Ký ức đại tá, nhà báo vinh dự 7 lần được gặp Bác Hồ

Tờ mờ sáng mùng 1 Tết Đinh Mùi năm 1967, trời lất phất mưa, Bác Hồ đến đón Tết với bộ đội ở sân bay Nội Bài, thấy các chiến sĩ chỉ mặc áo sơ mi và một chiếc áo trấn thủ cộc tay, bác đặt tay kiểm tra ngực áo một chiến sĩ và hỏi: 'Chú mặc thế này có rét không?'. Khoảnh khắc đó đã được Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai chụp lại. Đây là một trong 7 lần ông được gặp Bác Hồ, mỗi lần gặp là một ấn tượng không thể nào phai.

Những bức ảnh chụp về Bác Hồ được nhà báo Nguyễn Xuân Mai lưu giữ rất cẩn thận.

Những bức ảnh chụp về Bác Hồ được nhà báo Nguyễn Xuân Mai lưu giữ rất cẩn thận.

Bác luôn quan tâm đến các chiến sĩ

Đại tá Nguyễn Xuân Mai (sinh năm 1935), nguyên Tổng biên tập của Báo Phòng không - Không quân nay đã hơn 80 tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Căn nhà nhỏ giản dị của ông nằm trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) còn lưu giữ nhiều bức ảnh quý về Bác Hồ.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng ngay từ nhỏ, cuộc đời ông Nguyễn Xuân Mai gặp nhiều biến cố, gia đình li tán do chiến tranh. Năm 16 tuổi, ông xung phong nhập ngũ, tham gia vào đơn vị phòng không trợ chiến của Đại đoàn 316 (Đại đoàn Bộ binh 316). Ông đã tham gia nhiều chiến dịch như Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa rồi ngược đường lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ…

Đại tá Nguyễn Xuân Mai (sinh năm 1935), nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không - Không quân.

Sau đó, đến năm 1955, ông trở về Hà Nội. Từ đây, cuộc đời người lính rẽ sang một ngã khác, do có năng khiếu làm báo nên ông được đơn vị cử đi học làm báo và tốt nghiêp trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Sau đó, ông được phân công về tòa soạn báo Phòng không – Không quân.

Nhưng cũng nhờ làm báo mà nhà báo Nguyễn Xuân Mai đã vinh dự được gặp Bác Hồ 7 lần. Mỗi lần gặp Bác là một lần ông được học hỏi từ Người những bài học quý giá.

“Lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ là năm 1961, lúc đó ta phát động phong trào đấu tranh giành thống nhất nước nhà. Bác đến thăm trung đoàn 230, lúc đó lấy bí danh là Đoàn Thống Nhất với ý nghĩa đại đội này được thành lập toàn là chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết và có nhiều thành tích trong huấn luyện. Hôm đó, chưa có máy ảnh nên tôi không chụp được hình ảnh Bác mà chỉ ghi âm. Bác vào trận địa, xem nơi ở, bếp ăn và nói chuyện với các chiến sĩ. Tôi vẫn nhớ mãi Bác căn dặn các chiến sĩ phải đoàn kết, yêu thương nhau như anh em một nhà, nêu cao tinh thần chiến đấu và ở với dân phải đoàn kết, giúp đỡ nhân dân…”, nhà báo, đại tá Nguyễn Xuân Mai kể lại.

Lần tiếp theo ông được gặp Bác Hồ là ngày mùng 1 Tết năm 1964, Bác đến thăm Đại đội 130, Trung đoàn 260 là đại đội đã phát hiện ra 2 máy bay của Mỹ khi chúng lần đầu tiên cho máy bay phản lực xâm phạm bầu trời Hà Nội. Tuy quân ta bắn không trúng nhưng đã thể hiện được tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, địch đến là biết.

Bác căn dặn: “Các chú nhớ rằng, nếu máy bay địch lần sau vào miền Bắc nước ta, các chú phải bắn rơi. Nếu các chú bắn rơi máy bay địch, Tết sang năm Bác lại đến thăm…”.

“Bác vào thăm nhà bếp, thấy còn nhiều ruồi, Bác nói đùa: Con ruồi đậu trên cái cân này nặng bao nhiêu chú có biết không? Rồi Bác dặn dò anh nuôi: Các chú phải chú ý giữ sức khỏe cho bộ đội chiến đấu. Muốn có sức chiến đấu phải đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho bữa ăn. Sau đó, Bác còn ra tận nhà vệ sinh xem sạch sẽ không. Tôi đã viết bài đăng trên báo sự kiện đó và cũng rất ấn tượng khi Bác quan tâm đến các chiến sĩ từ những điều nhỏ nhất”, nhà báo Nguyễn Xuân Mai chia sẻ.

