Ký ức màu xanh

Nhiều năm sau ngày xuất ngũ, có lần gặp lại Phan Võ Hoàng Anh với quân phục chỉnh tề, sống lại trong tôi một thời quân ngũ.

Thuở binh nhất, binh nhì, hai đứa cùng chung tiểu đội, cùng chung giường tầng và cùng chung tình yêu những cây xanh trên ngọn đồi nơi Trung đoàn 1 (Sư đoàn 330, Quân khu 9) đóng quân. Nhưng rồi sau khi xuất ngũ, tôi về làm ở Ban Quản lý rừng tràm Trà Sư ở huyện Tịnh Biên (An Giang), Hoàng Anh tiếp tục con đường binh nghiệp của mình, rồi trở về công tác ở đơn vị cũ. Có lẽ Hoàng Anh nặng nợ với những cái cây trong đơn vị, những cái cây đã che bóng mát cho cậu những ngày ngồi đọc thư, hay những lúc ra ngó bầy chim dòng dọc làm tổ để thấy đơn vị cũng khác chi một mái nhà thân yêu của mình.

Minh họa: PHÙNG MINH.

Minh họa: PHÙNG MINH.

Để rồi nhiều năm tôi bận bịu cơm áo gạo tiền, Hoàng Anh cũng tất bật nhiệm vụ, hầu như hai đứa không gặp lại nhau, mãi cho đến ngày tôi trở về thăm đơn vị. Hôm ấy, hai đứa đi trên con đường cũ, với những hàng cây mới lên xanh dưới tán lá những cây cổ thụ, Hoàng Anh hỏi tôi: “Điều gì làm bạn nhớ mà trở về thăm Trung đoàn 1?”. Bất chợt trong lòng tôi bỗng dậy lên một luồng ký ức, lao xao như tiếng lá trong đêm, rồi bỗng ào ào như muôn ngàn chiếc lá đang đổ về nơi tôi-một cây xanh!

Thời gian qua đi, những hàng cây ký ức rơi đầy những chiếc lá vàng, phủ đi bao hạt mầm nỗi niềm yên ngủ. Nhưng lúc nào nỗi nhớ cũng như mầm cây có sức sống âm thầm mà mãnh liệt. Chỉ cần ươm mầm, thì khi cơn mưa sau mùa khát nước, chúng sẽ cọ mình nứt vỏ vươn lên. Ký ức về những năm quân ngũ trong tôi cũng vậy, chúng lên xanh tít tắp những hàng cây, trên một ngọn đồi dưới chân dãy núi. Nơi đó có Trung đoàn 1 thân yêu, có những kỷ niệm buồn vui được ủ xanh bằng mồ hôi thao trường, và cả những tiếng cười, dưới bóng nắng hàng cây.

Nơi chúng tôi đóng quân, nếu đứng từ xa nhìn, chỉ thấy ngọn núi xanh xanh như con voi ngồi giữa cánh đồng, trên đầu lúc nào cũng đội một vòng hoa mây khi xanh khi trắng. Núi ở Đồng bằng châu thổ Cửu Long, không nhấp nhô lượn sóng, nhưng dốc lại thoải dài, tạo nên những ngọn đồi nho nhỏ. Trung đoàn chúng tôi đóng quân trên một ngọn đồi. Những dãy nhà nhấp nhô bên dưới những hàng cây cao vươn lên trời cao thăm thẳm. Những đêm nghe mưa, lá cây cọ vào nỗi nhớ, kỷ niệm đơn vị cũ cũng như gió lá ùa xào xạc cả lòng. Nhắm mắt, tôi lại thấy những hàng cây. Lạ là ngay cả trong giấc mơ, trong nỗi nhớ, hàng cây vẫn một màu xanh nguyên thủy đến lạ kỳ; vẫn rõ rành cảm giác bóng mát hàng cây năm nào của tuổi trẻ, mát đến nao lòng!

Nhớ hồi mới nhập ngũ, lần đầu tiên bước vào cánh cổng Trung đoàn 1 anh hùng, cánh lính trẻ chúng tôi cứ ngỡ như bước vào một khu rừng nguyên sinh. Những hàng cây như chất chứa trầm tích bóng dáng nguyên sơ của rừng từ thuở khai hoang, tạo nên một không gian mát lành đến vô ngần.

Các anh đi trước truyền tai nhau câu chuyện rằng, năm xưa nơi đây là một cánh rừng. Những nông dân nổi dậy chống Pháp, đã dựa vào thế núi, có suối quanh co, có rừng rậm rạp mà làm căn cứ. Với tầm vông gậy gộc, giáo mác đơn sơ, những người con của núi đã trường kỳ kháng chiến một lòng cùng núi, cùng sông chống giặc. Từ những khóm rừng đêm đom đóm đốt đèn ma mị quân thù; từ những tổ ong ngụy trang trong lùm cây bụi rậm đánh tan bao cuộc hành quân của giặc nhắm vào tim núi; từ những lò ảng núi đồi chở che bom đạn ngày đêm... đã tạo nên một trận địa du kích mà súng ống của địch có hiện đại đến mấy cũng không nhổ được lòng người, lòng đất mẹ...

