'Kỳ tích' hiến tạng ở Bệnh viện Việt Đức

'Trước đây, mỗi năm chỉ có từ 1 đến 2 trường hợp người chết não hiến tạng. Tuy nhiên, chỉ trong 1 tháng vừa qua đã có tới 4 người chết não hiến tạng. Đây là một kỳ tích', GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết.

Ngày 20/6, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, cho biết, chỉ trong 1 tháng vừa qua, tại BV đã có 4 ca chết não hiến tạng. Nhờ đó, đã có 16 người được cứu sống với 8 ca ghép thận, 4 ca ghép gan và 4 ca ghép tim.

Tại phòng bệnh, bệnh nhân Đ.H.T (65 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) là người nhận gan cho biết bị viêm gan B từ năm 2005. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được xác định bị suy gan, nguy cơ tử vong có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bệnh nhân chỉ có thể sống tiếp nếu có gan ghép. Do đó, bệnh nhân T. đã đăng ký tham gia danh sách “chờ” ghép gan.

Cách đây gần 1 tháng, bệnh nhân được chọn để ghép gan do có người chết não hiến tặng. Ngày 1/6, bệnh nhân T. được BV tiến hành ca ghép gan. Sau 5 tiếng thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Sau 1 tuần, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Hiện tại, bệnh nhân T. vẫn tiếp tục được chăm sóc tại BV.

Các bác sĩ thực hiện 1 ca ghép tạng

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng (BV Việt Đức), trong 8 năm qua, chỉ có 40 người chết não hiến tạng, trung bình khoảng 4-5 trường hợp mỗi năm.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay đã có 5 trường hợp chết não hiến tạng. Đặc biệt, chỉ trong 1 tháng qua có tới 4 bệnh nhân hiến tạng cứu sống được 16 người.

Theo thống kê của BV Việt Đức, đến nay BV đã tiến hành 590 ca ghép thận, 53 ca ghép gan và 19 trường hợp ghép tim. Các chuyên gia, bác sĩ của BV hiện đã làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật ghép tạng với trình độ chuyên môn cao. Ví như mỗi ca ghép thận chỉ còn khoảng 2-3 tiếng; ghép gan từ 4-5 tiếng,… ngoài ra, các điều kiện truyền máu hoặc hồi sức giống với một ca mổ thông thường. So với thế giới, tỷ lệ sống sau ghép tạng của Việt Nam tương đương, thậm chí cao hơn. Đơn cử, ghép gan tỉ lệ sống sau 5 năm là 78% và sau 10 năm là 68%.

GS.TS Trần Bình Giang cho rằng, trước nay các cơ quan y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông về hiến tạng sau khi chết não nên nhận thức của người dân về vấn đề này đã tăng lên. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong vấn đề ghép tạng vẫn là nhận thức của người dân về việc hiến tạng. Tại BV Việt Đức, mỗi ngày có 4-6 bệnh nhân chết não do tai nạn giao thông nhưng gần chục năm qua, chỉ có 40 người chết não hiến tạng. Trong khi đó, 1 người chết não nếu tình nguyện hiến tạng trước đó sẽ có thể cứu giúp được rất nhiều người khi họ có thể cho đi 2 quả thận, 2 lá gan, 2 lá phổi, 1 quả tim, 2 giác mạc, gân, cơ và van tim.

Trả lời câu hỏi của PV về việc có thông tin bắt cóc trẻ em ra nhà trống, bãi đất hoang để lấy nội tạng, GS Trần Bình Giang cho rằng đây là thông tin bịa đặt. "Thực tế việc lấy tạng đòi hỏi quy trình rất khoa học với yêu cầu vô trùng tuyệt đối và có những phẫu thuật viên phải có tay nghề cao mới có thể lấy tạng được và bảo quản tạng đúng cách", GS. Giang khẳng định.

Như Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ky-tich-hien-tang-o-benh-vien-viet-duc-post44253.html