'Ký ức Hội An' phiên bản 2.0: Cần ủng hộ tâm huyết của nhà đầu tư

'Ký ức Hội An là một sản phẩm du lịch rất quý và đáng trân trọng, chứa đựng đầy tâm huyết của nhà đầu tư, nên cần sự ủng hộ của công luận, địa phương và các ban, ngành'- GS-TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại tọa đàm về chương trình 'Ký ức Hội An' do Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã chủ trì mới đây tại Đà Nẵng.

Một hoạt cảnh trong “Ký ức Hội An” phiên bản 2.0.

“Đam mê điên rồ…”

Buổi tọa đàm diễn ra sau khi “Ký ức Hội An” phiên bản 2.0 - bản có sự điều chỉnh trên cơ sở góp ý của giới chuyên môn, nhà quản lý và công chúng… công diễn buổi đầu tiên. Và nhà sản xuất, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ sự bất ngờ bởi “chương trình đã vượt lên khỏi một sản phẩm văn hóa - du lịch đơn thuần. Và phải đam mê điên rồ thì mới làm được một chương trình như thế này. Vậy nên chương trình cần được công chúng và những người có trách nhiệm đánh giá đúng tên, đặt đúng chỗ ngồi của nó”.

Theo ông Trung thì có thể coi “Ký ức Hội An” là hình mẫu cần được hỗ trợ, bảo vệ để dần dần Việt Nam có nhiều hơn các chương trình tương tự ở nhiều địa phương nhằm thu hút du lịch, tâm huyết của các nhà đầu tư không bị bỏ phí. Ông Trung cũng cho rằng: “Ký ức Hội An” là một sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế nên cần có một êkip sản xuất tầm quốc tế. Và nghệ thuật thực cảnh Trung Quốc chính là cái nôi của thực cảnh thế giới, nên việc có chuyên gia Trung Quốc hay đạo diễn người Hồng Kông cũng là chuyện bình thường” - ông Trung nói.

TS Nguyễn Thu Thủy, chuyên gia về lĩnh vực sự kiện đến từ Khoa Du lịch Trường Đại học KHXHNV Hà Nội đánh giá: Ngành du lịch cả nước hiện đang “đói” sự kiện nên “Ký ức Hội An” là sự kiện du lịch đầu tiên ở miền Trung giải quyết được câu hỏi “khách đến đây sẽ làm gì vào ban đêm?”. Với NTK Minh Hạnh, người đã mua vé xem “Ký ức Hội An” lần thứ 3 thì “đây là một chương trình có giá trị nghệ thuật cao, không thể so sánh với bất kỳ một chương trình nghệ thuật nào ở Việt Nam nên cần được bảo vệ, động viên...”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTTDL đánh giá: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài, mà hiện nay tại Việt Nam không nhiều doanh nghiệp dám đầu tư. Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa, thế nên khi có bất kỳ doanh nghiệp nào dám “liều” đầu tư cho văn hóa thì các địa phương nên ủng hộ trong sự tư vấn về chuyên môn của các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Cũng theo ông Vinh: “Ký ức Hội An” không phải là một văn bản quy phạm pháp luật về lịch sử, nên ước lệ là đương nhiên. Vở diễn - một sản phẩm giải trí cũng không phải là bảo tàng, thư viện lịch sử, nên tính chính xác chỉ ở mức độ chấp nhận được và cũng không cần phải chuyển tải tư tưởng gì đó lớn lao”.

Đã và tiếp tục chỉnh sửa

Tuy vậy, “Ký ức Hội An” phiên bản 2.0 vẫn cần được chỉnh sửa để hoàn thiện hơn. Nhạc sĩ Quốc Trung góp ý liều lượng chương trình hiện hay (63 phút) đối với một sản phẩm văn hóa du lịch là quá dài, mang lại cảm giác no, thừa, kể cả phần âm nhạc.

TS Nguyễn Thu Thủy đặt câu hỏi về yếu tố cộng đồng chủ nhà (diễn viên người bản địa) chưa được chương trình đưa vào nhiều như chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ngoài Bắc.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Vinh góp ý về nội dung, sắp tới có thể kết hợp, phối hợp với nhiều chương trình khác ví dụ như áo dài của Minh Hạnh. Và nhà đầu tư nên tận dụng nguồn nhân lực địa phương, giúp họ cơ hội được kể chuyện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của cha ông mình nhằm tạo sức sống bền vững, nguồn thu nhập cũng như sức lan tỏa, đồng tình trong nhân dân. Muốn vậy thì kịch bản phải được điều chỉnh theo hướng giảm kỹ thuật, tăng thủ pháp sân khấu.

TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương - góp ý chương trình cần chú ý đến yếu tố xúc động. “Chỉ cần xúc động là vở diễn đạt được yêu cầu”. Ông Hoàng nói nhà đầu tư cần tiếp tục hoàn thiện vở diễn trên cơ sở lắng nghe góp ý và làm sao để tồn tại lâu dài, bởi du lịch là sự cộng lại của văn hóa và kinh tế. Khách cần thưởng thức văn hóa nhưng nhà đầu tư cần kinh tế để trước hết phải tồn tại. Đây là quy luật khách quan.

Ông John Nguyễn - chỉ đạo sản xuất chương trình nói: “Chúng tôi luôn lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp của dư luận, công chúng, nhà quản lý… với tinh thần cầu thị và đã chỉnh sửa, sẽ tiếp tục chỉnh sửa để mọi thứ hoàn thiện, tích cực hơn”. Ông cũng cam kết luôn đồng hành với địa phương về đóng góp xã hội, để giải quyết nhanh nhất những vấn đề phát sinh, đặc biệt liên quan đến môi trường, dòng chảy liên quan đến khu vực Cồn Hội…

CÁT TƯỜNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/ky-uc-hoi-an-phien-ban-20-can-ung-ho-tam-huyet-cua-nha-dau-tu-619034.ldo