hoạt động cách mạng bí mật. Có những ngày, khi tan học thì một số học sinh cùng trường với tôi hẹn gặp nhau ở một địa điểm nào đó để trao đổi công việc, nếu như có truyền đơn thì chuyển cho nhau đi thả ở các ngõ phố của Hà Nội. Thế hệ chúng tôi đã có một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi và nhiệt huyết, không sợ hy sinh, sẵn sàng chịu đựng gian khổ để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc”, bà Phấn bồi hồi nhớ lại.

Bà Phấn nhớ lại, thời điểm ấy, các học sinh, sinh viên ở lại trong lòng Thành phố nơi địch tạm chiếm đã tổ chức các hoạt động bãi khóa, biểu diễn văn nghệ, xuất bản báo… khiến Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù rất tức tối và tìm mọi cách đàn áp. Báo Nhựa Sống được phát hành bí mật trong các trường học, có một sức sống mãnh liệt, tràn trề “nhựa sống” của tầng lớp học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm đầu thập niên 50, góp phần trong công cuộc giải phóng Thủ đô năm 1954.

Bà Đỗ Hồng Phấn (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về những ký ức một thời sôi nổi

Còn ông Dương Tự Minh (Hàng Bông, Hà Nội) tự hào nhớ lại“một thời sôi nổi” của mình, lúc cao trào (năm học 1949-1950), tất cả 100% học sinh các trường lúc đó đều bãi khóa yêu cầu nhà chức trách đảm bảo an toàn học tập cho học sinh, thả các bạn đang bị địch bắt. Rồi cũng tất cả học sinh các trường mặc đồng phục trắng, diễu hành trên các phố Hà Nội mang băng rôn phản đối vụ giết hại Trần Văn Ơn. Lý thú hơn cả là dưới danh nghĩa Đại hội văn nghệ học sinh tại Nhà Hát lớn, họ đã hát toàn bài hát kháng chiến trong đó có Trường ca sông Lô. Các hoạt động của học sinh đã làm rung động dư luận nội thành lúc đó, các báo tiếng Pháp và tiếng Việt đều đồng loạt đưa tin. Cuốn Lịch sử Đảng bộ Hà Nôi đã coi đó là cuộc đấu tranh lớn nhất ở Hà Nội kể từ tháng 3/1947. Sau đó, mặc dù bị đich khủng bố ác liệt nhưng phong trào vẫn bền bỉ đến ngày Thủ đô được giải phóng.

Không chỉ nhớ về những ký ức thời thanh xuân, khi nhắc về những năm tháng đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, ông Dương Tự Minh chia sẻ một cách hài hước: “Trong đời tôi có hai ngày “vui như điên”. Đó là ngày Hà Nội được giải phóng, tôi cùng các bạn trẻ đứng dọc đường Bờ hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang hò hét khản giọng, hoan nghênh bộ đội ta trở về Thủ đô. Bấy giờ tôi không còn sợ bị địch bắt vì trốn lệnh truy nã, lại sắp được đoàn tụ gia đình, đón các anh chị đi kháng chiến trở về. Ngày thứ hai là ngày Thống nhất đất nước”.

Ký ức của ông Minh thời điểm đó là một trong những ký ức đầy hạnh phúc. Suốt bao năm tháng, những người dân Hà Nội sống trong cảnh bao cấp thiếu thốn nhưng luôn hết lòng với cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và cuối cùng là vỡ òa sung sướng khi Đài phát thanh thông báo quân ta đã toàn thắng. Bờ Hồ lúc đó đông nghẹt người, ai cũng cười nói đầy hạnh phúc. Cái hạnh phúc của toàn dân đó là bầu không khí mà ai cũng khao khát khi bị nghẹt thở nên có thể hy sinh tất cả cho độc lập dân tộc./.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-uc-thanh-xuan-ve-mot-thoi-soi-noi-121886.html