Ký ức khó quên về những ngày làm chuyên gia tại Campuchia

Gặp lại người cũ, tình cảm giữa chúng tôi với các bạn Campuchia vẫn vẹn nguyên như khi cùng làm việc với nhau hơn 30 năm trước.

Tôi rời Campuchia tháng 4/1989, sau 1 năm làm chuyên gia tại Đài Phát thanh Campuchia. Hồi đó, ngoài anh em kỹ thuật, nhiều người thuộc Ban biên tập đối ngoại (nay là Ban Đối ngoại - VOV5) Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) được cử sang giúp bạn làm các chương trình tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Thái Lan. Công việc cứ cuốn đi, rồi nghĩ Campuchia - nước bạn láng giềng - qua lúc nào chẳng được để rồi 30 năm sau tôi mới có dịp trở lại đất nước Chùa Tháp.

Thủ tướng Hun Sen chụp ảnh cùng đoàn chuyên gia phát thanh-truyền hình Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen chụp ảnh cùng đoàn chuyên gia phát thanh-truyền hình Việt Nam.

Sân bay quốc tế Pochentong giờ đây tấp nập các chuyến bay quốc nội, quốc tế, đâu còn vắng vẻ như những năm 80 thế kỷ trước, khi đó có chăng chỉ là một vài chiếc TU 134A, TU 134B hay An 24 của Việt Nam. Đến Pochentong, cảm xúc thật khó tả khi nhớ lại cảnh anh Trần Trọng Trủy, phóng viên của VOV (nay đã mất), quỳ dưới đường băng nóng bỏng ghi âm phát biểu của đại diện quân tình nguyện Việt Nam trước lúc rút quân.

Đường từ sân bay Pochentong về trung tâm thành phố nay chẳng khác gì đi trong phố, nhà nhà san sát, xe cộ nườm nượp, đôi lúc kẹt xe. Những năm cuối 80 của thế kỷ trước, hai bên đường chỉ là những cánh đồng hoang, đây đó một vài cây thốt nốt vươn mình dưới cái nắng chói chang.

Chuyên gia Việt Nam với các bạn đồng nghiệp Campuchia.

Căn villa cổ xây theo kiểu Pháp nằm trong ngõ khuất, nơi đoàn chuyên gia phát thanh-truyền hình Việt Nam trú ngụ tôi không nhận ra được nữa. Chỉ nhớ trước cửa có mấy cây xoài quả rất ngọt, đến mùa trèo lên vặt ăn chơi.

Trước đây, ở Phnom Penh, chỉ có mấy trục đường chính là rải nhựa, còn các đường xương cá, đường ngách đều chỉ làm bằng đá cấp phối, mưa gió đi lại khó khăn. Đoàn chuyên gia phát thanh-truyền hình Việt Nam ngoài các phóng viên, biên tập viên của VOV, còn có của VTV, Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh-Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi người được phát một khẩu súng để tự vệ, tôi chọn khẩu K59. Đêm hôm đi đâu cũng giắt súng trong người. Tối đến đi ngủ phải đóng cửa sổ đề phòng tàn quân Polpot ném lựu đạn. Tuy vậy, trong suốt thời gian ở Campuchia, mấy anh em trong đoàn cũng chẳng phải sử dụng súng bao giờ, có chăng Tết đến nhớ nhà bắn vài phát lên trời thay pháo cho khuây khỏa.

Tác giả (bên phải) cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia.

Gọi “chuyên gia” cho sang chứ cơm cũng chỉ có hai món, một là món mặn như cá kho, thịt rim, đậu rán và hai là bát canh chua nấu theo kiểu miền Nam hơi ngọt một chút. Thỉnh thoảng tổ chức liên hoan thì có thêm chút ăn tươi, thưởng thức rượu Bayon, Angkor Watt của Campuchia nặng chẳng khác gì rượu trắng bên mình.

