Kỹ thuật mới trong điều trị bướu cổ

Bệnh viện đại học y dược Shing Mark vừa ứng dụng sóng cao tần (RFA) để điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân bị bướu giáp nhân (bướu cổ).

Các bác sĩ Bệnh viện đại học y dược Shing Mark đang sử dụng sóng cao tần để điều trị bướu cổ cho bệnh nhân H.

Đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được triển khai tại Đồng Nai mang lại hiệu quả và tính thẩm mỹ cao.

* Dấu hiệu của bướu cổ

Bác sĩ Quản Minh Trị, Khoa Ngoại Bệnh viện đại học y dược Shing Mark cho biết, bướu cổ là trường hợp tuyến giáp có một khối u, thường nằm một bên cổ. Nhân giáp có thể là đơn nhân hoặc đa nhân, lành tính hoặc ác tính. Phần lớn bướu cổ được phát hiện tình cờ qua siêu âm cổ.

Trên thế giới, tỷ lệ người có nhân giáp từ 4-7%, tỷ lệ này có thể tăng lên gấp 10 lần nếu khảo sát bằng siêu âm. Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 115 ngàn người được khám và chữa bệnh bướu cổ. Bướu cổ có thể gặp khi mới sinh hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt cuộc đời, lứa tuổi thường gặp nhất từ 30-55 tuổi. Bộ Y tế xếp bệnh bướu cổ là một trong 8 bệnh xã hội và có chương trình phòng, chống cấp quốc gia.

Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh bướu cổ là cổ sưng to bất thường, cổ họng có cảm giác vướng víu, khó thở, khó nuốt, gây ho, khàn tiếng. Bệnh còn có thể gây sút cân bất thường, mệt mỏi, căng thẳng, nóng nảy, mất ngủ, tim đập nhanh, đi ngoài lỏng kéo dài... Đa số bướu cổ lành tính, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ dẫn đến ung thư giáp, thường gặp ở độ tuổi trẻ hơn 20 hoặc lớn hơn 45 tuổi.

* Những yếu tố nguy cơ của bệnh

Nguy cơ phổ biến thường gặp nhất của bệnh này là do chế độ ăn uống thiếu i-ốt. Ngoài ra còn có yếu tố giới tính. Phụ nữ dễ bị rối loạn tuyến giáp hơn so với nam giới, do đó khả năng phát triển bướu cổ cao gấp 5 lần nam giới.

Bên cạnh đó là các yếu tố gia đình, lịch sử cá nhân như: mang thai, thời kỳ mãn kinh; một số phương pháp điều trị y tế bao gồm ức chế miễn dịch, thuốc kháng virus, thuốc tim amiodarone và thuốc lithium tâm thần; phơi nhiễm bức xạ do điều trị phóng xạ cổ hoặc vùng ngực hoặc đã tiếp xúc với bức xạ trong thử nghiệm hạt nhân hay tai nạn…

* Phương pháp điều trị bướu cổ

Để phát hiện bướu cổ, bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước và loại nhân giáp. Để biết nhân giáp là lành tính hay ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, siêu âm Doppler cổ, sinh thiết nhân giáp và xét nghiệm máu.

Tùy thuộc vào loại nhân giáp mà bệnh có thể điều trị nội khoa bằng thuốc, điều trị bằng i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật. Nếu là ung thư tuyến giáp, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân thường phải điều trị bằng i-ốt phóng xạ và uống hormone giáp thay thế.

Điều trị nội khoa bằng thuốc và phẫu thuật là các phương pháp điều trị bướu cổ lành tính thường xuyên được sử dụng, tuy nhiên cả hai phương pháp này đều tồn tại những hạn chế nhất định như: bướu có thể tiếp tục tiến triển, gây chèn ép, mất thẩm mỹ, cường giáp; có thể gây biến chứng, gây suy giáp, hình thành sẹo trước cổ.

* Điều trị bướu cổ bằng sóng cao tần

Điều trị bướu cổ bằng sóng cao tần là phương pháp sử dụng dòng điện tần số cao để giảm kích thước các khối u tuyến giáp (nhân giáp) lành tính mà không cần phẫu thuật.

Các điện cực sóng cao tần chiếu trực tiếp vào khối u để đốt từng điểm nhỏ của bướu và di chuyển cho đến khi đốt hết khối u. Trên thế giới đã ứng dụng kỹ thuật này từ năm 2002, đến nay phương pháp này đã thay thế hơn 50% các trường hợp điều trị bằng phẫu thuật kinh điển (phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi).

Điều trị bướu cổ bằng sóng cao tần mang lại hiệu quả điều trị cao. Cụ thể, sau 1 tháng, thể tích bướu cổ sẽ giảm đi gần một nửa thể tích ban đầu. Sau 1 năm, nhân giáp có thể biến mất hoàn toàn, kích thước khối bướu vùng cổ nhỏ dần, cảm giác khó nuốt, khó thở... cũng không còn.

Ứng dụng sóng cao tần được coi là một bước tiến mới trong điều trị bướu cổ, bởi lẽ phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp mổ thông thường: không cần gây mê, độ an toàn cao, hầu như không gây biến chứng (như: nhiễm trùng, chảy máu vết thương, mất giọng nói...), thời gian điều trị và hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân có thể trở về ngay sau khi điều trị, nguy cơ tái phát rất thấp.

Ngoài ra, điều trị bướu cổ bằng sóng cao tần còn giải quyết nỗi lo về thẩm mỹ cho bệnh nhân. Với việc thực hiện qua một kim truyền rất nhỏ, phương pháp này không để lại sẹo.

Điều trị bướu cổ bằng sóng cao tần được ứng dụng trong các trường hợp bướu giáp nhân lành tính có triệu chứng (có đau vùng cổ, cảm giác khó chịu, khó nói, ho, ảnh hưởng thẩm mỹ hoặc nhân độc tuyến giáp), ung thư tuyến giáp tái phát, ung thư tuyến giáp không mổ được. Để có thể thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu và bệnh viện phải có thiết bị y khoa hiện đại.

Hạnh Dung (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201810/ky-thuat-moi-trong-dieu-tri-buou-co-2915536/