Ký ức đẹp

Phố cổ, phố cũ Hà Nội thực chất có 2 khu. Một là khu phố 'Hàng' đã tồn tại qua bao thế kỷ. Ai mà có người quen trên ấy rồi được dịp lên thăm thì quả là thất kinh vì những con ngõ dài, hẹp và tối thăm thẳm như lối vào lô cốt. Hai là, những khu phố cũ được hình thành từ thời thực dân Pháp đô hộ.

Ô Quan Chưởng vẫn giữ được nguyên vẹn nét cổ kính

Ô Quan Chưởng vẫn giữ được nguyên vẹn nét cổ kính

Mùi ẩm mốc, cổ lỗ được lưu cữu từ vài trăm năm như bủa vây lấy khách đường xa. Từ con ngõ tối mò bất tận tỏa ra những căn hộ tí hon, thấp tè dọc theo lối vào, mà nhẽ từ thời nhà Lý đã chẳng bao giờ có ánh sáng mặt trời. Bởi cửa ra vào và cửa sổ duy nhất quay ra cái ngách còn chẳng có nổi vảy sáng cho mình.

Phố ta và phố Tây

Hồi còn học phổ thông, lũ chúng tôi hay mang vải lên một cô hàng thợ may phố Hàng Buồm. Căn phòng hơn chục mét vuông của cô quanh năm phải bật điện, ngày cũng như đêm. Ánh đèn neon nhờn nhợt không đủ tỏ những viên đá hoa xanh cốm cổ xưa, mà trên đó đã bị vải vóc và phụ kiện phủ kín đến nỗi bữa nào khách đến đông thì cứ đứng lúp xúp xung quanh chiếc máy khâu mà trao đổi chứ khỏi có chỗ ngồi. Nhà phố cổ thường có sân giữa, từ ấy sẽ loắt ngoắt cầu thang dẫn lên những căn hộ “bí ẩn” ở tầng 2, mà có một thời vô khối bài báo nói về nỗi kinh hoàng của những toilet chung trên đó. Thì nhà ở còn có dăm mét vuông thế, lấy đâu ra chỗ cho toilet. Thế mà người ta vẫn quý lắm từng ô đất phố cổ.

Tôi có chị hàng xóm cùng chung cư, người Hải Phòng chuyển về, đồng thời cũng là phụ huynh một học sinh cùng lớp con gái tôi. Nhà chị 150m2, căn góc, ánh sáng tràn đầy, vậy mà vẫn còn kêu chật chội. Hôm phụ huynh tụ họp dã ngoại, chị bảo nhà phố cổ có cho không chị cũng chẳng ở, thà lên rừng còn sướng hơn. Thấy vậy một phụ huynh phố cổ chạnh lòng lên tiếng phản biện, từ đó nổ ra một cuộc tranh cãi. Kẻ bảo lên rừng ở còn đỡ khổ hơn, người kêu sống phố cổ sướng như vua, thứ gì cũng có, đi đâu chỉ cần tản bộ ba bước chân là mua được thứ mình cần. Tôi tủm tỉm ngồi nghe, y như một ông Tây với một ông Ta cãi nhau xem pho mát hay mắm tôm thứ nào thơm hơn.

Khu phố cổ thứ hai thật ra là phố cũ - hình thành từ thời Pháp thuộc, bắt đầu từ phía Nam và phía Đông của hồ Hoàn Kiếm rồi kéo dài xuống tận đường Bà Triệu và Nguyễn Thái Học. Nếu như khu phố “Hàng” chằng chịt như bàn cờ, được thiết kế đúng như tính cách đại khái của người Việt, thì khu Pháp cổ vuông vắn và khoa học mà nơi đẹp nhất là phố Tràng Tiền. Song song với nó là phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông.