Bao trận càn, đạn bom quật ngã những hàng cây, những đợt rải chất độc hủy diệt rừng, cây buồn trút lá trơ ra những nhánh cây như người ta níu lấy màu xanh đã bị cướp đi từ những “con chuồn chuồn sắt” bay lượn ở phía bầu trời. Nhưng từ những mùa rụng lá, những vết đổ ngã vẫn không diệt được màu áo xanh của núi đồi. Cây vẫn lại lên xanh, rồi vài năm sau vết thương cũ của rừng lại phục hồi một màu xanh mới. Như người mẹ dẫu đau thương vẫn gượng đứng thẳng lên để che chở và nuôi dưỡng những đứa con mình.

Bao câu chuyện như huyền thoại về Trung đoàn 1 bất khuất và miền đất bán sơn địa anh hùng được lưu truyền mãi. Dưới tán cây, đêm gió núi lao xao, câu chuyện kháng chiến được trao từ thế hệ này sang thế hệ khác mà vẫn dậy nồng hơi thở tự hào nơi đơn vị đóng quân. Chúng tôi như thấy tự hào lớp lớp tiền nhân đã bám trụ và chiến thắng quân thù ngay trên ngọn đồi mình đang ngày đêm học tập và rèn luyện. Những đêm cất tiếng hát bài hát truyền thống của Tiểu đoàn 307: “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn Ba trăm lẻ bảy...”, là lại nghe tiếng gió, tiếng lá lao xao, như thiên nhiên cũng có nỗi tự hào, hòa tiếng lá vào lời ca, vào nhịp vỗ tay của những người lính trẻ.

Hoàng Anh kể, cậu thường nhớ về những ngày mưa, hàng cây cùng đồng thanh tiếng lá, tiếng gió, tạo nên một bản hòa ca mà chỉ nơi này có được. Mãi về sau, dẫu đi đây đó nhiều nơi, cậu ấy vẫn không sao quên, và vẫn không sao tìm được thứ âm thanh của cơn mưa trên ngọn đồi trung đoàn. Cũng như những ngày nắng cháy như đốt như thiêu, dưới hàng cây là bóng mát tuyệt vời mà cơn gió cứ mặc sức ngang qua, nên bài huấn luyện có gian nan thì hàng cây cũng ủi an những người lính bằng cách che cho một khoảng rừng đầy bóng mát nên thơ...

Hoàng Anh kể, lòng tôi như con suối được khơi dòng, nỗi nhớ chực về trong những ngày nắng hạn. Con suối của đơn vị cạn dòng, những đoạn ống nối những mạch nước ngầm trên khe núi về chỉ ti tách nước từng giọt một. Những cái giếng thả hết dây mới kéo lên được chút đỉnh nước lẫn trong nửa xô cát. Nước phải chở từ xa về từng can một, nước quý như vàng nhưng bọn tôi vẫn chia cho cây một phần “vàng” ấy. Sáng sớm dậy múc nửa ca nước rửa mặt, thì cũng rửa tại gốc cây, quý nước đã đành mà thương cây còn thương hơn nhiều nữa.

Nhưng mùa nắng hạn kéo dài, kéo theo sự khắc nghiệt là một số cây héo lá. Có những cây không qua được mùa nắng hạ. Bọn tôi cố cứu vẫn không xong, cây chết, Hoàng Anh và tôi buồn hiu, ngó ra cửa sổ không sao thấy được cái cây mà mình đặt tên trùng với tên người yêu. Và dẫu có một cây non mọc kế bên thì vẫn không sao lấp đầy khoảng trống của gốc cây cũ được. Cây mới sẽ có một đời sống và ký ức mới. Cứ lần lượt như vậy mà chúng tôi giữ mãi màu xanh rừng lá quanh năm ở ngọn đồi Trung đoàn 1 anh hùng. Chính màu xanh ấy đã tạo nên một khung trời ký ức mãi xanh trong lòng bao người lính trung đoàn.

Tôi hỏi Hoàng Anh, ai đã nghĩ ra việc trồng một ngọn đồi xanh ngay thế núi ở giữa đồng bằng, như bày binh bố trận sẵn? Hoàng Anh cười, đó chính là mẹ thiên nhiên. Cậu ta tin rằng, đất quê hương luôn có những thế trận như vậy, như người mẹ có bầu sữa đầy dưỡng chất và những lợi khuẩn để vừa nuôi và vừa bảo vệ những đứa con. Và những người lính trung đoàn bao năm qua, như những đứa con của mẹ núi mẹ đất; luôn bồi đắp cho ngọn đồi mãi xanh; yêu thương từng hàng lá xanh, từng hạt mầm non, từng tán cây cổ thụ như những đứa con trân quý, yêu thương và gìn giữ bầu sữa mẹ của mình.

Sau một mùa nhập ngũ, tôi trở về với mớ hành trang đơn sơ, chiếc áo, đôi giày bạc đi vì thao trường nắng gió, nhưng ký ức thì vẫn mãi một màu xanh nguyên thủy đến lạ kỳ. Hoàng Anh ở lại để ngày nào cậu ấy cũng thấy những hàng cây. Và riêng tôi, những hàng cây đâu chỉ mọc ở Trung đoàn 1, cây còn mọc ở lòng người bằng những kỷ niệm bao mùa vẫn tươi xanh mãi mãi...

Tùy bút của HUY QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ky-uc-mau-xanh-647645