Bức ảnh chụp Bác Hồ gặp gỡ các chiến sĩ vào mùng 1 Tết Đinh Mùi năm 1967. Trời mưa rét, Bác cẩn thận kiểm tra và thăm hỏi xem chiến sĩ có lạnh không.

Trong những bức ảnh đã chụp Bác Hồ, ông Nguyễn Xuân Mai tâm đắc nhất là bức ảnh ông chụp Bác Hồ cùng với các chiến sĩ vào sáng mùng 1 Tết Đinh Mùi năm 1967. Ông kể, đó là lần thứ 6 ông được gặp Bác Hồ, khi Bác đến ăn Tết cùng với bộ đội ở sân bay Nội Bài. Lúc đó trời mới tờ mờ sáng, lất phất mưa và rét. Bác đến nơi thì các chiến sĩ đã tập hợp thành đội hình chào đón Bác. Lúc bấy giờ các chiến sĩ đều đội mũ sắt, mặc áo sơ mi dài tay và một áo trấn thủ cộc tay. Thấy vậy, Bác kiểm tra trong ngực áo của một chiến sĩ xem mặc có đủ ấm không, rồi Bác hỏi: “Chú mặc thế này có rét không?”, cậu chiến sĩ cảm động nói: “Thưa Bác, cháu mặc thế này cũng đủ ấm rồi ạ”. Nhà báo Nguyễn Xuân Mai đã chụp được khoảnh khắc này.

Mỗi lần gặp Bác là một lần thêm kinh nghiệm tác nghiệp

Không chỉ học tập ở Bác đức tính giản dị, gần gũi và quan tâm mọi người, nhà báo Nguyễn Mai Xuân cho biết, sau mỗi lần đi tác nghiệp theo chân Bác, ông lại có thêm một bài học cho mình.

Trong lần Bác thăm và ăn Tết cùng với bộ đội ở sân bay Nội Bài, đồng chí Trần Hanh thay mặt anh em cán bộ, chiến sĩ toàn quân chủng lên chúc Tết Bác. Trong lời phát biểu của đồng chí Trần Hanh có câu: “Chúng cháu sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc”. Bác bắt tay đồng chí rồi nhắc ngay: “Muốn học thì chỗ nào cũng học được, lúc nào cũng học được và gặp việc gì cũng nên học. Ta là người Việt Nam, ta có tiếng của ta chứ việc gì phải mượn tiếng nước ngoài. Vừa rồi chú nói “xả thân” là chú dùng chữ nhiều quá đấy. Sao không nói “quên mình” vì nước, ví dụ ta có tiếng “máy bay”, sao không nói lại nói là “phi cơ”. Mình là người Việt Nam không nên dùng tiếng nước ngoài. Bác nhắc lại là các cháu phải chăm học, học nữa, vì càng học càng tiến bộ, mà tiến bộ thì đánh địch càng thắng lợi…”

“Sau khi nghe Bác nói vậy, tôi luôn luôn khắc ghi, trong mỗi lần viết bài đều chú ý đến từng câu chữ sao cho ngắn gọn, dễ hiểu và thuần Việt nhất. Cho đến bây giờ vẫn vậy, tôi luôn nghĩ xem từ nào có thể thay bằng tiếng Việt dễ hiểu nhất, thay vì dùng tiếng nước ngoài”, nhà báo Nguyễn Xuân Mai cho hay.

Video ông Nguyễn Xuân Mai chia sẻ về kỷ niệm gặp Bác Hồ:

Lần thứ 3 ông Nguyễn Xuân Mai được gặp Bác Hồ là năm 1965, khi Bác Hồ đi thăm các chiến sĩ tại trận địa pháo cao xạ trong sân bay Bạch Mai, nhà báo Nguyễn Xuân Mai đã chụp được rất nhiều ảnh của Bác, nhưng đến bây giờ ông vẫn còn tiếc nuối. Ông nói, đó là lần đầu tiên ông được cầm máy ảnh chụp Bác nên rất run và được gọi đi ngay nên không kiểm tra máy kỹ càng, chỉ kịp cầm theo 2 cuộn phim để chụp.

Khi đến nơi mới thấy cuốn phim đang chụp dở chỉ còn 4 kiểu. Sau khi chụp ảnh Bác đi thăm các trận địa, đến khẩu đội 6 thì máy còn 2 kiểu, ông bấm một kiểu Bác đứng cùng các chiến sĩ ở khẩu pháo, còn lại 1 kiểu, mà không kịp thay phim nên ông “để dành” cho sự kiện quan trọng. Đúng lúc Bác Hồ đội mũ sắt lên đầu xem thử chỉ có mấy giây thì ông đã kịp bấm máy, đây là bức ảnh Bác đội mũ sắt duy nhất được ông chụp lại

Bức ảnh Bác Hồ đội mũ sắt do ông Nguyễn Xuân Mai chụp.

