Ký ức chợ phiên cót mọc

Ngày xưa, thuở còn hợp tác xã nông nghiệp, chiến tranh và bao cấp, đèn dầu thắp sáng, bến xe điện Cầu Giấy, Ngã Tư Sở chỉ cách làng Giàn 2,5km... quả là hẻo lánh phải không ạ!

Ngày xưa ấy, Tết thật là thích! Được ăn thịt cá cơm không độn, được chơi không phải đi học, ngao du bạn bè cùng lớp tán phét, lại không phải làm gì. Ăn ngon, toàn những thứ cả năm chỉ thèm khát hoặc năm thì mười họa mới cho vào mồm. Là dịp được may quần áo mới; sẵn tiền, dù ít dù nhiều, đi chơi chẳng ai ngăn cấm; Bạn bè, người thân có dịp gặp nhau vui vẻ. Vậy mà giờ đây, người ta nghỉ Tết mua sắm thật khác, lại nhớ chợ phiên xưa.

Được đi chợ Tết hai thôn phía bắc, phía Nam làng Giàn vào các ngày 25 Cót, 27 Tết Mọc là nguồn vui tột bậc của lũ trẻ.

Chợ Cót xưa cách đầu làng 100m phía tay phải, là miếng đất vuông có 2 dãy nhà cầu mái gạch, sát ngõ có hàng thuốc Cam tẩu mã lừng danh.

Chợ Mọc xưa trước đình Quan nhân, phía Nam là hồ rộng có hòn đảo dựng Thủy đình bát giác. Áp Tết cổ truyền 2 chợ này tràn ra đường làng dài vài trăm mét có dư. Nườm nượp người bán mua, ồn ào ồn ã trong làn mưa bụi bay bay. Nỗi nhớ cứ nôn nao!

Theo mẹ đi hai chợ phiên này sẽ được "nếm"quà. Lôi số tiền mò cua đóng xóc, mớ trai ốc mò, mẻ tôm kéo vó bán (để dành trong lợn đất cả năm) nay hùng dũng đập trước Tết, để mua cái mình thòm thèm ao ước bấy lâu nay. Ngoài mua bộ Tam cúc "thật", còi sắt, bi ve, vài cuốn truyện tranh cho mình, còn xơi được quà và ngắm nghía nhiều thứ.

Chợ phiên các làng có chữ Kẻ ở đầu (Kẻ Cót, Kẻ Mọc, Kẻ Vẽ...) đều phang phảng như nhau. Chợ mở giữa đường hay khu đất có vài dãy nhà cầu xen mái lá.

Các bà già ngồi chợ váy thâm, trùm khăn mỏ quạ, răng đen, miệng ăn trầu bỏm bẻm, túi áo cánh găm chiếc kim băng to tướng. Ngồn ngộn những hoa quả lạ, ầng ậc lồng nhốt gà vịt ngỗng ngan, tươi rói lá dong, lạt màu. Rực rỡ tranh cuốn thư, câu đối Tết đỏ rực. Các tranh ảnh và bìa sách đủ màu sắc hấp văn dẫn. Thể nào cũng phải sà vào hàng kẹo bánh (kẹo vừng, kẹo lạc, bỏng ngô mật, bỏng gạo rang ép bánh vuông vắn, bọc trong những tấm lá chuối khô chéo lạt rơm. Nhớ cái thố kẹo mạch nha vàng ươm được quấn tròn trên que tre, đoạn kẹo kéo trắng ngà dài gang tay; cái bánh rán xèo xèo trong chảo, miếng bánh đa mật ngả màu nâu trên than hồng... Đứa nào đứa nấy đều nuốt nước bọt ừng ực. Mất mấy chục phút xem người ta nặn Tò he băng bột màu con trâu, ông tướng, con gà, bé tý hin mà đầy đủ bộ phận...

Lúc về tung tăng vác bó mía còn ngọn (làm gậy chống dựng ban thờ cho các Cụ về ăn Tết). Thuở xưa đồ ngọt làm gì có đường kính trắng, suốt các hàng ngọt chỉ bày các tảng mật to tướng nâu sẫm, đường cát nấu chè vàng chanh được gói lá chuối hay là giấy xề làng Cót. Lạ mắt là lủng lẳng mấy xâu bánh men rượu như những mảnh trứng nhện trắng màu vôi bột, còn dính mươi mảnh vỏ trấu vàng ươm. Măng khô bó lạt, mộc nhĩ nấm hương. Đậu xanh đậu đen dăng hàng thúng đựng được quan tâm đầu tiên của mẹ.

Vào hàng sắt cho mẹ mua con dao, vào hàng thừng chão chọn giữa đám thừng sợi to nhỏ quấn vòng, Tết vặn đủ các kiểu mua dây thừng múc gáo giếng thơi. Vào hàng nan chọn thay mới các loại sề, rổ rá, thúng mủng từ các làng xung quanh mang tới. Bây giờ, những mặt hàng này cũng vẫn thấy bày bán loáng thoáng trong chợ.

Ở hai chợ này, mọi người lựa mua được những thứ rau quả tươi ngon còn thấm đẫm sương đêm mới được cất về từ ba thôn làng Láng (trồng rau ven sông Tô lịch) và cả các loại rau quả đặc sản của các vùng Kẻ trên đất Từ Liêm. Và cũng thích ở chợ các thúng sơn đựng các loại cá chép tươi rói như vừa cất lưới về (làm nồi cá kho ăn Tết). Chợ phiên hay bày bán những loại cây lá thông thường, ngải cứu, lá lốt, tía tô, dấp cá, ớt thêm các loại cây như rau ngót, sương sông, mùi tàu, dọc mùng. Tết có bán các loại lá thơm dùng đun ra, tắm khi canh nồi bánh chưng áp Tết.

Thấp thoáng vài cành đào, đùm cây quất trên xe đạp từ ngoài phố trở về. Chợ phiên mở ở giữa đường làng. Hai bên hàng phố nhà gạch mái ngói rêu phong cũ kỹ, dòng người ngược xuôi bán mua, tiếng chuông xe đạp kính cong, xen lẫn tiếng còi toe toét, pháo tép nổ đì đẹt, văng vẳng tiếng kèn hát quay tay... Quá trưa dòng người lớn làng Giàn quang quang gánh gánh, lũ trẻ tung tăng rời chợ Cót (đi đường Đìa Lơ) chợ Mọc (theo mương máng hàng xã) về nhà.

Trần Minh Hải

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/ky-u-c-cho-phien-co-t-mo-c.html