Ký ức ngõ quê

Trong ký ức tuổi thơ tôi, quê nhà gói gọn trong mỗi con ngõ nhỏ quanh co với những 'bức tường' bằng hàng rào chè mạn, hay đơn giản là bụi tre, bụi trúc, rặng dâm bụt đỏ chót. Ở nơi ấy, bao thế hệ đã cùng nhau lớn lên, đi xa, giờ ngoái đầu, chỉ còn lại những kỷ niệm ngọt ngào, để mỗi khi nhớ về, sống mũi lại cay cay!

Mỗi lần nhắc đến ngõ quê, trong tôi lại rung lên những xúc cảm dung dị nhất.

Ngõ quê, nơi có vị mát lành của đất mẹ, có mùi thơm nồng nàn của hương bưởi, man mác của hương cau, có vị thanh ngọt của mùi rơm rạ mới phơi. Ngõ quê không đơn thuần là chốn đi về, mà còn là nơi hẹn hò thề ước của trai gái, nơi hàn huyên của làng xóm tối lửa tắt đèn, nơi nô đùa của lũ trẻ nhỏ, nơi hội hè, đình đám, ma chay, cưới hỏi... Và nơi ấy, để lại trong tôi một miền ký ức êm đềm bên gia đình, làng xóm, những gì đã từng thân thuộc nhất!

Nhớ ngõ quê là nhớ bóng gầy của mẹ lưng còng quét lá. Mẹ quét sân, quét vườn, quét cả ra ngoài ngõ cho đẹp làng, sạch xóm. Ngõ quê nối giăng mắc vào nhau, ơi ới tiếng mời uống nước chè xanh, ăn củ khoai đầu mùa hôi hổi nóng. Mọi tin tức buồn, vui cũng bắt đầu từ ngõ nhỏ mà lan tràn sang ra cả xóm, cả làng.

Trong hồi tưởng của tôi, ngõ quê hiện lên với những con đường đất hun hút sâu thẳm. Tối đến, không có đèn điện chiếu, ngõ tối om, đàn đom đóm lập lòe không nhìn thấy lối đi nên chúng tôi thích nhất những đêm trăng sáng hè! Ánh trăng như chiếc đèn khổng lồ soi khắp ngóc ngách con ngõ nhỏ, lũ trẻ lại kéo nhau đi diễn trò trốn tìm, chơi nhảy dây, hát hò và tíu ta tíu tít kể cho nhau nghe vô số câu chuyện trên trời, dưới biển.

Và còn biết bao trò chơi nơi con ngõ thân yêu, kể mãi không hết. Tụi con gái thường chơi nhảy dây. Những đoạn dây chun được cắt từ chiếc xăm xe đạp cũ hoặc kết bằng những chiếc vòng nịt. Còn lũ con trai chúng tôi thì tụm ba, tụm năm trong mấy con ngõ nhỏ để “trung thành” diễn trò đánh cù.

Nhớ cái trò nghịch dại của tôi ngày đó, làm cả xóm phải hết hồn. Chẳng là, cái nắng tháng 5 như thiêu như đốt, ngoài ngõ nhà ai cũng phơi rơm rạ. Đi học về bước chân uể oải, tôi hiếu động nghĩ ra trò đốt rơm. Khói bắt đầu nghi ngút, sợ quá tôi chạy thẳng một mạch về nhà. Cả xóm xôn xao, ai nấy tay xô, tay chậu, phải mất 30 phút mới dập được đám cháy. Tôi run quá, không dám nói với ai, mà cũng không ai biết được lý do tại sao rơm cháy. Phải tới tận tháng sau, tôi mới thật thà thừa nhận với mẹ. Mẹ chỉ cười hiền, rồi cau mày trách yêu “mày lớn đầu rồi, vẫn còn nghịch dại quá, con à!”.

