Kỳ thị sắc tộc và tính dân tộc hẹp hòi

Thế giới và xã hội đã phát triển hơn trước đây rất nhiều. Và đến hôm nay, không ít giá trị tích cực và hữu ích của quá khứ vẫn còn giá trị, tuy nhiên có một điều kỳ lạ là một số sản phẩm tiêu cực của thời kỳ trước vẫn chi phối suy nghĩ, ứng xử của một số người, mà kỳ thị sắc tộc, não trạng dân tộc hẹp hòi là các thí dụ.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, một dạo xóm nhỏ nơi gia đình tôi cư trú bỗng xôn xao chuyện nhà bà Đ. Chẳng là anh T con trai bà làm việc đâu đó ở trên Tây Bắc, báo tin chuẩn bị cưới vợ. Mọi người hỏi con dâu người Kinh hay người miền núi, bà Đ trả lời không rõ ràng lắm. Tôi nhớ có lần bà Đ tâm sự với mẹ tôi: “Hà Nội hết người rồi hay sao mà nó lấy vợ tận trên đó, nói chẳng được, chẳng lẽ lại cấm”. Sau mấy hôm lên Tây Bắc dự đám cưới con trai, bà Đ cùng cả nhà trở về, có con dâu mới đi cùng. Cả xóm tiếp tục bàn tán vì vợ anh T là người thiểu số. Nghe một người thì thào với mẹ tôi “Có khi thằng T bị bỏ bùa!”, tôi hỏi “bùa” là gì, mẹ tôi mắng át, bảo trẻ con không được bép xép. Rồi mấy ngày liền, hàng xóm rủ nhau đến mừng thì ít mà đến “xem” vợ anh T thì nhiều, tôi cũng tò mò, nhưng phải sau vài tuần mới gặp chị.

Chị trắng và xinh, người dong dỏng cao mặc váy bó sát người, áo màu trắng cũng bó sát và có hàng khuy tết. Lớn lên tôi mới biết đó là xửa-cóm (áo cóm) của phụ nữ Thái. Tôi không rõ tên chị là gì, chỉ thấy mọi người gọi chị theo tên chồng. Sau chị không mặc váy áo như hồi mới về làm dâu, mà mặc quần áo giống như các chị trong xóm. Chị hòa nhập nhanh và chăm chỉ làm lụng, chăm lo cha mẹ chồng, chăm lo chồng con, dần dà không ai nhắc tới gốc gác miền núi của chị nữa. Mấy chục năm nay, đôi lần về xóm cũ tôi vẫn gặp chị. Thấy chị già đi theo thời gian, song hình ảnh chị phụ nữ người Thái tần tảo việc gia đình ngay giữa Hà Nội vẫn làm tôi nể trọng.

Chuyện của vợ anh T có lẽ sẽ không trở lại nếu tôi không đi bộ đội và làm nghề báo. Mấy chục năm tôi đến không biết bao nhiêu bản làng, cũng không nhớ bao nhiêu lần được bà con cho ở, cho ăn, lúc ốm đau được bà con nấu cho bát cháo muối loáng thoáng vài cọng hành trồng ở cái máng đầu sàn. Có lần biết các anh bộ đội đang đói, chú bé trong bản người Tày ở Lạng Sơn thắp đuốc lần mò ra ruộng nhổ lạc, rửa sạch ngoài suối rồi về luộc, bê đến cho anh em chúng tôi. Và dù có thể không trở lại thăm, tôi vẫn không thể quên bà con người Tày, Thái, Dao, Nùng, Hà Nhì, Mường, Mông, Lô Lô, Sán Dìu, Giáy, Khơ-mú, Lự, Chăm, Vân Kiều, Ba-na, Ê-đê, Cơ-tu, Mơ-nông, Khơ-me,… đã từng mở lòng đón tiếp, giúp đỡ. Nên mỗi khi thấy có người dè bỉu, giễu cợt ứng xử chất phác, hồn hậu hoặc chê bai cuộc sống của họ còn vất vả, chưa được văn minh như cuộc sống miền xuôi là tôi lại buồn và xấu hổ. Cách đây quãng mười năm, tôi lên Tây Bắc đúng dịp con gái nghỉ hè. Biết cháu muốn đi cùng, tôi ra điều kiện: “Đến bản nào, gặp bất cứ điều gì con cũng không được khạc nhổ, không được chun mũi, không được nhăn mày nhăn mặt, không được bàn tán dè bỉu, chê bai,… bố mới cho theo!”. Cháu đồng ý và như về sau cháu kể, chuyến đi đó đem lại cho cháu nhiều điều. Về phần mình, tôi yêu cầu như vậy vì không muốn cháu nhiễm phải thói kỳ thị sắc tộc mà tôi vốn rất dị ứng.

