Ký ức 20 năm 'đại hồng thủy 1999', kỳ 2: Phút 'giáp lá cà' sinh tử trong trận chiến với lũ dữ

Trong tình cảnh khắp nơi đều bị bao vây bởi nước lũ, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận, người dân trong vùng lũ hầu như phải tự xoay sở, tìm cách cứu lấy nhau. Giây phút 'giáp lá cà' trong trận chiến với lũ lịch sử 1999 là hồi ức không thể quên đối với nhiều người.

Ôm con trốn lũ

Chúng tôi gặp cụ bà Lê Thị Hòe (84 tuổi) trong ngôi nhà nhỏ của mình nằm tại thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngôi nhà hiện là một minh chứng rõ ràng về sự ác liệt của trận lũ lịch sử năm 1999 với những vệt nước loang lổ còn in dấu trên tường.

Nhà cụ Hòe nằm gần với con sông Bồ, tuy không cao nhưng không dễ gì bị ngập mỗi khi đến mùa mưa lũ. Ở khu vực này, thời điểm lũ to nhất, nước cũng chỉ mấp mé ở ngoài sân.

Cụ Lê Thị Hòe chỉ những vết loang lổ trên tường do lũ lịch sử 1999 để lại. Ảnh: Lê Chung

Cụ Lê Thị Hòe chỉ những vết loang lổ trên tường do lũ lịch sử 1999 để lại. Ảnh: Lê Chung

Cụ Hòe nhớ lại, thời điểm ấy con gái cụ, bà Phạm Thị Hòa (sinh năm 1970) vừa về nhà ngoại sinh con được 3 ngày. Sau này, đứa bé được gia đình đặt tên Nguyễn Thị Bích Thủy, "Thủy" là để ghi nhớ về cơn "đại hồng thủy" này.

Chiều 2/11/1999, vùng quê Quảng Phú mưa nhẹ, nước lũ bắt đầu lên. Nghĩ nước chỉ lên một lúc rồi lại xuống như mọi năm nên cả làng cũng như gia đình cụ Hòe không mảy may đề phòng. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Càng về xế chiều nước bất ngờ lên dữ dội, mọi nhà cuống cuồng tìm cách chống lũ.

Theo cụ Hòe, khi đó con gái cụ vừa sinh xong còn rất yếu, trong nhà ngoài đứa trẻ sơ sinh còn có thêm đứa cháu ngoại mới 4 tuổi. Trong tình cảnh nước đã vây tứ bề, không thể chạy đi đâu, cụ Hòe cùng chồng vội kê hai chiếc giường lên cao rồi đưa cả nhà lên trú. "Lúc đó tài sản chẳng kịp cứu thứ gì, tui chỉ kịp vớ lấy nồi cơm vừa nấu và ít sắn khô" cụ Hòe nhớ lại.

Sau lũ lịch sử 1999, nhiều gia đình bên sông Bồ trang bị thêm thuyền, đò để trong nhà để dùng khi có thiên tai. Ảnh: Lê Chung

Đến đêm 2/11, nước vẫn tiếp tục dâng. Hai chiếc giường chồng làm một không còn là phương án hữu hiệu làm chỗ trú cho gia đình khi lũ đã ngập lên đến cổ. Lúc này, chiếc tủ bếp cũ kỹ được hai vợ chồng cụ Hòe tận dụng kê lên gác bếp để làm nơi trú ẩn mới. 5 con người có già có trẻ ngồi co ro trong lũ. Ai cũng sợ, nhưng không dám nói ra.

Kể đến đây, cụ Hòe run run giọng: "Sống ở đây bao nhiêu năm, lần đầu tiên trong đời tui thấy lũ to như rứa. Đêm đó, hai vợ chồng tui tính nếu lũ lên tiếp chỉ còn cách đục mái nhà để ra ngoài kêu cứu. May sao, đến gần khuya thì lũ xuống.

Sáng hôm sau, mấy nhà trong xóm ngồi gọi vọng ra xung quanh, người có ghe thì chèo sang hỏi thăm nhau xem ai còn, ai mất. Cả xóm không có ai mệnh hệ gì, nhưng tài sản thì tả tơi theo dòng nước lũ. Mất mát nhiều, vậy mà ai cũng mừng vì còn sống".

Tạm thoát khỏi "đại nạn", nhưng theo cụ Hòe, những ngày sau đó cuộc sống khó khăn vô cùng. Nước lũ rút chậm, lương thực trôi hết nên mọi người phải đùm bọc lấy nhau. Không có nước sạch, cả làng phải dùng tạm nước lũ. Trong cơn đói, nhà có sắn cho sắn, nhà có chuối cho chuối, san sẻ từng miếng ăn để cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn.