Ngõ quê trong tôi còn chan chứa bao nhiêu kỷ niệm thời ấu dại. Nơi con ngõ này đã bao lần tôi đứng chờ mẹ đi chợ về. Và cũng nơi đây, trong miền ký ức, còn là hình ảnh ngày cậu tôi cưới vợ. Đó là một buổi chiều tháng ba, khi những bông hoa gạo rực nở cả góc trời. Đôi uyên ương bẽn lẽn nắm chặt tay nhau, dạo bước trên con ngõ nhỏ, sau lưng, từng chùm hoa xoan ngai ngái rụng lấm tấm, vương vấn đầy trên chiếc áo cô dâu. Lũ trẻ chúng tôi háo hức chạy theo sau, mà nghêu ngao: “Cô dâu chú rể - Đội rế lên đầu - Đi qua đầu cầu - Đánh rơi nải chuối...”. Rồi tôi để ý, sau ngày cưới ấy, cứ mỗi buổi chiều, khi đã cơm nước xong xuôi, mợ tôi thường đứng ngõ sau, mà nhìn về quê ngoại xa xăm. Mãi sau này lớn lên, tôi mới thấm nỗi lòng của người con gái khi đi lấy chồng: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Ngõ quê ngày ấy, còn minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu của ông bà ngoại tôi. Bà và ông bên nhau từ thuở nhỏ, lớn lên, sợi tơ hồng buộc chặt, ghép hai người nên nghĩa phu thê. Con ngõ nhỏ, nơi hẹn hò mỗi tối trăng lên của hai người cũng là nơi chứng kiến ngày bà tiễn ông ra trận. Tưởng rằng, “ngõ” và “người” có thể ôm lấy nhau mà an ủi “Hãy vững lòng. Ngày mai thắng trận, anh ấy sẽ trở về!”. Rồi cái ngày hân hoan đoàn tụ cũng đến, ngoại trở về với chiến công đầy, để thực hiện lời hứa trọn vẹn năm xưa với người vợ hiền thảo...

Ngõ quê ngày nay khác xưa nhiều quá, được đổ bê tông sạch sẽ, đế guốc, gót giày chạm vào lộc cộc. Xưa, ngõ làng chỉ là con đường đất lầy lội. Nay, đường nhựa (hoặc bê tông) xe ô tô chạy vào từng ngõ nhỏ. Xưa, mỗi khi tối về, ngõ vắng, chìm sâu trong màn đêm tĩnh lặng. Nay, ánh điện sáng trưng, ngõ dung chứa bao điều mới mẻ. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã, đang mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho các vùng quê. Ngõ quê hôm nay là hiện hữu của sự chịu thương, chịu khó, sự đồng lòng quyết tâm vươn lên của quê nghèo.

Ngõ quê xưa – nay dẫu đã khác nhiều, nhưng vẫn còn đó chức năng kết nối tình làng, nghĩa xóm.

Tuy nhiên, nhịp phát triển của kinh tế - xã hội cũng dần lấy đi của quê xóm nét thanh bình, nên thơ vốn có. Những cổng làng cũ mờ rêu phong được đập đi xây bằng những chiếc cổng làng cao đẹp hiện đại. Các gia đình đua nhau xây nhà khang trang hơn. Những hàng rào đơn sơ xây gạch thô, những hàng rào dâm bụt, ô rô... được thay thế bằng những hàng rào cao được cắm những vật nhọn sắt hoặc thủy tinh để chống trộm. Nhà gần kề kín cổng cao tường, ai biết nhà nấy. Thay vì giao lưu thôn, xóm, người ta ngồi xem ti vi, chơi điện thoại. Con cù, khúc khẳng, hòn bi... cũng không còn là niềm mong mỏi mỗi sớm mai thức dậy của lũ trẻ nữa. Chúng thích đồ chơi xịn, mê ti vi, ham điện thoại hơn những trò chơi “huyền thoại” mà cha, ông chúng đã từng mê đắm, vui đùa trong từng con ngõ làng.

Người thôn quê bây giờ đang gồng mình lên để phát triển theo kịp cái hiện đại, nếu không thì sẽ bị coi là lạc hậu. Chính điều đó đã vô tình chiếm hết chỗ trong tâm trí họ, khiến họ bị mắc vào cái vòng quay quá nhanh của lối sống mới...

Dẫu vậy, ngõ quê vẫn thế, có thể đo chiều dài bằng những bước chân, nhưng sao đo được chiều dài nhung nhớ, chiều dài ký ức. Đó là dấu mốc từ bước chân đầu đời của mỗi con người, đến ngày vu quy, rồi nhìn ta đi hết một kiếp người. Lặng im chứng nhận, âm thầm sẻ chia... Bước qua ngõ quê là bước vào một thế giới bình an ăm ắp kỷ niệm. Chạm vào ngõ quê là chạm vào ký ức. Qua bao biến đổi thăng trầm ngõ quê vẫn còn. Vẫn còn hương ước - hương ước của tình người, hương ước của những nếp gia phong: “May còn cánh cửa ngõ quê - Đi đâu rồi cũng nhớ về... mẹ ơi!”. Thật vậy, ai rồi cũng phải bước qua muôn nẻo đường chông chênh, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống. Nhưng khi đôi bàn chân mỏi mệt, tất cả chỉ muốn tìm về con ngõ làng, thả hồn mình vào đất quê, cảm nhận từng hương vị mộc mạc thân thương nơi ấy.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ky-uc-ngo-que/104380.htm