Hồ Thiền Quang chính là ranh giới kết thúc khu phố Pháp cổ này. Từ Vân Hồ, Kim Liên, Bạch Mai trở đi là người Pháp không ở. Họ xây nhà để phục vụ cho các quan chức Pháp và nhân viên cao cấp. Chính vì thế, kiến trúc Đông Dương ở khu phố Pháp cổ thực sự đã trở thành một đặc sản của Hà Nội. Những con phố chạy dọc từ đầu hồ Gươm phía Bắc, đến phía Nam, về hướng hồ Thiền Quang là Hàng Bài, Phố Huế, Bà Triệu, Quang Trung, Quán Sứ, Trần Bình Trọng, kết nối với các trục phố ngang thành một trung tâm sang trọng của Thủ đô. Ở nơi ấy có hồ Thiền Quang là linh hồn với mùi hoa sữa mát lạnh.

Tôi lớn lên ở khu này và nghe mẹ kể hoài về cư dân vùng ấy, từ thời lính lê dương Pháp còn đi lại kìn kìn trên vỉa hè Nguyễn Thượng Hiền. Bà cũng kể đầu phố đằng Đông (phố Vũ Hữu Lợi) có nhạc sĩ Văn Cao ở, đầu phố đằng Tây có nhà văn Nguyễn Tuân, giữa phố có nhà văn Trần Dần. Họa sỹ Tô Ngọc Vân thì ở mé Yết Kiêu, nhà văn Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng và một loạt tên tuổi lớn thì xế bên kia Nguyễn Thượng Hiền. Còn nhà các bác Tô Hoài, Kim Lân cũng ngay phố Trần Quốc Toản, chẳng phải đất hồ Thiền Quang thiên thời địa lợi hay sao mà thi ca nhạc họa cứ phát ầm ầm như thế?

Phố Tràng Tiền và Nhà hát Lớn thời Pháp thuộc

Ấu thơ còn in dấu

Tôi chào đời đã nhìn thấy những ngôi nhà Pháp cổ bao quanh với giàn hoa giấy đủ màu lã chã trên tường biệt thự, những ô cửa chớp xanh khổng lồ, những bức tường vàng lốm đốm rêu, những cánh cổng sắt cổ kính và cả khoảnh sân lát gạch rộng lớn, yên tĩnh. Ngay cả bây giờ, nếu bỏ qua những tiệm cà phê, nhà hàng, shop thời trang dưới tầng trệt mà ngước lên các ban công còn nguyên kiến trúc style Indochinois (phòng cách Đông Dương) thì một trời mơ mộng vẫn còn nguyên đó.

Nhiều lúc tôi đồ rằng, gu thẩm mỹ của mình được nâng lên mấy bậc là vì từ nhỏ đã được phủ sóng thị giác bởi không gian đẹp đẽ này. Trường tiểu học, cấp hai và phổ thông của tôi cũng nằm kề ngay bên hồ Thiền Quang. Tuần lễ tập quân sự chúng tôi cũng được thầy giáo đưa ra ven hồ để huấn luyện dưới những bóng cây hoa sữa chưa đến cữ đông. Rồi hết buổi thì lẽo đẽo đi dọc phố Quang Trung mà về trường, đứa nào biếng học thì chuồn luôn sang bên kia đường là tới nhà.

Hồi tiểu học, tôi hay được “bám càng” cha tôi lên Lò Sũ ăn quà vặt. Lần nào cũng rẽ qua hàng nộm bò khô ở con phố Hoàn Kiếm ngắn nhất Thủ đô mà ông bảo vẫn hay ăn ở đấy hồi lớp 7. Nghĩa là, cha tôi đã ăn nộm bò ở đấy trong suốt… mấy chục năm qua. Từ thời “ông tổ” nộm bò còn khua kéo lách cách cho tới đời con, cháu, chắt như bây giờ. Thảo nào các văn tổ của dòng tùy bút ẩm thực là Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… đều lớn lên ở Hàng Gai, Hàng Bạc, vốn là nơi sẵn quán ngon nên mới đắm đuối món ăn Hà Nội làm vậy.