Cuộc "thoát thân" ngoạn mục của 57 học sinh

Cũng vào năm đó, câu chuyện "thoát thân" ngoạn mục trong lũ dữ của hơn 57 thầy trò trường THCS Hương Thọ đến nay nhiều người vẫn còn nhắc lại. Sáng 2/11, ông Nguyễn Văn Mễ - Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế nhận được cuộc điện thoại báo tin, thầy trò tại trường THCS Hương Thọ bị nước lũ cô lập, lũ ngày càng dâng cao, tình hình hết sức nguy cấp.

Nhận thông tin, một chiếc ca nô của công an đã được lệnh lập tức xé dòng nước lũ để kiểm tra, ứng cứu. Thế nhưng nước chảy xiết, chiếc ca nô chỉ đi được một đoạn rồi đành quay về. Nhiệm vụ tiếp cận với hàng chục học sinh mắc kẹt trong lũ thất bại. Tất cả chỉ còn biết cầu mong cho thầy trò có thể tìm cách xoay sở, vượt qua được hoạn nạn.

Không chỉ có trường THCS Hương Thọ, nhiều khu vực ở Huế cũng bị chia cắt, cô lập trong trận lũ lịch sử 1999.

Trước đó, chiều 1/11, nước dâng cao đột ngột khiến trường THCS Hương Thọ dù nằm trên khu đất cao, cách khá xa bờ sông Hương nhưng vẫn bị lũ bao vây, cô lập. Nhà xa, đường về lại bị chia cắt, 57 học sinh đành phải ở lại trường. Một số thầy cô cũng quyết định ở lại để đảm bảo an toàn cho các em.

Hôm sau, trời vẫn mưa như trút, nước sông Hương không có dấu hiệu xuống mà ngày càng lên nhanh. Lũ dâng ngập cả lớp học thường ngày. Thầy và trò đã cùng nhau kê bàn học thành dãy cao như một chiếc bè lớn để tránh lũ.

Đến gần 10 giờ sáng, nước lũ ngập lút cả dãy bàn cao nhất. Không còn cách nào khác, mọi người quyết định phá mái nhà leo ra bên ngoài. Tuy nhiên, dưới lớp ngói là những thanh gỗ chắc cứng, để phá được khó khăn vô cùng. Sau nhiều lần liều mình ngụp lặn tìm cây rựa chìm sâu trong nước lũ để làm dụng cụ phá mái, thầy trò cũng thoát ra được.

Từ trên mái nhà của trường, thầy trò lại tiếp tục kêu cứu đến khản cả giọng vì nước lũ lại sắp đuổi kịp đến chân. May thay, đúng vào lúc này người dân trong vùng đi qua phát hiện đã lập tức ứng cứu. Năm đó, Võ Đại Đại (học sinh lớp 7, cùng trường) là một trong những người đã trực tiếp chèo thuyền, đưa hơn 57 thầy trò trường THCS Hương Thọ thoát khỏi lũ dữ.

Võ Đại Đại kể lại giây phút cùng mọi người chèo thuyền đưa thầy trò trường THCS Hương Thọ chạy lũ. Ảnh: Lê Chung

Đại kể lại, hôm đó vì mưa lớn, không đi học nên anh chèo thuyền đi neo lại lồng cá cho gia đình. Thời điểm anh cùng mọi người phát hiện, ứng cứu thầy và các bạn thì nước lũ đã lên quá cao. Vội giục mọi người lên thuyền rồi đẩy mái chèo vượt lũ, Đại chở từng tốp đưa đến quả đồi cách trường chừng 500m. Cùng giúp sức với anh hôm đó còn có những người thân trong gia đình.

Cứu người xong, về được đến nhà, Đại cũng mệt lả đi vì lạnh và kiệt sức. Anh kể: "Mấy ngày sau khi lũ rút, trở lại trường nghe mọi người kể thì tôi mới biết là thầy và các bạn còn phải chạy bộ thêm một lần nữa, đến một quả đồi cao hơn mới thoát được cơn lũ. Đêm đó, mấy chục con người nương tựa vào nhau trong cảnh đói, rét và sợ hãi để đợi trời sáng. May sao sau đó không có ai bị gì".

Sau trận lũ, Võ Đại Đại đã được tuyên dương vì hành động dũng cảm cứu người. Đến nay, những học sinh may mắn thoát chết trong cơn "đại hồng thủy" năm đó vẫn không quên những chuyến đò tình nghĩa của Đại và người thân trong mưa lũ.

Nhưng, không phải ai cũng được may mắn như 57 thầy trò trường THCS Hương Thọ. 20 năm về trước, ở vùng Thuận An (Thừa Thiên Huế) có một ngôi làng bị lũ cuốn trôi ra biển, dường như xóa sổ. Trong làng khi đó có một gia đình mất đến 12 người thân thương, ruột thịt. Nhắc lại sự việc này, những người sống sót đến nay còn cảm thấy rùng mình.

Kỳ tới: Đêm kinh hoàng nơi cửa biển Hòa Duân

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ky-uc-20-nam-dai-hong-thuy-1999-ky-2-phut-giap-la-ca-sinh-tu-trong-tran-chien-voi-lu-du-20191116164200973.htm