Kỳ tích Hòn Đá Bạc

Theo chân đoàn công tác Công an TP Đà Nẵng, chúng tôi đến Khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc thuộc xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời (Cà Mau) vào một ngày cuối tháng 11-2017. Ấn tượng đầu tiên về mảnh đất này là những cánh rừng đước ngút ngàn tầm mắt chen chân dưới kênh, rạch chằng chịt. Hòn Đá Bạc là một cụm 3 đảo nhỏ nằm liền nhau, nhô cao khoảng 50m so với mặt nước biển, tổng diện tích khoảng 6,5ha. Trên đảo cây cối mọc um tùm, xung quanh là hàng ngàn tảng đá hoa cương đủ kích cỡ nằm chồng lên nhau với nhiều hình thù kỳ lạ. Nơi đây, ngoài Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lăng Ông Nam Hải, năm 2010 Bộ Công an và chính quyền Cà Mau còn xây dựng Tượng đài và Nhà trưng bày chiến thắng Kế hoạch Phản gián CM12.

Một góc Khu di tích Hòn Đá Bạc.

Đặt chân vào Nhà trưng bày chiến thắng, chúng tôi như được sống lại những ngày tháng hào hùng của lực lượng CAND khi phải đấu trí, đấu lực với các thế lực thù địch để bảo vệ trọn vẹn thành quả cách mạng. Qua những hiện vật, tư liệu quý trưng bày và thuyết minh sôi nổi của Thượng úy Lý Phương Lan, cán bộ CA tỉnh Cà Mau, chúng tôi phần nào hiểu được Kế hoạch phản gián CM12, một trong những kỳ tích của lực lượng CAND chống lại tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Theo tài liệu, Túy và Hạnh thuộc thành phần phản quốc, sống lưu vong ở Pháp. Sau ngày đất nước thống nhất, với bản chất chống phá cách mạng, cả hai móc nối với các tổ chức phản động và cơ sở được cài cắm theo “Kế hoạch hậu chiến” nhằm thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Vào tháng 2-1976, tại một khách sạn ở Pháp, Hạnh cùng Túy tuyên bố thành lập cái gọi là tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Với chiêu bài lôi kéo, dụ dỗ những người Việt Nam vượt biên sống trong các trại tị nạn, chúng tổ chức huấn luyện tại các mật cứ và đưa về nước để hoạt động phá hoại. Từ năm 1976 đến 1981, tổ chức này đã huấn luyện thành công 14 khóa với hàng trăm tên gián điệp biệt kích. Ngày 6-1-1918, toán biệt kích đầu tiên được Túy – Hạnh cho xuất kích xâm nhập về Việt Nam bằng đường bộ thông qua biên giới 2 tỉnh Tà Keo (Campuchia) và An Giang (Việt Nam). Ngay từ bước chân đầu tiên về nước, toán xâm nhập đã vấp phải sự đề phòng, cảnh giác của quần chúng nhân dân cũng như lực lượng an ninh Việt Nam. Thông tin này được báo cáo ngay về Bộ Nội vụ và Bộ Chính trị chỉ đạo phải triển khai ngay kế hoạch nhằm ngăn chặn, bóc gỡ, làm thất bại mọi âm mưu của những kẻ phản động, không để phương hại đến an ninh quốc gia.

Ngày 12-5-1981, tại TPHCM, Kế hoạch Phản gián CM12 được triển khai, do đích thân đồng chí Phạm Hùng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm tổng chỉ huy. Các cây đại thụ trong lực lượng CAND lúc bấy giờ như: Cao Đăng Chiếm, Bùi Thiện Ngộ, Nguyễn Phước Tân, Lê Tiền… thường xuyên bám sát kế hoạch và có những chỉ đạo kịp thời. Kế hoạch CM12 vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó có sử dụng cả lực lượng, phương tiện của địch để đánh địch. Ngoài ra, chúng ta còn cài cắm người khá sâu vào tổ chức của địch để chủ động nắm bắt toàn bộ tình hình. Nổi bật nhất trong số này là Đại úy Trần Phương Thế, tên thường gọi Tám Thậm, lúc bấy giờ là Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị CA tỉnh Minh Hải (cũ) được chọn vào vai NKA1 để thâm nhập sâu vào tổ chức này. Với bản lĩnh gan dạ, mưu trí và khả năng ứng biến linh hoạt, trong mắt của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, Tám Thậm là “tên phản động” thứ thiệt, tay chân hết sức tin cậy trong nội địa. Từ đó, cả hai dồn tất cả vũ khí, phương tiện và cả lực lượng huấn luyện đưa về Việt Nam để thực hiện ảo vọng của mình.

Khách tham quan Nhà trưng bày Kế hoạch phản gián CM12.

Theo thống kê, từ năm 1981 đến 1984, địch xâm nhập 18 chuyến bằng tàu biển vào H.Trần Văn Thời. Mỗi chuyến chúng đều mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp biệt kích và đều thực hiện đúng ý đồ, đúng địa điểm do ta chuẩn bị trước. Trong đó, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước và được đích thân Trần Phương Thế đưa đi kiểm tra “kho tàng”, “mật cứ”, gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước. Sau khi “câu nhử” hầu hết số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đưa về nước, Ban chỉ đạo Kế hoạch CM12 quyết định tổ chức trận đánh cuối cùng vào đêm 9-9-1984, tại Hòn Đá Bạc. Lần này, đích thân Mai Văn Hạnh cùng 5 tên gián điệp biệt kích chuyên chở 10 tấn vũ khí trên 2 tàu cá từ nước ngoài về điểm tập kết tại Hòn Đá Bạc. Tại đây, chúng nhanh chóng bị bắt giữ cùng với toàn bộ phương tiện phạm tội.

Kế hoạch Phản gián CM12 gây được tiếng vang không chỉ trong nước mà với bạn bè quốc tế. Kết quả, lực lượng An ninh Việt Nam đã phá tan âm mưu và ảo vọng của tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”, đón bắt 18 chuyến thâm nhập của 189 tên gián điệp biệt kích, thu giữ 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả tương đương 300 triệu đồng và nhiều phương tiện khác. Ngoài ra, thông qua Kế hoạch CM12, lực lượng CAND còn thực hiện thêm 10 chuyên án nhỏ lẻ khác, bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp trong nội địa. Với kỳ tích này, đơn vị an ninh K4/2 Bộ nội vụ cùng 3 cá nhân Trần Phương Thế, Nguyễn Phước Tân và Phan Thành Lập được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

NGUYÊN THẢO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_177716_ky-ti-ch-ho-n-da-ba-c.aspx