Kỳ tích của 'đội quân phó cối' giữa lòng chảo Mường Thanh khốc liệt

Để biến số thóc huy động được thành gạo, 'đội quân phó cối' ra đời. Họ là thanh niên trai tráng được chọn từ các đơn vị, dân công, từ hậu phương lên chủ yếu là làm cối và giã gạo nuôi quân ngay tại lòng chảo Mường Thanh khốc liệt.

Dòng chảy thời gian có thể cuốn theo dấu vết chiến tranh, nhưng không thể xóa mờ niềm tự hào của dân tộc Việt Nam về những chiến công hiển hách trong cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc.

Trong những chiến thắng vang dội đó có công đóng góp rất lớn của lực lượng thanh niên xung phong - một trong những nhân tố góp phần làm nên “trang sử vàng” trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua 56 ngày đêm gian khổ, lực lượng thanh niên xung phong - một đội quân đặc biệt, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong khí thế sôi sục và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “tất cả cho tiền tuyến,” “tất cả cho Điện Biên Phủ, tất cả để chiến thắng”, hàng vạn người dân đã hăng hái làm đơn tình nguyện xung phong tham gia lực lượng xung kích phục vụ chiến dịch, trở thành lực lượng thanh niên xung phong.

Thanh niên xung phong phá đá, mở rộng đường qua núi. Ảnh: Tư liệu

Thanh niên xung phong phá đá, mở rộng đường qua núi. Ảnh: Tư liệu

Họ là những thanh niên còn rất trẻ, là những cô gái ở độ tuổi trăng tròn, rất hồn nhiên, trong sáng và yêu đời. Họ hoặc đang ngồi trên ghế nhà trường (phổ thông, trung học, đại học), hoặc đang làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp...

Và với gần 20.000 thanh niên xung phong tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ, họ đã trở thành lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, tham gia trực tiếp các nhiệm vụ quan trọng như: Mở đường, chỉ dẫn đường cho bộ đội hành quân chiến đấu; rà phá bom các loại, san lấp hố bom với hàng chục nghìn m3 đất, đá... ngày đêm đảm bảo cho giao thông thông suốt; vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí...

Trong mưa bom, bão đạn, cùng khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên miền Tây Bắc, lực lượng thanh niên xung phong đã sáng tạo ra biết bao phương thức độc đáo để “xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, san lấp hố bom, làm đường cho xe qua, rà phá bom mìn và các vật cản đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, chất nổ và vận tải cứu thương”.

Quân ta kéo pháo vào trận địa. Ảnh: Tư liệu

Đại tá Trần Thịnh Tần (88 tuổi), Cục trưởng Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), kể lại: "Ngày ấy, đội quân xe đạp thồ đông hơn cả quân chủ lực, đây là chuyện chưa từng có trong chiến tranh thế giới. Những “chị gánh anh thồ” người sau bám gót người trước một cách mải miết. Một xe hỏng cả đoàn phải chờ, chậm một phút là một phút ảnh hưởng tới chiến dịch. Xe sửa xong là phải đi ngay để tránh bị địch phát hiện. Càng gần tới Điện Biên bom đạn càng ác liệt, ngày nào cũng có người bị thương, hy sinh”.

Cũng theo ông Tần, từ ước tính cần 10 ngàn tấn gạo nuôi quân cho chiến dịch Điện Biên “đánh nhanh thắng nhanh”, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển chiến thuật sang “đánh chắc thắng chắc”, thời gian chiến tranh kéo dài hơn, lượng lương thực cũng tăng lên thành 27 ngàn tấn gạo.

“Huy động nguồn lương thực đã khó, vận chuyển càng khó hơn. Dân công đi liên tục, chuyển được một cân gạo đến mặt trận thì ăn hết 7 lạng. Để khắc phục những khó khăn trong công tác hậu cần, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương huy động nguồn lương thực tại chỗ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, kết hợp với chiến lợi phẩm thu được của địch”, ông nhớ lại.

Xe đạp thồ - “Vũ khí đặc biệt” góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Để biến số thóc huy động được thành gạo, “đội quân phó cối” ra đời. Họ là thanh niên trai tráng được chọn từ các đơn vị, dân công, từ hậu phương lên chủ yếu là làm cối và giã gạo nuôi quân ngay tại lòng chảo Mường Thanh khốc liệt. Những chiếc cối được làm bằng tre quay ầm ầm suốt ngày đêm, xay ra hàng ngàn tấn gạo chi viện cho tiền tuyến.

Những người như ông Tần còn nhớ rất rõ đèo Pha Đin và Ngã ba Cò Nòi là hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống. Dưới làn mưa bom, bão đạn, bằng ý chí quyết tâm, mồ hôi, xương máu của hơn 8.000 TNXP đã bạt núi, xuyên rừng mở đường cho từng đoàn quân, từng đoàn xe thồ băng lên đưa hàng ra tiền tuyến:

“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát

Dù bom đạn xương tan thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ky-tich-cua-doi-quan-pho-coi-giua-long-chao-muong-thanh-khoc-liet-20190504160209047.htm