Kỹ thuật bón phân Lâm Thao giúp cà chua lớn nhanh như... thổi

Trong suốt thời kỳ phát triển lá cho đến khi ra quả của cây cà chua, nhu cầu về N là trung bình. P rất quan trọng cho cây lớn và sinh quả. Dung dịch đất có nồng độ khoảng 0,2mg P/lít thì cà chua cho năng suất gần tối đa. Để trồng cà chua đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, bà con cần nắm chắc một số kỹ thuật chăm sóc cơ bản sau đây.

1. Đặc điểm sinh trưởng

Cây cà chua có tên khoa học là Lycopersicum esculentum Mill, thuộc họ Cà: Solanaceae. Tên tiếng Anh là Tomato.

Cà chua là cây thân thảo, mọng nước. Cà chua có thể sinh trưởng, phát triển bình thường ở khoảng nhiệt độ 18 – 29 độ C. Ở nhiệt độ ban ngày trên 32 độ C, hoặc lạnh dưới 10 độ C thì hoa rụng không đậu quả hoặc là ra quả xù xì.

Mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím được bón bằng phân bón Lâm Thao tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh:Thiên Hương

Có 2 dạng cây cà chua: Dạng sinh trưởng vô hạn, cây tăng trưởng chiều cao không hạn chế, cành lá nhiều, ra hoa quả rải rác và dạng sinh trưởng hữu hạn cành lá ít, ra hoa quả tập trung hơn.

Hiện nay phần lớn dạng cà chua sử dụng trong sản xuất là cà chua hữu hạn do ưu điểm ra quả và chín tập trung, đỡ tốn công lao động hơn loại sinh trưởng vô hạn. Còn đối với các vườn nhà hoặc nhà kính thì vẫn trồng các giống sinh trưởng vô hạn.

2. Yêu cầu đất, dinh dưỡng

Trong suốt thời kỳ phát triển lá cho đến khi ra quả thì nhu cầu về N của cây cà chua ở mức trung bình. P rất quan trọng cho cây lớn và sinh quả. Dung dịch đất có nồng độ khoảng 0,2mg P/lít thì cà chua cho năng suất gần tối đa. K cần để đậu quả và tăng trưởng. Nếu được cung cấp đủ K tối đa thì quả ra sớm. Để tạo năng suất như trong sản xuất, cà chua đã lấy đi lượng lớn chất dinh dưỡng đa lượng. Tuy nhiên lượng chất dinh dưỡng lấy đi từ đất của cây cà chua thấp hơn cây cải bắp. Lượng K lấy đi gấp 5 – 6 lần, và lượng N lấy đi gấp 3,5 – 4 lần so với lượng P lấy đi từ đất.

Nông dân đội 2, xã Duyên Hà (Thành Trì, Hà Nội) thu hoạch cà chua vụ đông. Ảnh: Việt Tùng

3. Thời vụ trồng

Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ, thời vụ trồng cà chua chính là vụ đông xuân. Hiện chúng ta cũng đã có các giống chịu nhiệt dạng quả tương đối nhỏ có thể trồng vụ xuân hè và còn một số giống quả nhỏ, cà chua ”bi” có thể trồng mùa hè, tuy nhiên năng suất quá thấp, chất lượng quả thấp, hàm lượng axit hữu cơ cao, vị chua, ít bột.

Thời vụ gieo trồng, có 3 vụ chính:

Vụ sớm: Gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng tháng 8 và tháng 9 để thu hoạch vào cuối tháng 10 và tháng 12.

Vụ chính: Gieo tháng 9 và sang cuối tháng 10, trồng tháng 11 để thu hoạch vào tháng 2, tháng 3 năm sau.

Vụ muộn: Gieo tháng 11, trồng tháng 12 để thu hoạch vào tháng 3 – 4 năm sau.

4. Làm đất và mật độ trồng

+ Đất và mật độ trồng: Có thể trồng cà chua trên nhiều loại đất, tuy nhiên cà chua ưa thích đất phù sa trung tính pH 6 – 7, chủ động trong tưới tiêu nước. Làm đất kỹ, lên luống rộng 0,9 – 1m, luống cao 20 – 30cm, vụ sớm hoặc vụ xuân hè thì phải lên luống cao hơn, 25 – 40cm.

Khoảng cách, mật độ trồng cà chua tùy thuộc loại hình giống: Sinh trưởng vô hạn hay hữu hạn, số lượng thân cành để lại sau tạo hình.

Đối với cà chua hữu hạn, khi tỉa cành chỉ để 3 – 4 cành thì để mật độ khoảng cách dày. Trồng 2 hàng chạy dọc theo luống khoảng cách thích hợp là: 30-40cm x 50-60cm, mật độ: 30.000 – 39.000 cây/ha (1.050 – 1.400 cây/sào Bắc Bộ). Đối với cà chua sinh trưởng vô hạn, để tới 5 – 6 cành thì trồng thưa hơn. Trồng 2 hàng chạy dọc theo luống, khoảng cách trồng: 40-50cm x 60-70cm, tương ứng với mật độ 24.000 – 25.000 cây/ha (850 – 900 cây/sào Bắc Bộ).

Cuốc bổ hốc theo khoảng cách cây định trồng, cho phân bón lót vào hốc, trộn đều với đất ổi tên cùng rải lớp đất mỏng rồi trồng cây. Trồng xong tưới đẫm nước, tưới nước hàng ngày cho đến khi cây bén chân hồi xanh.

Bón Lâm Thao NPK-S cho cây cà chua:

Bón phân cho cà chua theo các giai đoạn sau: Bón lót trước khi trồng; bón thúc lần 1 sau trồng 20 - 25 ngày; bón thúc lần 2 khi cây ra hoa rộ, hình thành quả.

Lượng phân bón tính trên 1ha như sau:

- Bón lót: Phân chuồng 14 -20 tấn/ha; NPK-S*M1 5.10.3-8: 500 - 610kg/ha.

- Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 610 - 690kg/ha.

- Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 500 - 610 kg/ha.

Lượng phân bón tính trên 1 sào Bắc Bộ (360m2) như sau:

- Bón lót: Phân chuồng 0,5 - 0,7 tấn; NPK-S*M1 5.10.3-8: 18 - 22 kg.

- Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 22 - 25kg.

- Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 18 - 22kg.

Đối với cà chua thu hoạch nhiều lứa quả hoặc dạng cà chua sinh trưởng vô hạn thì có thể thêm một lần bón thúc 3 sau thu quả đợt 1. Lượng bón tương tự như lần bón thúc 2.

* Đối với cà chua sinh trưởng vô hạn hoặc thu nhiều chùm quả thì bón ở mức cao và chia đôi lượng phân bón khi bắt đầu hình thành quả và sau thu quả đợt 1.

Chúc bà con nông dân sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao hợp lý theo khuyến cáo để nâng cao năng suất, chất lượng cà chua và đạt hiệu quả kinh tế cao.

TS.Cao Kỳ Sơn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/ky-thuat-bon-phan-lam-thao-giup-ca-chua-lon-nhanh-nhu-thoi-810345.html