Ký ức chùa 'B.52'

Con đường nhỏ chạy dưới bóng mát của những cây thốt nốt già nua dẫn tôi vào ngôi chùa cũ kỹ hằn dấu rêu phong. Trong khung cảnh êm ả, thanh bình của buổi trưa hè, tôi lắng nghe câu chuyện lịch sử bi tráng của ngôi cổ tự mà nỗi đau đã gắn cùng tên gọi: chùa 'B.52'!

Cổng vào chùa Snayđonkum

“Địa chỉ” của lòng yêu nước

Thoáng nghe qua tên gọi của ngôi chùa, lòng tôi bộn bề những thắc mắc, băn khoăn và quyết tâm đến đây tìm hiểu. Nắng trưa đã xế qua đầu, tiếng ve ngân ra rả trên những tán cây. Chùa “B.52” nằm yên lặng, trầm mặc cùng năm tháng với ngôi chánh điện đã xuống cấp theo thời gian.

Trước mặt tôi là ông Chau Son, à cha chùa “B.52”, với nụ cười đôn hậu. Hơn 65 tuổi đời, ông là nhân chứng hiếm hoi còn nhớ những ký ức gắn liền với tên gọi chùa “B.52” và câu chuyện của lão nông Khmer này cứ đầy vơi theo những tách trà tỏa hương thơm ngát.

Ông Chau Son cho biết, chùa “B.52” có tên gọi Snayđonkum với tuổi đời mấy trăm năm. Thời điểm căn cứ cách mạng của ta đặt trên đồi Tức Dụp vào những năm 60 của thế kỷ trước, đồng bào DTTS Khmer ở xã Ô Lâm (Tri Tôn) đã tìm mọi cách tiếp tế lương thực, thuốc men để các chiến sĩ có điều kiện bám trụ lâu dài đánh địch.

Hàng ngày, bà con đến chùa giả vờ cúng gạo, muối, lương thực nhưng thực chất là để dành cho cách mạng. Khi có điều kiện thuận lợi, lực lượng của ta từ Tức Dụp sẽ xuống chùa lấy lương thực để có thể kéo dài cuộc chiến đã đi vào lịch sử đấu tranh chống Mỹ như một mốc son chói lọi.

Khi ấy, Chau Son mới là cậu thanh niên chưa đầy đôi mươi hừng hực lòng căm thù giặc Mỹ đã tàn phá quê hương mình. Và cũng vì thế, ông chứng kiến những trận oanh tạc bằng “pháo đài bay” B.52 xuống vùng đất mà Mỹ - ngụy xác định là cầu nối quan trọng trong tuyến đường vận chuyển nhân lực, vũ khí từ Campuchia xuống các tỉnh ĐBSCL.

Chùa Snayđonkum từ lâu là “cái gai” trong mắt kẻ thù đã tan hoang với loạt bom đạn điên cuồng của chúng. Các công trình đổ nát hoàn toàn, khuôn viên chùa loang lổ những hố bom B.52. Từ đó, người dân địa phương gọi đây là chùa “B.52” như khắc sâu nỗi hận thù với kẻ gieo rắc đau thương lên mảnh đất Ô Lâm anh hùng.

Là người đã đi qua cuộc chiến huyền thoại 128 ngày đêm trên đồi Tức Dụp, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thành Cư vẫn còn nhớ như in ký ức bi tráng về ngôi chùa “B.52” ấy.

Ông Cư hồi tưởng: “Năm 1968, chúng tôi kiên quyết bám trụ núi Tô với niềm tin sắt đá. Với sự giúp đỡ của bà con đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Nhưng bom đạn kẻ thù đã biến khu vực xung quanh đồi Tức Dụp thành “vùng trắng” và chùa Snayđonkum cũng không ngoại lệ. tại ngôi chùa đó, mười mấy anh chị em thanh niên xung phong của ta đã vĩnh viễn nằm xuống với quê hương!”.

Một góc chùa Snayđonkum

Thủy chung với cách mạng

Cho đến bây giờ, ông Lê Thành Cư vẫn thường kể cho đám trẻ nghe về khúc tráng ca ấy để giáo dục thế hệ kế thừa về tấm lòng yêu quê hương, thủy chung cùng cách mạng dù có phải hy sinh, gian khổ.

Sau khi Snayđonkum bị san bằng, sư cả Tà Hiên đã dời đến nơi khác để lập chùa nhằm tránh sự đàn áp của kẻ thù. Trên nền chùa cũ chỉ còn dấu vết đổ nát, hoang tàn và những hố bom B.52 khét lẹt. Sau ngày đất nước thống nhất, ngôi chùa chưa kịp phục dựng thì đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi phải di tản xuống Hậu Giang, Sóc Trăng để tránh sự truy sát của bọn Pôn Pốt. Chùa “B.52” lại rơi vào quên lãng.

Vào giữa những năm 80, phật tử lần lượt trở về quê cũ và bắt tay dựng lại ngôi chùa. Dù đời sống lúc ấy còn khó khăn trăm bề nhưng công trình cũng dần được hình thành. Qua nhiều năm, ngôi chùa đã xuống cấp và những người hôm nay đang cố gắng giữ gìn, tôn tạo, xem đó như sự tri ân đối với thế hệ cha anh.

Trong khuôn viên khoảng 1,5ha của ngôi chùa, những công trình mới đang được hình thành. Đó là khu dạy tiếng dân tộc cho các cháu nhỏ để giữ gìn, phát huy vốn quý văn hóa của đồng bào DTTS Khmer hay khu các sư, sãi sinh hoạt đã khang trang hơn.

“Hiện nay, chúng tôi chỉ mong được các cấp, ngành tạo điều kiện để xây dựng lại ngôi chánh điện. Giờ mái ngói của công trình đã xuống cấp trầm trọng. Ngôi chùa đã là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh nên chúng tôi muốn giữ gìn, tôn tạo để dạy dỗ đám trẻ đời sau biết rõ truyền thống yêu nước của cha anh mình!” - ông Chau Son trải lòng.

Rời khỏi ngôi chùa mà tên gọi đã là chứng nhân lịch sử, tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng đọc kinh của các chú lục đang ngày ngày tiếp thu đạo lý từ đức Phật nhân từ. Một thuở bom đạn đã đi qua, chùa “B.52” vẫn còn đó!

Màu xanh cây lá đã kéo liền vết thương chiến tranh nhưng câu chuyện bi hùng về lòng yêu nước vẫn mãi là bài học quý báu cho thế hệ mai sau. Giờ đây, Chau Son và những người kế thừa Snayđonkum vẫn giữ mãi tấm lòng yêu quê hương xen lẫn tự hào với ngôi chùa đã gắn liền cùng ký ức hào hùng của vùng Bảy Núi.

THANH TIẾN

Chùa Snayđonkum tọa lạc tại xã Ô Lâm (Tri Tôn) bị máy bay B.52 của Mỹ đánh bom sụp đổ hoàn toàn vào năm 1968 và được phục dựng lại vào những năm 80. Năm 2013, chùa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Hiện nay, một số hạng mục trong chùa đã xuống cấp, cần được nâng cấp để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer địa phương.

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ky-uc-chua-b-52--a271121.html