Ký ức Mậu Thân 68 và lời cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất

Trong ba mục tiêu mang tính chiến lược là: Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, thì mặt trận Huế đã trụ vững trong thời gian dài, trước khi quân ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Nếu như năm 1968 là quyết định quan trọng thì chiến thắng 1975 là tất yếu xẩy ra.

Điều quan trọng để Huế làm nên chiến thắng mà không nơi nào có thể làm được - đó chính là vai trò đóng góp của người dân Huế. 50 năm trôi qua, ký ức về Huế 1968 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng người dân Huế, nhất là những ai có mặt trong cuộc chiến khốc liệt ấy.

Câu chuyện về Huế ngày này cách đây 50 năm vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của nhà văn Trần Phương Trà (Trần Nguyên Vấn) khi ấy làm công tác tuyên huấn ở Khu ủy Trị Thiên Huế. Nhà văn Trần Phương Trà nhớ lại:

- Đầu năm 1968 tôi làm công tác tuyên huấn, văn nghệ, báo chí của Ban tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế, do thiếu tướng Lê Chưởng làm Trưởng ban và nhạc sĩ Trần Hoàn làm phó trưởng ban. Chuẩn bị cho Huế 1968, tôi được điều động cùng với nhà báo Ngô Kha, họa sĩ Lê Khánh Thông, lên Ma-két tờ báo “Cờ giải phóng”.

Tôi nhớ đó là lúc 1h sáng ngày 12 tháng giêng năm 1968 thì làm xong, để sớm hôm đó in báo và chuyển về các nơi. Sau đó tôi ra lớp học của thành ủy, tham gia việc hướng dẫn học viên để họ nắm vững chủ trương của khu ủy và của Bộ Tư lệnh để chuẩn bị về Huế. Hồi đó, ở Khu có tờ báo “Quyết thắng” ở Huế có “Cờ giải phóng” và Quân khu có “Quân giải phóng”, tất cả các tờ báo đó đều in tài liệu là những mệnh lệnh tấn công của đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam; Mệnh lệnh của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam; Chương trình 10 điểm của mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và 6 điều kỷ luật của cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang ở vùng giải phóng. Tất cả được in chuyển về Quảng Trị, Thừa Thiên để chuẩn bị về Huế. Đồng thời trong các ngày từ 12-14 tháng Giêng chúng tôi tổ chức lớp học cho các học viên là cán bộ từ các cơ sở làm nòng cốt cho chiến dịch.

Nhiệm vụ cụ thể của ông trong chiến dịch Mậu Thân là gì?

-Bản thân tôi vốn là cán bộ của Đài TNVN, cho nên Bộ chỉ huy giao trách nhiệm chuẩn bị tư liệu để khi về tiếp quản Đài phát thanh Huế thì tôi có trách nhiệm vừa làm biên tập viên, vừa làm công tác phóng viên đưa tin. Vì thế, trước khi về chúng tôi đã thu thanh tiếng nói của một số lãnh đạo, nhân sĩ, trí thức và đặc biệt là tiếng nói của các vị trong Liên minh dân tộc dân chủ hòa bình Thành phố Huế.

Tôi đã thu thanh tiếng nói của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, của bà Nguyễn Đình Chi, cụ Nguyễn Đóa, ông Lê Văn Hảo, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, các ông Nguyễn Thúc Tuân, Tôn Thúc Dương Tiềm… tất cả băng ghi âm chúng tôi đã chuẩn bị sẵn. Bên cạnh đó, Bộ chỉ huy giao cho tôi một máy ghi âm để tác nghiệp. Lúc nổ súng ở Huế thì tôi chưa được đi, rất nóng ruột vì rầm rộ các bạn đi hết, chỉ còn tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường ở lại. Mãi khi chiến dịch ở Huế xảy ra được 1 tuần thì thiếu tướng Lê Chưởng gọi tôi với anh Trần Hoàn cùng đi về lại Huế. Khi đó, chúng tôi về đóng ở xã Hương Long (Bộ chỉ huy ở đó).

Chúng tôi mang theo toàn bộ máy móc và băng ghi âm đã chuẩn bị sẵn, nhưng sau đó thì tình hình khó khăn, ta không thể chiếm được đài phát thanh. Tôi và anh Trần Hoàn, anh Lê Chưởng cũng bị một trận bom và chúng tôi không hoàn thành được nhiệm vụ. Thời gian ở Huế tôi có tranh thủ đi thăm ba má tôi và bà con họ hàng, bạn bè ở Huế.

Như ông vừa nói thì lúc đó có cả nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, vậy thực tế ông Hoàng Phủ Ngọc Tường có trở về Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968?

-Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là bạn thân của tôi từ khi học Trường Trung học Khải Định ở Huế, niên khóa 1953-1954, anh Tường học đệ tư B3 tôi học đệ tứ B6. Khi chúng tôi thi bằng Diplom thì Hoàng Phủ Ngọc Tường và Trương Quang Minh là người đỗ nhất nhì.