Nhiệm vụ các chuyên gia Ban biên tập đối ngoại VOV là giúp các bạn hiệu đính, thậm chí trình bày trên sóng các chương trình phát thanh tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Thái Lan. Ngoài ra còn hướng dẫn cho các bạn nghiệp vụ phát thanh, nâng cao trình độ ngoại ngữ đáp ứng được các yêu cầu của phát thanh đối ngoại còn non trẻ của đất nước Campuchia mới thoát khỏi họa diệt chủng.

Gặp mặt các bạn đồng nghiệp cũ Đài phát thanh quốc gia Campuchia.

Chúng tôi gặp lại các bạn đồng nghiệp cũ tại trụ sở Đài Phát thanh quốc gia Campuchia, gần đồi Bà Pênh. Tòa nhà có sửa sang đôi chút nhưng không khác xưa mấy. Ký ức ùa về khi gặp lại các anh Tan Yan, Quốc vụ khanh Bộ Thông tin, trước là Trưởng Ban Đối nội, rồi làm Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia; anh Inchay, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại, nguyên Phó Tổng Giám đốc; anh Sam Muoi Ly, nguyên Phó Trưởng phòng tiếng Pháp.

Những chị ở xa, hoặc sức khỏe không cho phép như Siphon, Chan Ty, Docmay...không đến được. Chỉ tiếc nhiều người như các anh Kim Zin, Undara, Van Xengly, Vanxomhem, nguyên Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Campuchia không còn nữa.

Gặp lại người cũ, tình cảm giữa chúng tôi với các bạn đồng nghiệp Campuchia vẫn vẹn nguyên như những năm tháng khó khăn nhất khi mới thoát ra khỏi họa diệt chủng, bước vào xây dựng một nước Campuchia mới trong sự bao vây, cô lập của các thế lực thù địch.

Ảnh ông Tan Yan chụp cùng ông Mai Thúc Long, nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia phát thanh-truyền hình Việt Nam tại Campuchia.

Anh Tan Yan xúc động kể lại những kỷ niệm từ những ngày đầu thành lập Đài Phát thanh-Truyền hình Campuchia với sự giúp đỡ của các chuyên gia Ủy ban Phát thanh-Truyền hình Việt Nam. Công việc vất vả, nguy hiểm, luôn phải đề phòng tàn quân Polpot phá hoại.

Trong phòng làm việc, anh Tan Yan luôn treo ảnh chụp cùng ông Mai Thúc Long, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia phát thanh-truyền hình Việt Nam tại Campuchia, người giữ kỷ lục làm Trưởng đoàn phát thanh-truyền hình lâu nhất ở Campuchia: 7 năm liền. Đối với anh, ông Mai Thúc Long là người thầy đầu tiên hướng dẫn anh từ cách làm tin đến viết bình luận, tổ chức sản xuất các chương trình phát thanh.

Ông Khieu Kaharith - Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia tặng Huân chương cho các chuyên gia Việt Nam.

VOV bàn giao cho Bộ Thông tin Campuchia một số thiết bị các trạm phát sóng phát thanh, truyền hình.

Cả một lớp phóng viên, biên tập viên Campuchia thời đó được các chuyên gia Việt Nam đào tạo nghiệp vụ phát thanh, truyền hình, nhiều người trưởng thành là cán bộ cấp cao trong bộ máy nhà nước Campuchia.

Hiện nay, quan hệ giữa VOV và Đài phát thanh quốc gia Campuchia hết sức tốt đẹp. VOV hỗ trợ cho bạn nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại, đào tạo cán bộ kỹ thuật cho Đài phát thanh quốc gia cũng như các đài địa phương của Campuchia, giúp bạn nâng cao năng lực sản xuất tin, bài, mở rộng mạng lưới phủ sóng phát thanh, truyền hình tại Campuchia.

Sự hợp tác giữa hai bên góp phần làm người dân hai nước hiểu nhau hơn, củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc, ổn định tình hình chính trị trong khu vực./.

Nhà báo Vũ Hải
Nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/ky-uc-kho-quen-ve-nhung-ngay-lam-chuyen-gia-tai-campuchia-960798.vov