Nửa thế kỷ nay, ở cha tôi vẫn tồn tại thứ “văn hóa” bất di bất dịch có lẽ chỉ thấy ở người Hà Nội, Sài Gòn, là thói quen uống cà phê sáng. Nếu tôi lên phố cần gặp ông mà không liên lạc được thì cứ đúng giờ đó, chỉ cần ghé quán cà phê ở khu vực Trần Hưng Đạo, Nhà hát Lớn là thế nào cũng tìm được ông giữa hai chục cụ phơ phơ tóc bạc. Họ là các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh… đã có mối quan hệ với ông tới 3/4 thế kỷ. Mấy chục năm là bạn hữu, ngày nào cũng gặp mà còn hơn cả tôi rúc rích cùng mấy cô bạn thuở thiếu thời. Cư dân phố cổ, họ thuộc lòng từng cửa hàng bán đinh, quầy chữa đồng hồ, tiệm bơm ga bật lửa, hay ô bán mắm tép cực đỉnh giữa chợ Hàng Bè. Thậm chí một bà già chuyên nghề sang sợi chỉ cần để cái hộp gỗ ngoài vỉa hè rồi lên gác ngủ trưa mà khách cũng biết đường gọi xuống.

Hồ Thiền Quang

Chuẩn mực của tình yêu

Cư dân phố cổ không chỉ yêu phố, say phố mà còn truyền cả cái gene ấy cho con cái họ. Chẳng phải cha mẹ tôi ngày nào cũng kể không ngớt những câu chuyện cổ tích của hồn phố, từ cái ngày phố Lý Nam Đế còn là phố Yêu (vì nó luôn nhiều cây và vắng đến độ các cặp đôi toàn đến đấy để tản bộ và tâm tình) trước khi biến thành phố “Hàng Tin” chuyên bán máy tính và luôn ầm ĩ kẹt xe vào nửa thế kỷ sau.

Thế rồi tôi cũng thao thao bất tuyệt những câu chuyện ấy cho con gái mình mỗi lần đi qua những tòa nhà kiến trúc Đông Dương đang nhuộm ánh hoàng hôn. “Chỗ này mẹ toàn trèo tường trốn học. Góc hồ này mẹ với cô Thủy hay chụp ảnh bằng chiếc máy cùi bắp màu đỏ. Còn đường Lê Duẩn mẹ toàn đạp xe một mình. Đây là hàng chè thập cẩm ngon nhất thế giới mẹ hay ăn mỗi lần đi học thêm”. Con gái tôi lớn lên ở quận Cầu Giấy, nó ngẩn ngơ nhìn phố cổ, và nó yêu phố tới mức mọi thứ của phố cổ đều đã trở thành chuẩn mực.

Chẳng phải yêu phố mà nhà văn Nguyễn Việt Hà, cư dân của phố Nhà Chung, đã viết “Con giai phố cổ” với niềm tự hào không giấu giếm phân chia sự khác biệt giữa giai phố và giai… ngoại vi. Còn họa sỹ Lê Thiết Cương, người sở hữu căn nhà đắt đỏ ngay mặt phố Lý Quốc Sư thì ngạo phố tới mức xe máy không đi, ô tô không lái mà… đi bộ, bất quá thì đi xe đạp, thể hiện cái sự tôi đây chả cần phải đi đâu quá 500m.

Nhà văn Di Li

Ai có việc gì cần gấp thì đến gõ cửa Lý Quốc Sư, bằng không có hẹn gì cũng chỉ quanh quẩn ngoài phố thôi nhé. Có bận chúng tôi có cuộc hẹn 4 người bên hồ Thiền Quang, anh bảo: “Chờ tí, anh đạp xe đến đấy tối đa 10 phút”. Vậy là đúng 7 phút sau, tôi thấy gã nghệ sĩ phố cổ trong chiếc quần màu cam thong dong dựng xe ở một gốc cây hoa sữa. Có nhẽ Lê Thiết Cương đã nghĩ, có đi đâu thì cự li 10 phút đạp xe mới đúng là chuẩn mực.

Nhà văn Di Li

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-uc-dep-post463231.antd