Ký ức bến phà Vàm Cống

Sau hơn 1 tháng kể từ ngày cầu Vàm Cống chính thức đưa vào sử dụng, kể từ 9 giờ ngày 30/6, bến phà Vàm Cống đã tạm ngưng hoạt động theo Quyết định số 1956 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Sứ mệnh lịch sử của bến phà đã khép lại nhưng đã để lại nhiều ký ức cho những ai đã từng vượt sông Hậu bằng những chuyến phà gần 100 năm tuổi.

Chuyến phà Việt Đan 2- chuyến phà cuối cùng sau gần 1 thế kỷ hoạt động đưa hành khách và hàng hóa qua sông tại Bến phà Vàm Cống. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Chuyến phà Việt Đan 2- chuyến phà cuối cùng sau gần 1 thế kỷ hoạt động đưa hành khách và hàng hóa qua sông tại Bến phà Vàm Cống. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Ngày 19/5/2019, đồng bằng sông Cửu Long háo hức đón chờ khoảnh khắc cầu Vàm Cống thông thương, kết nối đôi bờ sông Hậu. Cầu đã bắc nhưng phà vẫn đưa.

Người dân người qua lại 2 bờ An Giang – Đồng Tháp vẫn chấp nhận lụy phà, bởi vì đối với họ nó quá đỗi thân thuộc.

Là một hành khách trên những chuyến tàu cuối cùng vượt sông Hậu đi từ Đồng Tháp đến địa phận tỉnh An Giang, ông Lê Thành Đạo quê ở Long Xuyên, An Giang nói, qua lại thường xuyên nên những chuyến phà đã trở thành “người quen”.

Mặc dù chờ đợi, mất thời gian hơn di chuyển trên cầu, nhưng cảm giác lênh đênh trên sông giúp hành khách được nhìn trọn vẹn cầu Vàm Cống và còn được nghỉ tay sau thời gian lái xe mệt mỏi.

Bà Nguyễn Thị Thâm ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò tâm sự, sống gần khu vực phà hơn 50 năm, bến phà đã là một phần ký ức. Hằng ngày, chứng kiến những chuyến phà cần mẫn vượt sông thấy bình thường, nhưng từ hôm nay, không còn những chuyến phà qua sông bồng bềnh, không còn nghe tiếng còi phà vang vọng trong đêm với những âm thanh quen thuộc và những lúc kẹt xe chờ phà,... “Chắc là nhớ lắm!”. Vừa nói, bà Thâm vừa lấy điện thoại quay lại những chuyến phà cuối cùng như để hoài niệm một thời để nhớ.

Chịu trách nhiệm lái một trong hai chiếc phà tải trọng 200 tấn vượt sông Hậu nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) trong ngày cuối cùng bến phà hoạt động, ông Hứa Văn Tổng tâm sự: “Những chiếc phà quen thuộc đã là người bạn đồng hành của cuộc đời tôi gần 30 năm qua. Trong hành trình đưa khách sang sông, mặc dù mỗi người một việc nhưng trong suốt thời gian qua, tất cả anh em đều lấy sự an toàn của hành khách làm niềm vui của riêng mình".

Khi chưa có cầu Vàm Cống, mỗi ngày phà Vàm Cống vận chuyển hàng trăm ngàn lượt người và phương tiện. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Ông Tổng ngậm ngùi chia sẻ, trong giây phút lịch sử này, đối với ông cũng như tập thể cán bộ, nhân viên đều chất chứa bao cảm xúc buồn - vui lẫn lộn.

“Phà ngưng hoạt động, không còn lái phà trên sông nữa, tôi cảm thấy chạnh lòng, nhưng chúng tôi đều hiểu, đó là điều tất yếu khi bến phà đã hoàn tất sứ mệnh của mình. Cầu Vàm Cống sẽ thay phà thực hiện sứ mệnh mang đến cơ hội mới để khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vươn mình phát triển”.

8 giờ 45 phút, ngày 30/6/2019, bến phà Vàm Cống chính thức ngưng hoạt động. Không cảnh xe cộ xếp hàng dài chờ xuống phà, thay vào đó là khung cảnh bến phà 2 bờ vắng lặng như tờ. Những hàng quán vắng bóng khách qua lại.

Những hàng khách cuối lên phà Việt Dan 1 - trước khi Bến phà Vàm Cống tạm dừng hoạt động. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Chị Phan Thị Ngọc Thắm – Tiểu thương tại bến phà Vàm Cống vừa dọn dẹp lại hàng quán vừa tâm sự, chị đã buôn bán gần 20 năm, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào công việc này.

Bản thân chị cũng rất mừng vì cầu Vàm Cống đã hoàn thành xong. Nhưng buồn nhất là phà không còn chạy nữa, chị Thắm chưa thích ứng kịp vì chưa biết làm gì để mưu sinh.

Tập thể cán bộ, công nhân lao động Bến phà Vàm Cống chụp hình kỷ niệm trên chuyến phà cuối cùng trước khi Bến phà Vàm Cống tạm dừng hoạt động. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Cũng sinh sống bằng nghề mua bán hàng nước tại khu vực phà Vàm Cống, ông Nguyễn Văn Phú – ngụ huyện Lấp Vò, Đồng Tháp nói, từ những ngày trước, khung cảnh nơi đây đã bắt đầu đìu hiu từ tháng trước.

Bến phà vẫn đang hoạt động nhưng chỉ có 2 chiếc phà đưa, rước khách qua sông. Số lượng khách và xe cộ qua lại đã giảm đáng kể, nhưng dù sao vẫn thấy dáng người qua lại cũng bớt buồn.

Đúng 9 giờ, hàng rào chắn bảo vệ bến phà khép lại, dưới bến sông, chiếc phà sắt mang biển hiệu Việt – Đan 4 vừa rời bến Lấp Vò vừa rít một hồi còi dài. Mọi người ngừng tay để nhìn về phía hình ảnh chiếc phà cuối cùng vượt sông như một lời chia tay sau một thế kỷ.

Chúng tôi định hỏi thêm về cảm xúc người dân trong giây phút “khai tử” bến phà, nhưng chỉ nhận lại tiếng thở dài từ ông Phú và lẳng lặng dùng xích khóa lại tủ hàng hóa đã được sắp xếp ngay ngắn.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV cho biết thêm, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân qua lại bằng phà ở hai bờ An Giang – Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị được chuyển cơ sở vật chất Bến phà Vàm Cống cho tỉnh An Giang khai thác.

Hiện tại, Cục quản lý Đường bộ IV đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang và Công ty TNHH MTV Phà An Giang để có phương án cụ thể.

Đồng thời, tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân ở hai bờ An Giang và Đồng Tháp, để có đề xuất phương án cụ thể với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải về quy mô duy trì của Bến phà Vàm Cống khi chuyển giao về cho tỉnh An Giang khai thác./.

Công Mạo – Chương Đài (TTXVN)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ky-uc-ben-pha-vam-cong/126795.html