Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: 'Đối phó' gian lận thi cử ra sao khi kỳ thi do địa phương tổ chức?

Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Năm nay, có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra địa phương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các khâu tổ chức chủ yếu là do các địa phương đảm nhận. Ảnh minh họa: Q.A

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các khâu tổ chức chủ yếu là do các địa phương đảm nhận. Ảnh minh họa: Q.A

Đề thi, bài thi được bảo quản nghiêm ngặt

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức cuộc họp về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin, thực hiện Luật Giáo dục 2019 và trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ đã thống nhất tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Với tầm quan trọng và sự tác động lớn của kỳ thi, Bộ đã yêu cầu công tác tổ chức phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém.

Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT đang công bố xin ý kiến đóng góp có nêu rõ: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào một số việc: Chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Cũng theo Dự thảo Quy chế thi, đối với đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Tối mật". Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày và phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày. Có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày, có một Phó Trưởng điểm thi là người của trường phổ thông không có thí sinh dự thi tại điểm thi trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.

Bên cạnh đó, việc mở túi đựng đề thi, phát đề thi cho thí sinh phải được thực hiện tại phòng thi đúng thời gian và đúng bài thi/môn thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD&ĐT. Các thành viên tham gia làm đề thi đều phải cách ly triệt để với bên ngoài.

Không làm nghiêm dễ coi lỏng, chấm lỏng

Đối với công tác thanh tra kỳ thi, theo Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các địa phương; trường hợp cần thiết, do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại địa phương. Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT của sở GD&ĐT; trường hợp cần thiết, do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định.

Đối với việc phát hiện gian lận trong chấm thi, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số hội đồng thi. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thi các cấp cũng sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm quy chế thi, xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có).

Chia sẻ về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vũ bão như hiện nay, rất khó có thể kiểm soát và phát hiện được tất cả các thiết bị hiện đại mà thí sinh được phép mang vào phòng thi. Bên cạnh đó, kỳ thi được tổ chức nhẹ nhàng, chỉ mang tính xét tốt nghiệp là chủ yếu cũng có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, thí sinh chia sẻ bài cho nhau, giám thị vì muốn học sinh của địa phương mình thi đỗ sẽ coi dễ, chấm lỏng… điều này đã từng xảy ra ở những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây.

"Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 Bộ GD&ĐT cũng đã giao cho các trường đại học tham gia công tác coi thi, chấm thi ở các địa phương, tuy nhiên tiêu cực vẫn xảy ra và đến nay đã đưa ra xét xử nhiều cán bộ tham gia công tác kỳ thi tại Hòa Bình, Sơn La. Dù các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nào đó được áp dụng cũng là yếu tố con người, nếu muốn vẫn có thể can thiệp để gian lận. Vì thế, công tác thanh tra, quản lý kỳ thi phải thực sự nghiêm túc, minh bạch ở mọi khâu, chặt chẽ hơn và gắn trách nhiệm tới từng cá nhân và xử lý, kỷ luật nghiêm nếu vi phạm. Nhân dân cũng được quyền giám sát, phát hiện những điểm bất thường trong quá trình thi, kết quả thi", GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.

Liên quan đến công tác thanh tra kỳ thi, Bộ GD&ĐT cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các địa phương. Trong tháng 6, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo các địa phương để thống nhất các công việc liên quan trong tổ chức kỳ thi. Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm mầm non năm 2020 dự kiến từ 15 - 30/6.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-doi-pho-gian-lan-thi-cu-ra-sao-khi-ky-thi-do-dia-phuong-to-chuc-20200601182741949.htm