Ký ức tháng Tư của những người lính cầm bút vẽ

Mỗi độ tháng Tư về, chẳng hẹn mà lên, các họa sỹ quân đội lại hẹn nhau tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa lửa và chia sẻ những mảng màu cùng các họa sỹ trẻ tâm đắc với đề tài người lính Cụ Hồ.

Tôi có duyên được tham gia buổi trò chuyện về những bức vẽ đề tài quân đội, đặc biệt là những bức vẽ trong thời kỳ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của nhóm họa sỹ quân đội. Đại tá, họa sỹ chiến trường Nguyễn Thế Hữu, Thượng tá, họa sỹ Nguyễn Bích Hồng, các Trung tá, họa sỹ Bùi Quang Đức, Bùi Thanh Tùng và Thiếu tá, họa sỹ Trần Đức Thức đã chia sẽ với tôi những dòng cảm xúc vẫn luôn in đậm trong tâm trí mỗi người.

Tác giả bài viết và nhóm các họa sỹ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: MH)

Họa sỹ thời hoa lửa

Ngay từ đầu câu chuyện, chúng tôi đã bị hút vào dòng ký ức của Đại tá Nguyễn Thế Hữu. Ông kể, hồi ấy, chiến tranh đang ở thời kỳ ác liệt, đâu đâu cũng bom đạn, khói lửa ngập trời. Cũng như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khác, hàng năm, trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) đều gửi các họa sỹ đi chiến trường B tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, vừa tham gia chiến đấu và vừa thâm nhập thực tế lấy tài liệu sáng tác.

“Năm 1970, tôi cùng nhiều sinh viên hừng hực khí thế Nam tiến. Tôi thấy mình ngồi trên ghế nhà trường lâu quá rồi và cần thay đổi không khí. Với tinh thần “Một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”, tôi cùng sinh viên các trường lên đường nhập ngũ, tham gia khóa huấn luyện cấp tốc ở Sư đoàn 325 trước khi vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Không kịp báo về nhà, chúng tôi chỉ còn cách gửi thư trên đường hành quân, trên tàu vào chiến trường. Tôi vẫn nhớ nhiều lúc không có tem, chúng tôi chỉ có cách điền thêm dòng chữ “Nếu ai nhặt được, đưa giùm đến gia đình. Rất cảm ơn!” bên cạnh thông tin người nhận và địa chỉ, Đại tá Hữu nhớ lại.

Ở chiến trường Quảng Trị, mỗi khi ngưng chiến là ông lại dành thời gian cho việc vẽ. Ông ký họa nhiều để làm tài liệu. Có nhiều bức sau này được Bảo tàng Mỹ thuật sử dụng, một số bức được các nhà sưu tập lưu giữ.

Trong khi các họa sỹ cùng thời như Hà Xuân Phong, Trần Hoàng Sơn, hay nhà điêu khắc Phạm Hồng và họa sỹ Đức Hạnh…, khi đi B được phân công vào các tiểu ban Văn nghệ hay Ban Tuyên huấn, ông Thế Hữu được chuyển tới Binh chủng Pháo binh 130 ly. Tại đó, ông đã chứng kiến nhiều hy sinh, mất mát, trong đó có cả sự hy sinh của họa sỹ Hà Xuân Phong bên dòng sông Trà Nô năm 1974, sau khi trở về từ chiến dịch Nông Sơn - Trung Phước. Giọng ông trầm xuống khi nhắc đến ký ức mất mát này.

“Đường đến Dinh Độc Lập” của Bùi Quang Đức.

“Năm 1975, tôi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi theo xe xích kéo pháo 130, tiến vào tận sào huyệt của Ngụy quân Sài Gòn. Ngày 30/4 năm ấy, chính Quân đoàn 2 đã tiến đánh và giải phóng Dinh Độc Lập. Cuộc hành quân toàn thắng ấy đã mang lại cho tôi một kho tài liệu và ký họa, đủ sáng tác để làm một cuộc triển lãm cá nhân với đề tài quân đội”, Đại tá Nguyễn Thế Hữu tâm sự.

Những mảng màu cuộc chiến

Tiếp nối cuộc trò chuyện đang vào "phom", Trung tá Bùi Quang Đức chia sẻ: “Quân đoàn 2 - còn gọi là Binh đoàn Hương Giang anh hùng, là một đơn vị chủ lực trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Quân đoàn đã hành quân thần tốc dọc Duyên hải miền Trung tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Hình ảnh hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 của Lữ đoàn 203 thuộc Quân đoàn 2 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 đã in đậm trong tâm trí tôi. Là một họa sỹ, người lính thuộc Quân đoàn 2, hiểu được truyền thống đó, tôi đã sáng tác tác phẩm: “Đường đến Dinh Độc Lập”, như một lời tri ân với Quân đoàn nơi tôi đã từng công tác, trước khi về phụ trách mảng mỹ thuật của Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam.

