Ký ức người làng Kim Liên từ kinh thành Thăng Long đi khai hoang lấn biển

Từ vài trăm năm nay, đúng ngày 7 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, dân chúng vùng Yên Hưng, Quảng Ninh lại tổ chức lễ hội Tiên Công, tưởng nhớ các tiên hiền đã đến vùng đất này khai canh lập ấp. Những người có mặt từ thuở ban đầu ấy chính là cư dân phường Kim Hoa, một trong 36 phường của kinh thành Thăng Long thời Lê.

Lễ hội đền - đình Kim Liên được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống di sản văn hóa địa phương

Lễ hội đền - đình Kim Liên được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống di sản văn hóa địa phương

Hành trình mở đất

Sau bao nhiêu thế kỷ mang tên Kim Hoa thì đến triều Nguyễn, vì chữ Hoa phạm vào húy kỵ của vua Gia Long nên làng phải đổi tên thành Kim Liên. Sở dĩ người xưa chọn cái tên Kim Liên vì làng có hồ sen bát ngát. Đình làng Kim Liên thờ thần Cao Sơn đại vương, vị thần trấn giữ phía Nam thành Thăng Long. Hội làng diễn ra vào ngày 25 tháng Giêng và trong ngày này, các giáp ở Kim Liên tổ chức thi cỗ. Theo lệ, từng thành viên trong giáp sẽ góp tiền, thiếu bao nhiêu thì nhà đăng cai sẽ phải lo nốt.

Cỗ thi bao gồm các món xôi, canh, giò chả và bánh, nhưng đặc biệt nhất là con gà bày lên trên cùng mâm cỗ. Gà được nuôi trước hàng năm, chỉ cho ăn ngô và thóc. Sau khi thịt, gà được rút xương, nhồi nhân miến, nấm hương, thịt nạc băm... rồi uốn theo hình nhân vật trong các tích Trung Hoa và Đại Việt như: “Tô Vũ chăn dê”, “Trương Phi dạ chiến Mã Siêu”, “Hai Bà Trưng cưỡi voi”, “Thạch Sanh”…

Nhân vật Trương Phi được vẽ thêm mặt, cắm râu bằng râu ngô. Cỗ làm xong, các giáp mang ra đình làng để các cụ xem cỗ và đánh giá chất lượng, đặc biệt là đánh giá hình thức xem bày biện có đẹp có không. Dù không chấm điểm và không có giải nhưng các giáp vẫn thi nhau làm cỗ to, đẹp, sang để rồi mời bạn bè về ăn chia vui.

Cùng với sen, làng Kim Liên xưa còn nổi tiếng vì có loại rau muống tiến vua. Người dân cho ngọn rau chui qua vỏ con ốc bươu, vì thiếu ánh sáng nên phần qua vỏ ốc trắng nõn trông rất ngon, ăn mềm. Đầu thế kỷ 20, một thanh niên trong làng vào phố học được nghề cắt tóc, anh này kiếm được tiền nên nhiều người trong làng cũng học theo, dần dần trở thành làng cắt tóc.

Nhưng vì sao người làng Kim Liên lại di cư ra tận ven biển Quảng Ninh? Bia ký, gia phả, thần phả trong vùng và đặc biệt là bia đá có niên đại Hồng Đức ghi nhận công lao lấn biển mở đất của 17 vị tiên công. Khi vua Lê Thái Tông mở rộng kinh thành và muốn biến vùng đất phía Nam thành một trung tâm văn hóa, tâm linh mới của kinh đô với quần thể gồm: Văn Miếu, Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao, đài chiêm tinh (nay tương ứng với đất của phố Khâm Thiên) nên đã ra chỉ dụ lấy một phần đất của làng Kim Hoa. Lệnh vua nên dân chúng không dám kháng chỉ, nhưng tại sao họ đang ở đồng bằng, quen trồng cấy mà cuối cùng lại di cư xa đến vậy?

Cốt cách kinh kỳ

Chuyện là 17 người thuộc các dòng họ trong phường đi trước ra thăm đất, nơi mà họ sẽ gắn bó lâu dài, đó là đảo Hà Nam, một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng, xung quanh chỉ là um tùm sú, vẹt. Khi thủy triều lên, cả bãi ngập mênh mông chỉ có một số doi đất cao nhô lên. Rồi từ Hà Nam trở về, các tiên công đã đưa họ hàng, gia quyến đi thuyền trên sông Hồng qua sông Luộc về phía vùng biển Hải Phòng, ra Quảng Ninh. Theo bia ký, tất cả là 500 người.

Ngày nay, tại địa phận xã Cẩm La, huyện Yên Hưng có miếu Tiên Công hay còn gọi là đền Thập Cửu Tiên Công thờ 19 vị đầu tiên (gồm 17 vị của làng Kim Liên và 2 vị của vùng Trà Lý) có công quai đê, lấn biển thành lập nên khu đảo Hà Nam vào năm 1434. Miếu được khởi dựng từ năm nào không rõ, nhưng thời vua Gia Long, miếu có kết cấu bằng gạch và đã qua nhiều lần trùng tu. Nhà bái đường và nhà tổ được dựng vào tháng 5-1804, trên câu đầu nhà thờ tổ có ghi niên đại xây dựng “Gia Long tam niên trọng hạ nguyệt, cốc nhật thu, thượng trụ thượng lương”.

Miếu thờ 17 vị Tiên Công đã lập nên phường Bông Lưu mà sau này đổi thành xã Phong Lưu gồm 3 thôn: Cẩm La, Yên Đông và Phong Cốc. Đó là các vị: Vũ Song, Vũ Hồng Tiện, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn và 2 vị là Hoàng Nông, Hoàng Nênh người Trà Lý (tỉnh Hà Nam).

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Dù dân Kim Hoa đã di cư ra đây hơn 6 thế kỷ, nhưng lạ lùng là trong lễ hội Tiên Công ở Yên Hưng có gì đó khác với lễ hội các vùng xung quanh. Một trong những phần lễ quan trọng nhất chính là màn rước các bô lão. Các cụ đại diện cho các dòng họ tham gia màn rước phải đẹp lão, khỏe, tài năng và nhất là đức độ. Các cụ ăn mặc, tô điểm sao cho ai cũng sang trọng vì đó là niềm tự hào của dòng họ. Trong lễ rước, các cụ được kiệu trên ngai hay võng che ô lọng rất rực rỡ, tư thế tự hào, phảng phất vẻ cao sang của phong cách kinh thành.

Con cháu trong họ đi sau, càng đông thì càng danh giá và càng tôn vinh thêm cho cụ già đại diện. Đặc biệt những con long mã làm cốt lõi cho các mâm cúng được tết bằng cây quả, hoa lá rất cầu kỳ và toát lên vẻ lộng lẫy, tài hoa một thuở của đất kinh kỳ mà hiếm lễ hội ở vùng nông thôn nào có thể sánh được. Phảng phất là đúng bởi người Kim Hoa khi ra đây đang mang theo lệ làng nên mâm cũng mới như vậy. Nhưng vì sao vua Lê Thái Tông lại đưa người Thăng Long ra vùng hải biên này? Câu hỏi ấy đã được các nhà nghiên cứu lịch sử lý giải rằng, vua Lê Thái Tông muốn người của kinh đô cũng phải tham gia gìn giữ phên giậu của Đại Việt.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/ky-uc-nguoi-lang-kim-lien-tu-kinh-thanh-thang-long-di-khai-hoang-lan-bien/818532.antd