Ký ức đồi Cháy

Có những vùng đất kỳ lạ luôn ẩn giấu những bí ẩn mà không ai ngờ tới. Lời xưa 'Đất lành chim đậu' thuần theo tự nhiên nhưng có miền cằn cỗi hoang vu, rừng thiêng nước độc, lại được con người tìm đến.

Miền hoang Phồn Xương là vậy, rạng rỡ với cái tên “Hùm thiêng Yên Thế”. Và ngọn đồi Cháy trơ trụi sỏi son ở Nhã Nam đã trở thành đồi “Văn hóa” cùng những ký ức kháng chiến mãi mãi trường tồn…

Ấp Đồi Cháy bỗng hóa vườn “Văn”

Lịch sử cái ấp Đồi Cháy này lạ lắm. Xưa, nó có cái tên là ấp Ký Nhàn, rộng mênh mông, hoang vu trơ cằn chả có cây cối gì. Ông Nhàn ở thị trấn Nhã Nam làm thư ký cho một chủ đồn điền người Pháp, được phép đến đây chiêu dân lập ấp, tổ chức lao động, sản xuất, cốt để thu thuế cho ông chủ. Hồi đầu ông ký Nhàn chỉ trồng được vườn cau, rồi bó tay vì cằn cỗi toàn sim, mua cỏ lác. Đất thì đỏ quạch, vùng đồi dày đặc lớp sỏi son nom gắt như màu lửa. Chính vì thế, những người dân đến đây khai hoang đất quanh vùng đều đổi tên ấp Ký Nhàn thành ấp Đồi Cháy. Tên gọi dân gian truyền miệng nhau là thế, còn sau khi dân khai hoang đến định hình từng khóm định cư gồm cả hai ấp (xóm) Đồi Vừng và ấp Đồi Cháy, chính quyền mới đặt tên chính thức là thôn Cầu Đen (hiện thuộc xã Quang Tiến, Tân Yên, Bắc Giang). Tới năm 1946, dân tản cư quần tụ làm ăn gọi là chòm xóm, nhưng vẫn thưa thớt bởi nơi đây vẫn coi là vùng rừng thiêng nước độc. Ngày đêm cọp beo gầm rú trong rừng lim phía trước. Cùng giai đoạn này, đầu năm 1947, các văn nghệ sĩ tản cư lên đây theo lệnh “Toàn quốc kháng chiến”. Nói là về thôn Cầu Đen nhưng tất cả đều định cư rải rác trên đồi Cháy. Mọi người tự đắp đất lợp mái rạ, gianh để ở và làm việc. Nếu có sự biến thì có thể rút lên chiến khu Việt Bắc vì ấp Cầu Đen nằm ngay trên trục đường đi lên Thái Nguyên chừng vài chục cây số.

Tác giả bên tượng nhà văn Nguyên Hồng.

Lên đồi Cháy đầu tiên là hai gia đình nhà văn Nguyên Hồng và Kim Lân, sau đó là các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn, rồi đến gia đình nhà văn Ngô Tất Tố. Theo thời gian, lần lượt ấp Cầu Đen còn có sự hiện diện của những gương mặt nổi tiếng khác như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡ, Vân Đài, Anh Thơ, cùng với đó còn có nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà viết kịch Đình Bảng… Tính ra có lúc đội ngũ văn nghệ sĩ tản cư lên tới 50 người. Tất cả đều phải tự khai phá đất đai dưới chân đồi, gieo cấy, trồng rau, chăn nuôi tự lo miếng ăn. Tất cả trông vào 15 mẫu ruộng được cấp. Riêng khoản nước ăn thì mọi người phải xuống chân đồi gánh lên vì ngày đó không thể đào giếng trên đồi sỏi được. Với ý thức của cuộc kháng chiến trường kỳ như Bác Hồ đã nêu nên đội ngũ văn nghệ sĩ quần tụ trên đồi Cháy đều xác định đây là mái ấm và chính là quê hương thứ hai của mình. Tất cả đều kiên trì lo lắng miếng cơm manh áo cũng như đi thực tế và sáng tác. Họ đã cải tạo đồi Cháy thành đồi văn hóa. Bởi ngoài những ngôi nhà, sân vườn được mọc lên, đồi Cháy lúc nào cùng rộn ràng lời ca tiếng hát. Những đêm đọc thơ, đàm đạo văn chương, trưng bày bích họa phục vụ kháng chiến, hoạt động khá sôi nổi. Cái nóng hầm hập của đồi Cháy chỉ làm hăng say thêm nhiệt huyết cách mạng trong tâm hồn nghệ sĩ. Đó chính là ngọn lửa của trái tim được thắp lên trên miền đất hoang vu này.

