Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Vẫn còn khoảng trống cần lấp đầy

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, với điểm trung bình các môn của thí sinh đạt 5,97 điểm, Thái Nguyên xếp thứ 22/34 tỉnh, thành phố. Con số điểm trung bình các môn thi không chỉ phản ánh kết quả của sự nỗ lực cá nhân mà còn là bức tranh toàn cảnh về chất lượng giáo dục phổ thông của địa phương trong mối tương quan với mặt bằng chung toàn quốc. Kết quả này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có định hướng phát triển giáo dục phù hợp trong thời gian tới.

Thí sinh hoàn thành bài thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại điểm thi Trường THPT Lương Ngọc Quyến.

Thí sinh hoàn thành bài thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại điểm thi Trường THPT Lương Ngọc Quyến.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, toàn tỉnh có 22.333 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 21.745 thí sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và 558 thí sinh thi theo Chương trình năm 2006. Số thí sinh xét tốt nghiệp là 21.552 em; có 21.292 em đỗ tốt nghiệp THPT (đạt tỷ lệ 98,79%).

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên: So với mặt bằng chung cả nước, Thái Nguyên vẫn duy trì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức khá, cho thấy sự nghiêm túc trong công tác chỉ đạo, tổ chức thi, quá trình học tập và sự nỗ lực của các giáo viên, học sinh.

Trong số 91 trường THPT và cơ sở giáo dục có học sinh dự thi, có tới 32 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Nổi bật trong số này là các trường THPT: Chuyên Thái Nguyên, Chuyên Bắc Kạn, Chu Văn An, Đào Duy Từ, Gang Thép, Lương Ngọc Quyến, Bắc Sơn, Tức Tranh, Trại Cau, Điềm Thụy, Phú Bình; Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên; Đồng Hỷ, Khánh Hòa; Bắc Sơn; Tiểu học, THCS và THPT Iris; Đội Cấn, Lý Nam Đế.

Ngoài ra, còn có một số trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, như: Bộc Bổ, Ba Bể, Chợ Mới, Phủ Thông... Điều đó phản ánh sự lan tỏa của chất lượng giáo dục đến nhiều địa bàn khác nhau trong tỉnh.

Không chỉ về tỷ lệ tốt nghiệp, chất lượng điểm thi của học sinh Thái Nguyên cũng ghi nhận một số điểm sáng. Toàn tỉnh có 278 điểm 10, trong đó nhiều nhất là môn Địa lý (136 điểm 10), tiếp đến là Lịch sử (42), Vật lý (35) và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (29).

Đặc biệt, ở những môn được coi là “khó đạt điểm tuyệt đối” như Toán, toàn tỉnh có 5 điểm 10. Ngoài ra, có 4.123 lượt bài thi đạt từ 9 điểm trở lên - một chỉ số thể hiện sự cố gắng vượt bậc của không ít học sinh.

 Thí sinh Thái Nguyên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thí sinh Thái Nguyên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, Kỳ thi cũng cho thấy một số vấn đề cần được nhìn nhận thẳng thắn. Đáng chú ý, số lượng bài thi dưới trung bình vẫn ở mức khá cao - 26.757 lượt bài. Trong đó, riêng môn Toán có tới 14.480 bài dưới trung bình, chiếm hơn 54% số lượng bài thi môn này.

Ngoài ra, môn Lịch sử cũng có hơn 3.100 bài thi dưới trung bình, môn Địa lý gần 3.000 bài và môn Ngoại ngữ là gần 2.000 bài. Đặc biệt, có 43 bài thi bị điểm liệt, trong đó 41 bài thuộc môn Toán - môn học được coi là nền tảng, bắt buộc trong chương trình giáo dục.

Điều này phản ánh thực tế rằng, dù điểm sáng vẫn có, song mặt bằng chung về chất lượng dạy học vẫn còn khoảng cách nhất định. Một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn chưa nắm vững kiến thức cơ bản, thiếu kỹ năng làm bài thi, đặc biệt ở những môn yêu cầu tư duy logic, ngôn ngữ hoặc tích hợp kiến thức liên môn.

Khi so sánh điểm bình quân các môn với mặt bằng cả nước, điểm bình quân nhiều môn thi của thí sinh Thái Nguyên vẫn “dưới mặt bằng” chung. Trong đó, điểm trung bình môn Toán của tỉnh là 4,34 (thấp hơn 0,44 điểm so với mức trung bình cả nước); Ngữ văn thấp hơn 0,22 điểm; Lịch sử thấp hơn 0,27 điểm; Địa lý thấp hơn 0,33 điểm.

Dù chênh lệch không lớn, nhưng điều này cho thấy tính ổn định chưa thực sự vững chắc về chất lượng giáo dục phổ thông tại địa phương. Ở một số môn thuộc tổ hợp khoa học xã hội - vốn đang là xu hướng lựa chọn của đa số thí sinh - như Giáo dục Kinh tế & Pháp luật, điểm trung bình của tỉnh cũng thấp hơn so với cả nước.

Các thí sinh trước giờ làm bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Các thí sinh trước giờ làm bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Một điểm cần lưu ý khác là sự phân hóa chất lượng khá rõ rệt giữa các trường trong tỉnh. Trong khi có những trường đạt kết quả rất cao, có thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở nhiều môn, thì vẫn còn không ít trường có tỷ lệ học sinh đạt điểm thấp, thậm chí dưới trung bình ở nhiều môn.

Đây là tín hiệu đáng lưu tâm đối với công tác quản lý chất lượng giáo dục tại cấp trường, đặc biệt là những trường ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi điều kiện học tập còn khó khăn, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu, cơ sở vật chất hạn chế.

Để thu hẹp khoảng cách này, ngành Giáo dục Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường tổ chức ôn tập có trọng tâm, đặc biệt với học sinh yếu kém.

Đồng thời đầu tư mạnh hơn vào công nghệ giáo dục, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng AI trong dạy - học, phát huy vai trò của nền tảng học trực tuyến, hệ thống ngân hàng đề thi chuẩn hóa để giúp học sinh làm quen sớm với dạng thức bài thi.

Ngoài ra, việc hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên ở các trường khó khăn, tạo cơ chế linh hoạt trong luân chuyển giáo viên giỏi về những vùng “trũng” về chất lượng, cũng là yếu tố cần thiết để tạo sự đồng đều trong hệ thống.

Đặc biệt, những môn học có tỷ lệ dưới trung bình cao như: Toán, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ thì cần có lộ trình cải thiện riêng biệt và sát thực tiễn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là “vạch đích” của 12 năm đèn sách, mà còn là một thước đo chất lượng giáo dục phổ thông của mỗi địa phương. Với Thái Nguyên, kỳ thi năm 2025 ghi nhận những kết quả tích cực, nhưng cũng đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự chuyển mình mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất và bền vững.

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202507/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-van-con-khoang-trong-can-lap-day-5390955/