Kỹ thuật mới chuyên ngành ngoại khoa và phẫu thuật nội soi của Việt Nam ngày càng phát triển

Những kỹ thuật mới của chuyên ngành ngoại khoa và phẫu thuật nội soi của Việt Nam không chỉ góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng một nền y học tiến bộ, mà còn minh chứng với thế giới về trình độ của các phẫu thuật viên Việt Nam sánh ngang với các quốc gia khác...

Thông tin trên được GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam nhấn mạnh tại lễ khai mạc Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc 2020 diễn ra từ ngày 13/11 tại tỉnh Ninh Bình.

Hội nghị bắt đầu từ ngày 12/11 và kéo dài đến ngày 14/11. Hội nghị là diễn đàn khoa học uy tín được tổ chức thường niên nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm của gần 1.000 giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, điều dưỡng và các cơ sở y tế quân dân trong nước. Tại hội nghị có 320 bài báo cáo tiêu biểu được lựa chọn trong lĩnh vực ngoại khoa và phẫu thuật nội soi với sự tham gia của gần 300 báo cáo viên trong và ngoài nước.

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam

Hội nghị được tổ chức với nhiều chuyên ngành như tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh-sọ não, chấn thương-cột sống, tim mạch-lồng ngực, tạo hình-thẩm mỹ, ghép tạng, nhi, điện quang can thiệp, nội soi và nội soi can thiệp, điều dưỡng.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong 3 bài báo cáo tổng quan của hội nghị năm nay sẽ có 1 bài báo cáo tổng quan được truyền hình trực tuyến với chuyên gia Singapore: Giáo sư Davide Lomanto - Đại học Quốc gia Singapore; Giám đốc Trung tâm phẫu thuật xâm lấn tối thiểu MISC và Trung tâm Đào tạo Phẫu thuật Nâng cao KTP – Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore.

Bên cạnh các phiên báo cáo khoa học, một trong các hoạt động chính của Hội nghị năm nay là tập huấn tiền Hội nghị bao gồm các chuyên khoa: Tiêu hóa, Tiết niệu, Chấn thương chỉnh hình với các chủ đề: Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn-thành bụng; Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối; Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm. Học viên sẽ được cấp Giấy chứng nhận đào tạo liên tục (CME) sau khi hoàn thành khóa tập huấn.

Thông tin với báo chí, GS.TS Trần Bình Giang cho biết, Hội Ngoại khoa Việt Nam thành lập năm 1962, Chủ tịch sáng lập là Giáo sư, Viện sỹ Tôn Thất Tùng. Trải qua gần 60 năm hình thành, Hội đã phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ nhiều kỹ thuật cao…, không chỉ góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng một nền y học tiến bộ, mà còn minh chứng với thế giới về trình độ của các phẫu thuật viên Việt Nam sánh ngang với các quốc gia khác.

Cùng với sự lớn mạnh của Ngoại khoa Việt Nam hiện nay, các chuyên ngành sâu của Hội Ngoại khoa đã được thành lập. Đến nay đã có nhiều Hội chuyên ngành được hình thành, phát triển và trở thành những Hội lớn mạnh.

GS.TS Trần Bình Giang cùng các đồng nghiệp thực hiện một ca phẫu thuật

Trong nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), Hội đã phối hợp với các Hội chuyên khoa sâu như Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam, Hội Phẫu thuật thần kinh, Hội Phẫu thuật nhi, Hội Phẫu thuật tiết niệu… tổ chức đào tạo liên tục theo chuyên ngành cho các phẫu thuật viên trong nước, chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, mở rộng chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các nước bạn, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương: Lào, Philippines, Indonesia. Malaysia, Ấn Độ…

"Ở nước ta, đến nay, toàn bộ các bệnh viện tuyến tỉnh đã chia khoa Ngoại thành các khoa chuyên ngành để phát triển có chiều sâu và bước đầu ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, đáp ứng nhu cầu của người bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã làm chủ được các kỹ thuật phức tạp thuộc chuyên ngành ngoại sâu như cắt khối tá tụy, cắt thực quản, cắt thận nội soi, tán sỏi kỹ thuật cao, mổ tim phổi máy, mổ u não, thậm chí cả bệnh viện tuyến huyện của miền núi như Đồng Văn- Hà Giang cũng đã thực hiện được nhiều ca mổ khó của chuyên ngành ngoại khoa"- GS.TS Trần Bình Giang nhấn mạnh…

Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam được thành lập năm 2005. Nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), ba trung tâm phẫu thuật nội soi lớn nhất cả nước (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) đã tổ chức thành công 237 khóa đào tạo phẫu thuật nội soi cơ bản và nâng cao với tổng số lượt học viên được đào tạo gần 3500 người.

Cũng như Hội Ngoại khoa Việt Nam, Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam có tôn chỉ, mục đích và chức năng hoạt động tương đương, là chuyên khoa sâu của Ngoại khoa.

Bên cạnh đó, trong những năm qua hoạt động Hội Ngoại khoa Việt Nam và Hội Phẫu thuật nội soi & Nội soi Việt Nam là một khối thống nhất, mọi hoạt động của hai Hội luôn đồng hành trong cùng một thời điểm, được các đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Ban Chấp hành Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực phát triển, thống nhất trong công tác tham mưu, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội và các văn bản liên quan, chiều ngày 13/11, đại điện Bộ Nội Vụ đã công bố Quyết định số 948/QĐ-BNV của Bộ Trưởng Bộ Nội vụ, ngày 09/11/2020 về việc cho phép hợp nhất Hội Ngoại khoa Việt Nam, Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam thành Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam.

Tại Đại hội Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam lần thứ nhất, Ban Chấp hành Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ra mắt và họp phiên đầu tiên: Bầu Ban Thường vụ, Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các chức danh trong Ban Kiểm tra. GS.TS Trần Bình Giang được bầu là Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-thuat-moi-chuyen-nganh-ngoai-khoa-va-phau-thuat-noi-soi-cua-viet-nam-ngay-cang-phat-trien-n182853.html