Việc lớn đầu tiên, các văn nghệ sĩ đã cùng nhau khởi thảo số báo Văn nghệ đầu tiên để chuẩn bị cho việc xuất bản trên chiến khu Việt Bắc vào năm 1948. Những hoạt động chính là sáng tác phục vụ kháng chiến và ấp ủ những dự án cho riêng mình. Hàng loạt tác phẩm để đời đã được viết tại nơi đây trong một bầu không khí sáng tạo mãnh liệt. Nếu nhà văn Kim Lân cho ra đời những truyện ngắn nổi tiếng như Làng, Vợ Nhặt, Con chó xấu xí thì Ngô Tất Tố xuất bản hàng loạt tác phẩm đủ các thể loại như chèo, truyện ngắn như Vĩnh Thụy ca, Buổi chợ trung du, Anh Lạc, Bùi Thị Phác, kèm theo còn một số tác phẩm dịch thuật. Cũng tại đây, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết được nhiều bài báo và 5 chương tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô. Riêng nhà văn Nguyên Hồng viết được chùm tác phẩm rất có giá trị như Địa ngục và lò lửa, Đất nước yêu dấu, Đêm giải phóng hay Ấp Đồi Cháy. Rồi còn nữa, đó là những tác phẩm của Tố Hữu, Tú Mỡ, Trần Đăng, Nguyễn Đình Thi…đều đóng góp lớn vào những trang văn học kháng chiến hết sức có giá trị. Cùng với giới văn thơ, các họa sĩ và nhạc sĩ cũng để lại dấu ấn sâu sắc với những sáng tác của mình. Đặc biệt là nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã hoàn thành bài ca Giải phóng Điện Biên ở đây. Cũng trong thời gian này, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cũng cho ra đời trường ca bất hủ Người Hà Nội. Chín năm kháng chiến, biết bao kỷ niệm đồi Văn hóa đã được ghi dấu không thể nào quên; Nào là đám cưới của Đỗ Nhuận được tổ chức trên ngọn đồi với những ngọn đèn măng-xông rực sáng cùng với lời ca tiếng hát ngân vang trên đỉnh đồi Cháy; Nào là những ngày đi thực tế chiến trường với những vết thương trên người; Rồi những đêm rét mướt, các họa sĩ phải vẽ kịp những pa-no kịp đưa ra chiến hào; Thêm đó là cái chết bất ngờ của nhà văn Ngô Tất Tố trong đêm đổ bệnh trên đồi, chỉ trước mấy tháng hòa bình được lập lại (1954)… Tất cả ngỡ như mới đây thôi. Đồi Cháy mênh mông kỷ niệm thời kháng chiến.

Ngôi nhà trên đồi Cháy, nơi ở của nhà văn Nguyên Hồng ở trong 23 năm cho đến cuối đời.

Người thắp tiếp ngọn lửa hồng trên đồi Cháy

Tôi trở lại đồi Cháy như một nỗi nhớ vô thường, bởi tất cả những kỷ niệm cho dù không thuộc về mình nhưng lại thấy thân thiết từ lâu. Thêm chuyện nữa, năm nay kỷ niệm đúng 100 năm ngày sinh của cố nhà văn Nguyên Hồng (1918-2018), tôi lên thắp hương viếng nơi mộ ông. Hiện trên đồi Cháy năm nào chỉ còn ngôi nhà gia đình ông sinh sống từ năm 1959 tới nay. Ngày nhà văn Nguyên Hồng trở lại ngôi nhà kháng chiến của mình chỉ sau 5 năm về tiếp quản Thủ đô (1954). Người đời nói ông khí phách ngang tàng nhưng thật ra ông lại là người phúc hậu, dễ mủi lòng và luôn đau đáu với nỗi khổ của con người lao động. Ông không chỉ khóc cho số phận cay đắng của nhân vật mà ông còn khóc cho cả niềm vui của cuộc đời. Những ngày quay về ngôi nhà kháng chiến ở Nhã Nam, ông không hề khóc mà chỉ lầm lũi sống cuộc sống của một nông dân, không giải thích cho vợ con lý do vì sao rời bỏ chốn phồn hoa. Cả nhà ông cả thảy chục người sống với nghề làm ruộng. Họ làm ra hạt gạo, củ khoai của chính mình. Cày, cấy, nhổ mạ, gánh phân, đào bới đất đai và trồng trọt từ đầu. Và ông tiếp tục viết về những con người mà ông yêu thương từ thuở còn lận đận, cùng mẹ mưu sinh tại đất biển Hải Phòng. Nơi đây, ông đã viết nên những tác phẩm lừng lẫy trong văn đàn như Bỉ vỏ, Bảy Hựu khi mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.