Cựu nhà báo Phòng không – Không quân kể: “Sau khi chụp ảnh xong thì Bác vào nhà bếp nhưng tôi không kịp chụp, tôi thay phim nhưng lúc đó cuống quá, khi cho phim vào thì bị lỗi, may mà còn 1 cuốn phim nữa để chụp. Từ đó, mỗi khi đi tác nghiệp tôi đều chuẩn bị kỹ càng từ máy ảnh đến ghi âm, cây bút, cuốn sổ”.

Năm 1966, Mỹ đã đưa B52 vào chiến trường miền Nam, cho nên từ rất sớm Bác đã suy nghĩ đến việc đánh máy bay B52. Khi tên lửa và không quân của ta bắn rơi ở miền Bắc những chiếc máy bay không người lái ở độ cao từ 16 – 18 km, Bác nghe tin xác chiếc máy bay không người lái bị ta bắn rơi đã được đưa về phòng khoa học quân sự của quân chủng để nghiên cứu thì liền đến xem chiếc máy bay này. Nhà báo Nguyễn Xuân Mai cũng có mặt để chụp sự kiện này. Bác rất chú ý, quan sát kỹ bộ phận máy ảnh của máy bay không người lái tầm cao bị bắn rơi và nhà báo Nguyễn Xuân Mai đã “phục kích” ngay bên cửa sổ và bấm được kiểu ảnh đó.

Bác nhìn và đọc rất kỹ những dòng chữ trên mảnh máy bay bị bắn rơi.

“Đấy là lần đầu tiên tôi được chụp ảnh Bác Hồ gần nhất, chỉ cách tôi hơn 1m. Tôi đứng "phục kích" sẵn vì mảng máy quay phim trên máy bay được bày ngay gần cửa sổ, có ánh sáng tốt. Tôi đứng sẵn chỗ đó, chờ Bác đến. Khi đến nơi, Bác rút vội trong túi ra chiếc kính trắng và đeo vào. Bác nhìn và đọc rất kỹ những dòng chữ trên mảnh máy bay, chính thời điểm đó, tôi bấm được một kiểu ảnh. Mỗi lần tác nghiệp, tôi đều quan sát kỹ địa bàn để lựa chọn chỗ đứng phù hợp để có được những bức ảnh tốt nhất”, ông kể.

Lần cuối cùng ông Nguyễn Xuân Mai được gặp Bác Hồ là mùng 1 Tết năm 1969, khi Bác đến gặp một đơn vị phòng không – không quân. Ngày hôm đó, ông nhận nhiệm vụ ghi âm những lời Bác nói. Bác dặn dò các chiến sĩ phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và học hỏi, rèn luyện về mọi mặt. Ông Mai đứng đằng sau Bác và ghi lại được tất cả những lời nói của Bác, sau đó gỡ băng ra và viết thành bài. Chiếc máy ghi âm này sau đó được dùng để ghi âm nhiều sự kiện như đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến động viên bộ đội trên trận địa tên lửa… Hiện chiếc máy ghi âm đã được ông Nguyễn Xuân Mai tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Xuân Mai thứ 2 từ phải sang chụp ảnh cùng Bác Hồ năm 1969.

Cũng trong lần cuối cùng được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Xuân Mai đã được chụp ảnh cùng với Bác. Bức ảnh đen trắng đó được ông in to, cẩn thận đóng khung và treo ở vị trí trang trọng giữa nhà. Đối với Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai, được gặp, chụp ảnh Bác Hồ và ghi lại những lời Bác căn dặn bộ đội trong suốt những năm tháng đó là những tháng ngày không thể quên. Cũng chính trong thời gian đó, ông đã học được rất nhiều điều để phục vụ cho việc tác nghiệp sau này.

Bức ảnh chụp chung với Bác Hồ được ông Mai treo trang trọng giữa nhà.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai, sinh năm 1935 tại ngoại thành Hà Nội. Ông tham gia chiến đấu từ năm 16 tuổi, rồi chuyển sang làm báo. Đến cuối năm 1970, ông được giao phụ trách tờ báo Phòng không – Không quân. Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, ông được đề bạt làm Phó phòng tuyên huấn của Quân chủng Phòng không – Không quân kiêm phụ trách Tổng biên tập báo Phòng không – Không quân. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu và trở thành Tổng Biên tập báo Cựu Chiến binh Việt Nam từ năm 2004. Đến năm 70 tuổi, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia viết bài cộng tác với nhiều báo khác nhau.

Bài, ảnh, clip: Thu Trang/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/ky-uc-dai-ta-nha-bao-vinh-du-7-lan-duoc-gap-bac-ho-20210519120108019.htm