Ký ức cây ngô đồng

Làng quê tôi nhỏ bé và thanh bình nằm ven sông Bằng Giang. Dòng sông hiền hòa uốn lượn ôm trọn thành phố nhỏ rồi bỗng rẽ hướng kỳ lạ, chẳng giống bất kì dòng sông nào về hướng Bắc. Mỗi mùa nước lũ lên lại bồi đắp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng nhờ thế mà hoa màu, cây cối luôn tươi tốt. Khi tôi còn nhỏ, tôi cùng đám bạn nô đùa trên cánh đồng, thời kì mà chúng tôi chẳng biết đến điện thoại hay các quán game là gì. Cánh đồng nghiễm nhiên trở thành nơi tụ họp để chúng tôi bày cơ man nào là các trò chơi thích thú.

Cánh đồng ngô mùa thu hoạch, ngô khô được đốt để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Ảnh: Văn Tiệp

Cánh đồng ngô mùa thu hoạch, ngô khô được đốt để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Ảnh: Văn Tiệp

Một trong những trò tôi yêu thích nhất bấy giờ chính là đi mót ngô đồng sau mỗi vụ mùa thu hoạch. Những bắp ngô còn sót lại bị cháy sém ngoài vỏ, hạt vàng lưa thưa, núp mình dưới những đốm tro tàn mà chủ vườn đã bỏ quên. Đây chính là món quà quý giá, bất ngờ mà mỗi đứa chúng tôi phải reo lên sung sướng mỗi khi tìm được. Những bắp ngô tẻ chín hạt vàng ươm là món quà mỗi đứa chúng tôi luôn kiếm tìm. Có những lần, vì tranh nhau những bắp ngô, chúng tôi đánh nhau, giận dỗi nhau vài ngày mới làm lành lại.

Cây ngô không chỉ có giá trị từ bắp, sau khi bắp ngô được thu hoạch, thân cây ngô được chặt đến gốc, sau đó xếp thành hàng dài. Độ khoảng 1 tuần sau đó, những thân cây đã khô lại được đốt thành tro để chính bản thân nó trở thành chất dinh dưỡng cho đất. Đó cũng chính là lúc đám trẻ con chúng tôi í ới gọi nhau ra đồng mót ngô. Chỉ với một bao tải, chiếc làn đi chợ của mẹ, một cái nón là đã có thể tung tăng trên cánh đồng đang bốc khói lửa cùng với nắng cháy. Tôi đi theo các anh trong xóm, thấy các anh nhặt như nào thì bắt chước như vậy, công việc bắt đầu bằng cách đến những bãi ngô đã đốt, lần mò theo từng cây một, nắn nắn, bóp bóp xem có bắp ngô nào còn sót lại không, thi thoảng lại may mắn nhặt được một bắp to. Đồng ngô rộng lắm, người ta đốt còn đang cháy, có khi đám trẻ chúng tôi đã mò theo sau để đảm bảo rằng, mình là người đầu tiên nhặt mót.

Chúng tôi vừa đùa vui, vừa cùng nhau mót ngô cặm cụi đến gần xế chiều, đến khi về nhà đứa nào cũng hả hê vì có thành quả. Đó là những bắp ngô lám bị cháy sém vẫn còn mùi khói nồng nồng. Trước khi về bao giờ đám nhỏ chúng tôi cũng hò nhau ra sông Bằng Giang tắm một lát cho mát để rửa mặt và chân tay lấm lem, nhem nhuốc than của ngô mót bị đốt cháy. Cái cảm giác đi nhặt ngô cả chiều đã thấm mệt mà được nhảy sông tắm thì chẳng còn gì tuyệt hơn đối với đứa trẻ con chúng tôi bấy giờ. Đứng cách bờ sông tầm hơn một trăm mét đã nghe tiếng dòng chảy ầm ầm, bước thêm vài bước nữa liền cảm thấy mùi tươi mát của hơi nước bốc lên khiến đám trẻ chúng tôi phấn khích vô cùng. Ai cũng lao ra sông thật nhanh để cảm nhận cái mát, xóa tan đi cái mệt mỏi vì tìm và gánh ngô suốt buổi chiều. Bơi lặn, nhảy lên vai bật tôm, đuổi nhau, thi lặn, thi bơi chán chê rồi cũng đến lúc về.

Từ sông về đến nhà tôi cũng chừng một cây số, về đến nhà thấm mệt và đói, mẹ nấu cho món cá măng chua mà chan với cơm, cùng đỗ tương đen xào thịt thì có lẽ là tuyệt nhất trần đời để thưởng cho những ngày lang thang khắp cánh đồng nhặt ngô. Tối đến, tôi lại ngồi tẽ ngô cùng mẹ và kể chuyện cho mẹ nghe những gì vui trong ngày.

Niềm vui tuổi thơ của đứa trẻ sống ở nông thôn có lẽ chỉ đơn sơ, giản dị như vậy. Giữa cái nắng ong ong màu mật, dù có nắng cháy da, dù có vất vả thì vẫn cảm thấy vui sướng khi thi nhau nhặt được những bắp ngô mót còn nóng nguyên mùi tàn tro. Thời gian cứ thế trôi đi, nhưng những cảm giác đó trong tôi vẫn còn nguyên. Chiều nay, đứng trông ra cánh đồng thấy có đám trẻ con đang đùa vui, mót ngô, tôi bỗng xao xuyến nhớ lại kỉ niệm năm nào.

Văn Tiệp

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-uc-cay-ngo-dong-post434447.html