Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội năm 2018: Động lực nâng chất lượng đào tạo

Ngày 21/3, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổng kết Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội năm 2018.

Theo đó, kỳ thi đã thể hiện chất lượng đào tạo tại mỗi cơ sở và đơn vị sử dụng lao động, cũng như tạo ra phong trào thi đua giảng dạy trong các trường nghề.

Chất lượng đào tạo được nâng lên
Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội năm nay thu hút 242 thí sinh (TS) thuộc 47 trường và DN dự thi ở 20 nghề. Nhận định về chất lượng bài thi, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng Ban tổ chức kỳ thi cho hay, đề thi năm nay khó hơn so với các năm trước bởi đi theo hướng đề quốc gia và tiến tới đạt chuẩn ASEAN và quốc tế. Đặc biệt, có những nghề trước khi thi TS mới biết đề, đòi hỏi phải chủ động, sáng tạo trong quá trình làm bài. Dù vậy, trong quá trình thực hiện, TS đã thể hiện khá tốt kỹ năng nghề. Nhiều TS nỗ lực lớn, nên đạt điểm thực hành khá cao. Điều đó chứng tỏ công tác chuẩn bị của TS và đơn vị tham gia rất chu đáo, bài bản và chất lượng.

Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình và Trưởng ban tổ chức kỳ thi Nguyễn Thanh Nhàn tặng hoa và Giấy khen cho các thí sinh đạt giải.

Kết quả chấm thi cho thấy, có 176 bài thi đạt 70 điểm theo thang điểm 100 trở lên, chiếm 73% số bài dự thi. Trong đó, nhiều bài thi đạt điểm gần như tuyệt đối ở các nghề: Robot di động, Tự động hóa công nghiệp, Thiết kế các kiểu tóc, Thiết kế Kỹ thuật cơ khí, Điện lạnh, Hàn, Lắp cáp mạng thông tin, Dịch vụ nhà hàng, Thiết kế đồ họa. Đặc biệt, kỳ thi đã xuất hiện nhiều TS có trình độ, kỹ năng tay nghề xuất sắc.
Sức lan tỏa lớn
Với 25 TS đạt giải Nhất, 33 TS đạt giải Nhì, 78 TS giải Ba và 40 TS giải Khuyến khích cho thấy kỳ thi duy trì được phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt” trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, luyện tay nghề trong các DN. Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Đức Vinh – đơn vị có 15 TS đạt giải trong số 16 em đi thi, đánh giá rất cao về sự lan tỏa của kỳ thi thường niên này. Cuộc thi tay nghề bắt đầu từ cấp khoa đến cấp trường, TP, quốc gia, ASEAN và quốc tế. Càng lên các cấp thi cao, số lượng TS tham gia giảm vì phải chọn những em thật sự xuất sắc nhưng bao giờ cũng có yếu tố lan tỏa. “Qua cuộc thi, cán bộ quản lý chúng tôi đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập quốc tế” – ông Vinh nhấn mạnh.
Về phía giáo viên, cuộc thi cũng là cơ hội để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng tiếng Anh. “Khi đọc đề thi dài khoảng 20 trang bằng tiếng Anh với những yêu cầu kỹ thuật mà trong chương trình dạy chưa có, chúng tôi bị “khớp”. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu và ôn luyện, phối hợp của các giáo viên, thì sự am hiểu về kỹ thuật cũng như trình độ tiếng Anh của chúng tôi nâng lên rất nhiều”- cô Nguyễn Thị Thanh Xuân – giáo viên tổ Thiết kế đồ họa, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho hay. Trong khi đó, Trưởng phòng Đào tạo, trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho rằng, kết quả cuộc thi khẳng định chất lượng đào tạo của trường cũng như tay nghề của đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, khi học sinh được cử đi thi, lãnh đạo trường có cơ hội tiếp cận công nghệ mới mà hiện DN đang cần để từ đó tìm kiếm nguồn đầu tư mua sắm. Còn TS đạt giải cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, bởi kỳ thi là cơ hội để các em học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề.
Ngay trong lúc diễn ra kỳ thi, đã có DN đến hội đồng thi xin số điện thoại của TS để đặt vấn đề tuyển dụng cũng như muốn hợp tác với trường có nhiều TS đạt giải cao để cùng đào tạo và tuyển dụng sinh viên vào làm việc.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-thi-tay-nghe-tp-ha-noi-nam-2018-dong-luc-nang-chat-luong-dao-tao-312407.html