Tại xóm Cầu Đen này, nhà văn Nguyên Hồng bắt tay viết bộ tiểu thuyết Cửa Biển gồm 4 tập trong vòng 16 năm trời (từ 1960 - 1976), dài tới 20.000 trang. Đây có lẽ là một trong những bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất của văn học hiện đại Việt Nam. Quả ông là một phu chữ cần mẫn trên cánh đồng văn chương. Miệt mài trong cuộc sống đầy gian khó và đói kém. Cùng trong thời gian này, ông còn viết thêm được 2 cuốn hồi ký Một tuổi thơ văn (1973), và Những nhân vật ấy đã sống với tôi (1978). Nhà văn Nguyên Hồng còn làm thơ và viết truyện thiếu nhi trong giai đoạn này. Dù ẩn dật với thân phận “chân quê” nhưng nhà văn Nguyên Hồng vẫn được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng (1964-1982) hay tham gia đào tạo những cây bút trẻ trên Quảng Bá nên ông vẫn đi lại mỗi khi cần thiết, coi đó như những chuyến đi thực tế để viết văn. Liên tiếp những năm sau đó, nhà văn Nguyên Hồng thực hiện công trình mới của mình, đó là bộ tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế (2 tập) viết về cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám. Nhưng thật bất ngờ, tập 1 tiểu thuyết mới in xong năm 1981 thì năm sau, một cơn tai biến đánh gục ông ngay bên bàn viết, không một lời trăng trối. Nhà văn ra đi thầm lặng như một ông tiên rời xa ngọn núi bay lên trời. Trong điếu văn của Hội Nhà văn Việt Nam (4/5/1982) có đoạn viết đưa tiễn ông rằng: “Cho đến ngày cuối cùng của đời anh, như một người chiến sĩ ngót nửa thế kỷ nay không một phút ngưng nghỉ, anh đã ngã xuống trên trang giấy của trận đánh đang còn dang dở…”.

Mái nhà xưa

Ngôi nhà cấp bốn ngày ấy, cho dù đã được xây gạch lợp ngói nhưng vẫn ám ảnh một không gian “kháng chiến” xưa. Ngôi nhà đã ghi dấu hình ảnh một lão nông áo vải viết văn, bênh vực những thân phận cùng cực trong xã hội. Người đồng hành và cũng là niềm an ủi lớn nhất với nhà văn Nguyên Hồng chính là người vợ - bà Vũ Thị Mùi. Nhiều đêm bà đã thức trắng dưới cây đèn dầu chép lại bản thảo cho chồng để kịp đưa xuống nhà in. Dường như bản thảo nào, cuốn sách nào của ông cũng đều in dấu bàn tay của bà. Và cũng không biết bao nhiêu năm tháng, bà tần tảo cấy hái, chăn nuôi chạy chợ, kiếm từng đồng để nuôi 7 người con ăn học, khôn lớn. Bà vừa là chỗ dựa tinh thần và cũng là động lực mạnh mẽ để cho chồng cày ải trên cánh đồng văn chương. Bà mất năm 1987. Mộ bà nằm bên mộ chồng, theo đúng nguyện vọng của nhà văn Nguyên Hồng, dưới chân núi Án, cạnh suối Cầu Đen.

Hiện nay, chị Loan - con dâu thứ hai của nhà văn Nguyên Hồng trông nom ngôi nhà lưu niệm trên lưng đồi Cháy, từ năm 1982. Sau khi chồng mất, chị vẫn ngày đêm chăm chút, gìn giữ những kỷ vật của nhà văn Nguyên Hồng. Tất cả vẫn giữ nguyên như thời ông còn sống. Cùng với các bộ bản thảo viết tay cả chục ngàn trang sách còn cái chõng tre chính là bàn viết của Nguyên Hồng. Kia còn là chiếc xe đạp mỗi khi ông về Hà Nội họp, đi thực tế xuống cơ sở hay dạo quanh chợ huyện. Cây khế và cây me hơn 70 năm tuổi do nhà văn Nguyên Hồng trồng trước sân cũng là những di sản trường tồn mãi mãi trên đồi Cháy. Chúng quanh năm xanh rì sự sống, đậu hoa kết trái. Trong khu vườn luôn hiển hiện hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng áo nâu, guốc mộc đi lại với chiếc quạt chậm rãi, thong dong trò chuyện với những nhân vật của mình. Kèm với đó là những giọt nước mắt sẻ chia thầm lặng của ông - một “đạo sĩ” văn chương ẩn dật trên đồi cao luôn hướng về con người cần lao.

Bài và ảnh: Vương Tâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ky-uc-doi-chay-n146282.html