Tôi viết như trên vì vừa qua có hai sự kiện làm tôi kinh ngạc nhưng không bất ngờ. Sự kiện thứ nhất: sau khi H’Hen Niê nhận danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017, fanpage cuộc thi đã gửi lời chúc mừng và gọi cô là “nhan sắc da màu”; bị dư luận phản đối, người ta phải vội vàng xóa mấy chữ này khỏi nội dung chúc mừng. Trong khi tôi chưa hết thắc mắc rằng tại sao người ta lại có thể gọi H’Hen Niê là “nhan sắc da màu”, thì được bồi thêm sự kiện thứ hai là một nhà báo đưa lên facebook các đánh giá in đậm dấu ấn của thói kỳ thị tộc người. Dĩ nhiên, dư luận sẽ phản ứng dữ dội trước đánh giá của nhà báo.

Từ các biến thiên của lịch sử và từ trình độ phát triển, nên đã lâu rồi người Việt (hay người Kinh) được coi là tộc người chủ thể ở Việt Nam, nói cách khác thì người Việt là bộ phận chính của quá trình phát triển đất nước. Đó là một hiện tượng bình thường, không chỉ có ở Việt Nam mà là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Điều đáng nói là vị trí, vai trò tộc người chủ thể lại đẩy tới tình trạng một số người tự thấy trong cộng đồng các tộc người ở Việt Nam thì người Việt có đẳng cấp cao và văn minh, từ đó có thái độ tự thị, xem thường những tộc người dân số ít hơn, sống xa trung tâm hơn, văn minh kém phát triển hơn…

Quan sát trên thực tế, đặc biệt là qua báo chí và mạng xã hội, dường như còn có sự song hành giữa thái độ kỳ thị sắc tộc với não trạng dân tộc hẹp hòi? Như trong bóng đá chẳng hạn, sau khi U23 Việt Nam thắng U23 Australia, thấy báo chí dẫn lời của cổ động viên Thailand chia sẻ: “Tôi nghĩ đội tuyển U23 Việt Nam đang là đội mạnh nhất khu vực, họ có cơ hội đi tiếp. Sau U23 Malaysia đến lượt U23 Việt Nam có điểm số lịch sử. Đây là tiền đề để các đội bóng cùng nỗ lực”, “Tôi từng nghĩ U23 Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi đối đầu U23 Australia. Tuy nhiên các bạn đã có một trận đấu tuyệt vời. Chúc mừng U23 Việt Nam, hy vọng đoàn quân của HLV Park Hang Seo sẽ thi đấu tốt để tiến vào vòng trong” tôi lại liên tưởng đến sự hả hê của một số bài báo trong nước mỗi khi đội tuyển bóng đá Thailand thua trận. Vì quan tâm đến vấn đề này nên trong một file tên là “tít báo” trên laptop của tôi vẫn lưu giữ nhan đề một số bài báo như: “Thái Lan thua vỡ mặt trận ra mắt HLV mới, “Thái Lan sẽ gỡ gạc chút danh dự hay lại tiếp tục “ê chề” tại Việt Nam?”, “U23 Thái Lan nhận ‘cái tát’ ngay ngày ra quân giải châu Á”, “Báo chí Thái Lan than khóc cho thất bại của đội nhà tại vòng loại World Cup”… Từ mấy nhan đề đó tôi tự hỏi: nếu khi báo chí nước ngoài bàn về bóng đá Việt Nam cũng ví von “thua vỡ mặt”, “gỡ gạc chút danh dự”, “ê chề”, “nhận ‘cái tát’…”,… thì họ sẽ nghĩ sao?