"Trong bức tranh này, tôi đã dùng phương pháp tả thực với bút pháp mạnh để thể hiện tác phẩm thông qua hình tượng đoàn xe tăng tiến về phía trước theo hướng tay chỉ của chiến sỹ biệt động đến sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn. Trong tranh thể hiện con đường vượt qua bao khó khăn gian khổ, hy sinh mất mát của quân Giải phóng từ rừng núi đến đồng bằng, từ miền ngược đến miền xuôi. Hình tượng cờ xanh đỏ (Cờ Giải phóng) tung bay trên xe tăng thể hiện sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam thần tốc tiến về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xem kỹ một chút chúng ta có thể thấy, đoàn xe tăng của ta đè lên, nghiền nát những phế liệu như: thùng phi, tấm ghi sắt… biểu hiện của sức mạnh của đối phương bị thất bại", họa sỹ Quang Đức cho biết.

“Phía Tây Quảng Bình”, sơn dầu của Nguyễn Thế Hữu.

Còn Thiếu tá Trần Đức Thức hóm hỉnh kể: “Các họa sỹ chiến trường xem, giờ vẻ đẹp của Chiến dịch Hồ Chí Minh ở thế hệ các anh đã được thế hệ sau “hóa thạch” nên còn vẹn nguyên. Dù không có điều kiện ký họa, những tác phẩm được sáng tác sau này vẫn còn nguyên sắc màu chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh như bức vẽ Đường đến Dinh Độc lập của họa sỹ Bùi Quang Đức.

Cá nhân họa sỹ Trần Đức Thức cũng có một số tác phẩm về Con đường Hồ Chí Minh như bức "Cung đường Mùa Xuân". Bức vẽ về đoàn xe tải vận chuyển vũ khí và lương thực ra chiến trường, chạy dọc đường Trường Sơn quanh co hiểm trở. Khó khăn vất vả nhưng các chiến sỹ luôn mang trong mình niềm tin chiến thắng.

“Bên cạnh những tác phẩm Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tiếp tục sáng tác với chủ đề biển đảo, biên phòng các tỉnh biên giới và vẫn lưu lại những bức ký họa. Cá nhân tôi đang giới thiệu một số tác phẩm tranh tại Nhà triển lãm mỹ thuật, trong đó có bức Bản làng Tây Bắc”, Thượng tá Nguyễn Bích Hồng bộc bạch.

Trung tá Bùi Thanh Tùng vui vẻ chia sẻ: “Hằng năm, Bộ Quốc phòng nói chung, cũng như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói riêng, vẫn tạo điều kiện phát huy, tài năng sáng tạo của các họa sỹ trong cũng như ngoài quân ngũ về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân. Có thể nhắc đến Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật với đề tài Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng. Bảo tàng đã đưa cuộc vận động sáng tác lên tầm quốc gia. Hàng trăm họa sỹ, nhà điêu khắc trong và ngoài Hội Mỹ thuật Việt Nam đã hưởng ứng cuộc vận động. Hàng nghìn tác phẩm hội họa, điêu khắc, trong đó có nhiều tác phẩm giá trị do Bộ Quốc phòng trao tặng giải thưởng được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sưu tầm, lưu giữ, trưng bày và bảo quản.”

Chia tay các họa sỹ, những người luôn biết cách giữ gìn cái đẹp kể cả trong thời khắc nghiệt nhất. Cái nắng sớm tháng Tư chan hòa, cùng tán lá xanh rì vừa thay lá, dường như đã nhuốm màu vạn vật nơi bảo tàng chỉ còn một màu xanh hòa bình mát rượi.

Đại tá Nguyễn Thế Hữu sinh năm 1946, nhập ngũ tháng 8/1970 khi đang là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp. Năm 1975, ông quay lại học tiếp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và tốt nghiệp năm 1980, rồi về công tác tại Tổng cục Chính trị.
Hiện nay, ông đang gấp rút hoàn thành những bức tranh sơn dầu cỡ lớn mang chủ đề: “Có một thời như thế/ Nơi về người lính chúng tôi”, để chuẩn bị cho một triển lãm cá nhân.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-uc-thang-tu-cua-nhung-nguoi-linh-cam-but-ve-92824.html