Kỳ thi THPT: Thí sinh mang điện thoại tắt nguồn vào phòng thi vẫn bị đình chỉ thi

Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra nghiêm túc, an toàn, điều này đã được phổ biến tới toàn thể các thầy cô giáo và các lực lượng an ninh liên quan.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu toàn bộ đội ngũ cán bộ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 phải thực hiện nghiêm túc quy chế, không được phép để ra sai sót- Ảnh: Internet

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu toàn bộ đội ngũ cán bộ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 phải thực hiện nghiêm túc quy chế, không được phép để ra sai sót- Ảnh: Internet

Trao đổi với phóng viên trước kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu trong vài ngày nữa, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết toàn bộ các địa điểm thi phải tổ chức học nghiệp vụ nghiêm túc, kể cả lực lượng dự trữ để đạt yêu cầu 100%, không có kẽ hở nào trong quy trình coi thi.

“Tại Hà Nội, công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia rất được coi trọng, đảm bảo nghiêm túc. Tôi hy vọng các cán bộ và thí sinh đảm bảo sự nghiêm túc trong kỳ thi để tránh làm ảnh hưởng đến kỳ thi chung”, ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cũng cho biết việc vận động các cửa hàng photocopy đóng cửa trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia là điều cần thiết để hạn chế việc sao chép tài liệu, làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh. Để kỳ thi đạt mục tiêu công bằng, nghiêm túc và hạn chế tối đa sai sót, Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị rà soát và hoàn thiện công tác chuẩn bị về mọi mặt, chậm nhất vào sáng 23.6 phải bàn giao cho trưởng điểm thi; yêu cầu các trưởng điểm thi khi nhận nhiệm vụ cần quan tâm đến phương án xử lý (nếu xảy ra sự cố), nhất là việc bảo đảm an toàn cho đề, bài thi và các điều kiện chăm sóc sức khỏe thí sinh...

“Trưởng điểm thi phải nắm chắc danh mục công việc từng ngày, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nếu mỗi cán bộ coi thi đều tuân thủ đúng quy chế, thì không một hành vi gian lận nào, kể cả việc sử dụng thiết bị công nghệ cao, có thể lọt qua được” - ông Chử Xuân Dũng nhận định.

Hà Nội sẽ tăng cường giám sát kỷ luật phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Nhằm hạn chế các hành vi gian lận, Hà Nội còn quy định việc sử dụng thống nhất loại giấy nháp ở bài thi tổ hợp cho tất cả các điểm thi. Giấy nháp có màu mực đỏ được dùng cho môn thi thành phần thứ nhất (tương ứng với môn vật lý, lịch sử), giấy nháp có màu mực xanh dùng cho môn thi thành phần thứ hai (hóa học và địa lý) và giấy nháp có màu mực đen dùng cho môn thi thành phần thứ ba (sinh học và giáo dục công dân). Vì vậy, khi kết thúc môn thi thành phần trước, thí sinh nhớ nộp đề thi và giấy nháp tương ứng với môn thi. Nếu thí sinh thi môn thành phần thứ hai, mà còn để giấy nháp có màu mực đỏ trên bàn, coi như phạm quy.

Một quy định khác mà thí sinh không được phép quên, trong quá trình làm bài của tất cả các bài thi, môn thi, thí sinh tuyệt đối không được đánh dấu hoặc ghi các nội dung liên quan đến bài thi vào các loại giấy tờ, vật dụng đem theo, kể cả điện thoại đã được tắt nguồn cũng sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức.

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.Hà Nội) thông tin: Thời gian vừa qua, Công an thành phố đã phát hiện, xử lý một số cá nhân kinh doanh thiết bị thu, phát tín hiệu kích thước siêu nhỏ. Trong quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Theo thượng tá Hà Thị Hằng, có hai loại thiết bị thu, phát tín hiệu kích thước nhỏ phổ biến, đó là dạng vòng cổ và dạng thẻ ATM. Hai loại này trông như vật dụng cá nhân, thông thường phải kết nối với điện thoại di động, song cũng có loại không cần kết nối với điện thoại. Thông qua thiết bị này, thí sinh có thể đọc, truyền thông tin ra ngoài và nhận thông tin từ ngoài vào. Để đối phó, cán bộ coi thi cần kiểm soát chặt các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi và giám sát thường xuyên quá trình làm bài của thí sinh.

Trước những lo ngại về tính minh bạch, khách quan trong coi thi, chấm thi, một số ý kiến cho rằng để tránh các hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử, hiện tượng coi lỏng coi chặt... nên cho một cán bộ công an vào trong phòng thi hoặc giám sát.

Về vấn đề này, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng: “Mỗi đơn vị đều có chức năng và nhiệm vụ riêng của mình. Thi cử là việc diễn ra bình thường và ngành giáo dục đủ sức làm việc này, công an là lực lượng phối hợp. Tôi không ủng hộ ý kiến đưa công an vào trong các phòng thi, bởi tôi tin đại đa số các thầy cô trong ngành nghiêm túc, đủ sức làm việc đó. Có những hiện tượng đặc biệt, mang tính kỹ thuật cao, thì mới cần đến các lực lượng khác hỗ trợ, như lực lượng công an. Chúng ta cũng không nên quá nặng nề làm ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh”, ông Bằng cho hay.

"Tâm lý thí sinh trước khi vào phòng thi rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài thi. Thí sinh cần cố gắng tạo cho mình tâm lý thoải mái, tự tin, bình tĩnh. Về việc ôn tập, trước ngày thi chỉ nên rà soát một loạt hệ thống kiến thức, tránh tập trung ôn luyện cho đến tận khi đến trước cửa phòng thi sẽ tạo tâm lý căng thẳng, mất bình tĩnh. Vấn đề chủ động trong việc đi lại cũng rất quan trọng, thí sinh nên đến điểm thi không quá muộn, không quá sớm. Không ít thí sinh phải bỏ thi vì đến muộn quá giờ làm bài." - đại diện Bộ GD-ĐT nhắc nhở thí sinh.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ky-thi-thpt-thi-sinh-mang-dien-thoai-tat-nguon-vao-phong-thi-van-bi-dinh-chi-thi-90784.html