Ký ức khó quên trong lần được gặp Bác

'Hồ Chủ tịch muôn năm!'. Đó là những tiếng hô vang của đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Kinh trong dịp Bác Hồ về thăm Khu tự trị Thái-Mèo thuộc huyện Thuận Châu (Sơn La) cách đây 60 năm. Những hình ảnh, cảm xúc lần đầu tiên được gặp, được nghe Bác căn dặn đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí bà Cầm Thị Tuyết Nga, cựu học sinh Trường Văn hóa Trần Đăng Ninh, Khu tự trị Thái-Mèo.

Sáng sớm ngày 7-5-1959, cô bé Cầm Thị Tuyết Nga, 14 tuổi, đang học lớp 5, cùng một số bạn học Trường Văn hóa Trần Đăng Ninh được thầy hiệu trưởng chọn đi đón đoàn cán bộ Trung ương do Bác Hồ dẫn đầu lên thăm Tây Bắc. Mặc trên mình những bộ trang phục truyền thống thật đẹp, quàng khăn đỏ, các em học sinh được đưa đến chờ đón đoàn ở gần khán đài sân vận động Thuận Châu, nơi tổ chức cuộc mít tinh đón Bác. Đông đảo đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã có mặt ở đây từ rất sớm với cờ hoa rực rỡ, nét mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi, hồi hộp chờ đợi… Bỗng có tiếng reo to: "Bác Hồ, Bác Hồ đến rồi!".

 Bà Cầm Thị Tuyết Nga phát biểu tại Hội thảo khoa học "Dấu ấn lịch sử 60 năm Bác Hồ về thăm Tây Bắc", tháng 2-2019.

Bà Cầm Thị Tuyết Nga phát biểu tại Hội thảo khoa học "Dấu ấn lịch sử 60 năm Bác Hồ về thăm Tây Bắc", tháng 2-2019.

Bà Nga nhớ lại: “Tất cả chúng tôi ai cũng nhìn sang, thấy Bác Hồ đang cùng đoàn đi tới. Bác đi trước, tay giơ cao, tươi cười vẫy chào mọi người, cùng lúc đó chúng tôi ùa đến xung quanh, dâng những bó hoa thơm tặng Bác. Dừng lại trong giây lát, Bác Hồ ân cần nắm tay từng cháu nhỏ, vui vẻ nhận hoa. Chúng tôi cùng chạy theo Bác, ai cũng muốn đến thật gần để được ngắm nhìn Bác. Tôi may mắn được đứng gần Bác nhất nên cảm nhận rõ giọng nói ấm áp, gần gũi của Người”.

Khi ấy, từ trên khán đài nhìn xuống sân vận động Thuận Châu là cả một biển người, rực rỡ sắc màu các dân tộc, được xếp thành từng khối, giơ cao biểu ngữ, cờ hoa; thỉnh thoảng lại hô vang bằng tiếng Thái và tiếng Kinh: "Hồ Chủ tịch muôn năm…!”. Khi Bác Hồ bắt đầu nói chuyện với đồng bào dự mít tinh thì cả sân vận động im phăng phắc, lắng nghe từng lời nói của Người. Khi Bác rời đi, tất cả mọi người ai cũng nhìn theo, trong lòng dâng trào bao cảm xúc.

Khắc sâu lời Bác dạy: “Các cháu thiếu nhi phải học tập tốt, lao động tốt, giữ kỷ luật tốt, giữ vệ sinh tốt”, cô bé học trò Cầm Thị Tuyết Nga đã ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện; suốt những năm phổ thông, kết quả học tập đều đạt khá, giỏi. Sau này, Cầm Thị Tuyết Nga thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, trở thành bác sĩ nhi khoa, góp sức vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương.

Theo chia sẻ của bà Cầm Thị Tuyết Nga, kỷ niệm được gặp Bác Hồ năm ấy thực sự là niềm tự hào, là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời bà. Những lời dạy của Bác giúp bà có thêm nghị lực, phấn đấu học giỏi, trở thành bác sĩ hết lòng vì nhân dân. “Mỗi lần về Hà Nội, tôi đều vào Lăng viếng Bác với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. 60 năm qua, thấm nhuần lời căn dặn của Người, đồng bào các dân tộc Tây Bắc luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; cái đói, nghèo đã bị đẩy lùi, những ngôi nhà kiên cố mọc lên ngày một nhiều hơn… Quê hương "thay da đổi thịt" từng ngày, chúng tôi càng biết ơn Bác Hồ kính yêu!”.

Bài và ảnh: NAM VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/ky-uc-kho-quen-trong-lan-duoc-gap-bac-570104