Ký ức hài hước của cảnh sát truy lùng băng cướp 'râu xanh'

Gò lưng lóc cóc đạp xe, đôi mắt chàng cảnh sát hình sự không ngừng liếc quanh cánh đồng. Bất ngờ một nhóm người xuất hiện sau một ụ đất, quát: 'Đứng im, giơ tay lên'.

Gần một năm ròng rã ăn bờ nằm bụi để truy lùng dấu vết băng cướp gồm 10 tên do Nguyễn Ngọc Sang cầm đầu, những chiến sĩ tinh nhuệ trong Ban chuyên án của Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng không ít lần rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

Lên kế hoạch mật phục băng cướp "râu xanh".

Đêm một ngày đầu năm 1994, nhận nhiệm vụ tuần tra trên cánh đồng vắng của huyện Thăng Bình, viên thiếu úy trẻ xộc xệch trong bộ quần tây - áo sơ mi nhàu nhĩ. Gò lưng lóc cóc đạp xe, đôi mắt chàng cảnh sát không ngừng liếc quanh cánh đồng. Bất ngờ một nhóm người lù lù xuất hiện sau một ụ đất, quát: "Đứng im, giơ tay lên".

Những người mặc thường phục này xưng là công an huyện Thăng Bình đi tuần tra, nhanh chóng áp sát và khống chế gã thanh niên đi xe đạp vì "bộ dạng khả nghi". Hỏi tên tuổi, địa chỉ, làm gì trong đêm thì anh này không nói. Lục soát người, họ tìm thấy khẩu K54 mà không hề có một thứ giấy tờ nào nên lập tức đưa về trụ sở.

"Vì nhiệm vụ bí mật nên anh ấy không thể nói ra thân phận. Còn chúng tôi khi ấy cũng thực thi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến đường thường xuyên xảy ra cướp bóc nên rất cảnh giác. Khi sự việc được báo cáo với cấp trên, sau cuốc điện thoại của lãnh đạo công an tỉnh, chúng tôi mới biết anh ấy là đồng đội", viên cảnh sát huyện Thăng Bình ngày xưa kể.

Lại có lần, đang phục kích tại khu vực đồng không mông quạnh, các trinh sát phát hiện một bóng đen lom khom bước xuống từ chiếc xe khách. Thấy bộ dạng người này khả nghi, họ áp lại gần, mới biết đó là một bà lão. Tưởng gặp cướp, bà cụ hoảng hốt van xin: “Các chú thương tình, tui già rồi có chi mô mà cướp”. Ngơ ngác một lúc, tổ trinh sát bèn nhận là dân xe ôm và xin được đưa bà cụ về nhà. "Lần đó chúng tôi được bà cho 2.000 đồng. Đang lúc rỗng túi nên số tiền của bà trở thành một kỷ niệm khó quên", một thành viên Ban chuyên án kể lại.

Đại úy Huỳnh Đức Cường xem trích lục hồ sơ băng cướp.

Còn với trung tá Trần Anh Dũng (Đội cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an TP Đà Nẵng), thành viên Ban chuyên án năm xưa, dù sự việc xảy ra đã gần 20 năm, song ông vẫn chưa quên được lần "cướp và cảnh sát cùng rình nhau trong đêm".

Hôm đó, nhận nhiệm vụ phục kích tại cánh đồng, tổ trinh sát gồm 3 người đã ém quân từ sớm. Đến khuya, họ phát hiện hai bóng đen đạp xe trên đường rồi bất ngờ giấu xe, chạy xuống cánh đồng nấp vào ụ mả, cách tổ trinh sát không xa. Theo chỉ đạo của Ban chuyên án "bằng mọi giá phải bắt quả tang, không vội vàng bắt giữ hoặc nổ súng nếu thấy không chắc chắn", nên dù bị muỗi cắn, đỉa bu và rất thèm một hơi thuốc nhưng các chiến sĩ vẫn cố chịu đựng. Cả tổ trinh sát như những người câm, chỉ làm dấu hiệu, mắt không rời mục tiêu.

"Sau này, lúc bắt được băng cướp, chúng tôi mới biết đêm đó chúng đã lên kế hoạch 'ăn hàng' nên phục kích tại cánh đồng chờ con mồi, không ngờ lại nằm sát bên tổ trinh sát. Nhưng do ban chiều bọn chúng hơi quá chén và phải chờ lâu nên mệt mỏi ngủ quên, không ra tay", trung tá Dũng cho hay.

Còn đại tá Huỳnh Đức Cường - Phó phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ Công an Quảng Nam cho biết, lúc thực hiện nhiệm vụ triệt phá băng cướp manh động này, ông và đồng đội phải thường xuyên thay đổi chiến thuật.

Có đêm họ phải đạp xe lòng vòng cả trăm cây số, khi thì đóng giả người đi xe máy buôn chuyến chở hàng cồng kềnh nhằm gây chú ý bọn cướp. Cũng có lúc trời mưa, xe hết xăng, anh em phải thay nhau è cổ đẩy xe nhiều km rồi gõ cửa nhà dân xin xăng. Còn những hôm được lệnh phục kích thì ban chiều đã lo đùm cơm nước ra đồng, căng mắt cả đêm theo dõi mọi di biến động xung quanh.

"Hôm nào được phân công giả là dân buôn đường dài, một trong chúng tôi phải xin vào làm phụ xế, một người xin ra sau thùng xe và người nữa nằm trên nóc cabin. Có lúc xe qua 'ổ trâu' tưởng chừng té xuống như chơi, trong khi bên mình súng đạn luôn sẵn sàng, chỉ sợ súng rơi mất hay bất chợt bị cướp cò”, đại tá Cường chia sẻ.

Dẫn giải tên cướp Hồ Thanh Sơn – một trong những tên đặc biệt nguy hiểm phải lĩnh án tử hình sau đó.

Tuy nhiên, với các thành viên Ban chuyên án năm đó, cảm động nhất vẫn là tình cảm của vợ chồng anh Dưỡng ở Tam Kỳ. Khi biết công an đang truy lùng, câu nhử bọn cướp hằng đêm, vợ chồng anh dù nghèo, ngôi nhà chật hẹp nhưng đã nhường cho các chiến sĩ cả gian phòng để anh em “đêm làm, ngày nghỉ”. Họ cũng chăm lo cơm nước và nghe ngóng mọi động tĩnh bên ngoài để báo về cho các trinh sát biết.

Cuối năm 1994, sau gấn 12 tháng nếm mật nằm gai, lực lượng Công an Quảng Nam - Đà Nẵng đã bắt được toàn bộ 9 tên trong băng cướp, hiếp của Sang. Riêng kẻ cầm đầu này trong một lần đấu súng với Công an tỉnh Tiền Giang khi gây án ở cứ địa mới, đã bị tiêu diệt. Cung đường Quốc lộ 1A qua địa bàn trở lại bình yên, các bác tài lại có thể yên tâm nghỉ mệt trên tuyến đường huyết mạch.

Chuyên án kết thúc với rất nhiều câu chuyện nghiệp vụ khác của lực lượng cảnh sát được áp dụng. Nhiều thành viên Ban chuyên án hiện giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau của ngành Công an Quảng Nam và Đà Nẵng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/ky-uc-hai-huoc-cua-canh-sat-truy-lung-bang-cuop-rau-xanh-834131.html