Tôi ngờ phía sau các chữ nghĩa đầy vẻ hả hê ấy, có ẩn chứa cả não trạng dân tộc hẹp hòi. Phải chăng người ta không thể kiềm chế nổi sự yêu ghét mang màu sắc tiểu nhân mà vẫn công khai biểu lộ, bất chấp việc làm như vậy có thể xúc phạm người khác, dân tộc khác? Điều này làm tôi nghĩ đến lời Jesus trong Matthew 7: “Tại sao con thấy cái dằm trong mắt anh em, nhưng không nhận ra cây xà nhà trong mắt mình? Làm sao con có thể nói với anh em mình rằng “Để tôi lấy cái dằm ra khỏi mắt anh”, trong khi cây xà vẫn ở trong mắt mình. Hỡi kẻ đạo đức giả, hãy lấy cây xà ra khỏi mắt mình trước, rồi mới thấy rõ để lấy cái dằm ra khỏi mắt anh em mình”!

Thế giới và xã hội đã phát triển hơn trước đây rất nhiều. Và đến hôm nay, không ít giá trị tích cực và hữu ích của quá khứ vẫn còn giá trị, tuy nhiên có một điều kỳ lạ là một số sản phẩm tiêu cực của thời kỳ trước vẫn chi phối suy nghĩ, ứng xử của một số người, mà kỳ thị sắc tộc, não trạng dân tộc hẹp hòi là các thí dụ. Hơn nữa, dường như còn một nghịch lý khác vẫn đang tồn tại giữa chúng ta là trong khi nhóm này tỏ thái độ kỳ thị sắc tộc, thì nhóm khác lại có thái độ tự ti, vọng ngoại đến khó tin? Dưới mắt của nhóm người này thì đa số những gì thuộc Việt Nam đều lạc hậu, mông muội, kém cỏi,… chỉ “Tây” mới là tiêu chí giúp họ đánh giá. Lại nhớ gần đây tôi thấy một người có quốc tịch Việt, cha mẹ Việt, ăn cơm Việt, sống trong ngôi nhà Việt, làm việc ở Việt Nam nhưng xuất hiện trên truyền thông lại chỉ nói bằng tiếng Anh, đồng bào muốn biết người đó nói gì cần phải phiên dịch! Không rõ nói như thế để chứng tỏ giỏi tiếng Anh hay vì không nói được tiếng Việt, nhưng thực tình tôi coi đó là điều kỳ quặc. Lại ao ước giá Nam Xương “tái sinh” để viết tiếp kịch bản “Ông tây An Nam” phần hai!

Muốn một cộng đồng dân tộc phát triển, trước hết phải tạo lập được cơ sở vững chắc về vật chất và tinh thần trong mọi tộc người đã phối kết để làm nên dân tộc, như ở Việt Nam là sự phối kết giữa 54 tộc người anh em. Để được như vậy, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau phải trở thành điều kiện tiên quyết. Và điều này không chỉ phụ thuộc vào Nhà nước, mà còn phụ thuộc vào việc mỗi người đã loại trừ thói kỳ thị sắc tộc vẫn ẩn chứa đâu đó trong thế giới tinh thần của mình ra sao. Bởi ngày nào mà thói kỳ thị sắc tộc còn tồn tại thì ngày đó rất khó có thể hình thành “chất keo kết dính” để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Với quan hệ quốc tế cũng vậy, ngày nay uy tín và tầm ảnh hưởng của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào sự giàu có mà còn phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa, lòng tự tôn, thái độ luôn biết tôn trọng các quốc gia khác. Rốt cuộc thì tất cả phụ thuộc vào điều đơn giản là mỗi người, mỗi quốc gia chỉ nhận được sự tôn trọng khi luôn tôn trọng người khác, hoặc quốc gia khác.

NH - 1/2018
Nguyễn Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ky-thi-sac-toc-va-tinh-dan-toc-hep-hoi-tintuc394687