Tháng 6 năm 1967, tôi vào chiến trường, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường thay mặt ban Tuyên giáo đi đón tôi và chúng tôi cùng ở, làm việc với nhau. Sau đó tôi lên khu ủy làm việc mấy tháng rồi quay trở lại ở cùng các anh Hoàng Phủ Ngọc Tưởng, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha, Lê Khánh Thông. Lúc đó, chúng tôi làm tờ báo “Cờ giải phóng” và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là Tổng thư ký Liên minh dân tộc dân chủ hòa bình thành phố Huế. Nhiệm vụ anh Tường được giao rất vất vả, luôn túc trực máy ghi âm, ghi chép để làm những lời kêu gọi, hưởng ứng các chủ trương của trong Nam ngoài Bắc và viết các tuyên bố sự việc xảy ra ở Huế, cho nên anh Tường rất bận rộn và anh không về Huế trong dịp Mậu Thân.

Sau này, tôi có đọc được những bài viết nói anh Tường lập tòa án Huế để xử và gây ra những vụ thảm sát ở Huế. Bản thân tôi năm 2002, sang Mỹ 3 tháng, tôi cũng gặp một số bạn bè và nhiều người hỏi tôi về anh Hoàng Phủ Ngọc Tường thì tôi cũng đã từng trả lời là anh Tường không về Huế và không có mặt ở Huế trong sự kiện Mậu Thân.

Sơ xuất xảy ra từ khi anh Tường nhận tài liệu của anh Nguyễn Đắc Xuân để viết “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, anh đã tả những cảnh đẫm máu như là người trong cuộc. Sau này nhiều người cứ vin vào câu nói anh viết rằng: “anh đi trong thành nội, đi ở dưới bùn nhưng mà đấy thực chất là máu...” chính sự thiếu cẩn trọng khi viết đã để xảy ra điều đáng tiếc, chứ bản thân anh Tường là một người tham gia phong trào đấu tranh năm 1966, sau đó lên rừng hoạt động và trở thành cây bút chiến đấu dũng cảm, kiên trì. Anh viết văn và bút ký của anh rất hay, là người gắn bó với phong trào, sống hết lòng với công việc của mình.

Thời gian ở trong rừng điều kiện khó khăn lắm, nhưng mỗi lần phải suy nghĩ để viết thì rất vất vả, thèm thuôc lá mà không có thuốc hút anh còn phải lấy rau tàu bay, hơ lửa để cuốn thành điếu thuốc. Những lời độc địa được thêu dệt thêm, hoặc chỉ dựa vào một vài thông tin để bịa đặt là điều khó chấp nhận.

Thực tế, anh Tường vất vả để lo lời tuyên bố, lời kêu gọi nên đã không về Huế. Bản thân anh Tường khi viết hồi ký cho tướng Lê Minh, chỉ huy chiến dịch mà trong cuốn Huế - Xuân 68 có trích: “Rốt cuộc là đã có những người bị xử lý oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi. Nhiệm vụ này bây giờ của cách mạng là phải minh oan cho gia đình con cái của những người đã chết, trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người. Đó là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn đen trắng”.

Chiến tranh thì khốc liệt, cũng không tránh khỏi tên bay, đạn lạc. Nỗi đau mà người dân Huế phải gánh chịu cũng đã qua đi trong nửa thế kỷ. Điều ông mong mỏi hiện nay là gì?

-Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là chiến thắng quan trọng nhất, buộc Mỹ không thể thực hiện chiến tranh ở Việt Nam, mà phải ngồi vào bàn hội nghị Paris, rút quân khỏi Việt Nam, nhưng là nỗi đau của người dân Huế.

50 năm rồi, nghĩ lại chiến dịch Mậu Thân, trong tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui vì nghĩ đến sức mạnh của dân Huế đã giữ được Huế trong 26 ngày, nhưng buồn vì bà nội tôi cũng bị rocket của Mỹ bắn chết sau Mậu Thân, nhiều người dân chết oan uổng mà không thể nói hết và không ai có thể thống kê được.

Điều mà tướng Lê Minh, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và chúng tôi - những người tham gia chiến dịch Mậu Thân rất trăn trở là lãnh đạo Trị Thiên trước kia và Thừa Thiên Huế ngày nay vẫn chưa làm được việc giải oan cho những linh hồn oan khuất trong chiến tranh.

Ở Huế năm 1885 sự kiện kinh đô Huế thất thủ và đã có bài vè nói về nỗi đau khổ của nhân dân lúc ấy và từ đó, ngày 23.5 hàng năm ở Huế có ngày cúng cô hồn, cúng cho những người chết đường, chết chợ, chết trong oan khuất.

Với Huế, tôi nghĩ bên cạnh những thành tích, những chiến công thì cũng nên lập một đàn tràng câu siêu cho những linh hồn oan khuất. Dù muộn còn hơn không phải có chính sách minh oan cho những người bị oan khuất vì dù muốn hay không nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến con cái, gia đình của họ, nhất là sau năm 1975, nhiều người bị ghi trong hồ sơ cha bị việt cộng giết điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con cái, gia đình họ. Tôi đề nghị các cơ quan chính quyền địa phương gấp rút thể hiện tình cảm thiêng liêng đối với nhân dân và minh oan cho những người đã khuất.

Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Trần Phương Trà!

Lịch sử sẽ vẫn mãi hằn sâu trong ký ức nhiều thế hệ, song để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai thì một tiếng chuông vọng vào thinh không trong lúc này cùng những lời cầu nguyện thiêng liêng giữa đất "thần kinh" sẽ làm cho những nỗi đau dịu nhẹ, những linh hồn oan khuất được siêu thoát, an yên ở cõi Về- nhà văn Trần Phương Trà

Minh Anh (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/ky-uc-mau-than-68-va-loi-cau-nguyen-cho-nhung-linh-hon-da-khuat-846056.html