Kỹ sư xây trường trên những cung đường mây trắng, gieo nụ cười trẻ thơ

Trực tiếp tham gia vận động xây dựng hơn 100 ngôi trường vùng cao trong 5 năm, thành quả lớn nhất mà kỹ sư Phạm Đình Quý thu được là vô số những kỷ niệm với các thầy cô và những em học sinh nhỏ tuổi. Gian khổ đấy, vất vả đấy, nhưng hạnh phúc thì thật không ai bằng.

Gặp Phạm Đình Quý, người ta nhận thấy ngay ở anh là một con người dễ mến, chân thành, đầy nhiệt huyết, yêu thương và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng. Ở anh luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực có sức lan tỏa, khích lệ tất cả mọi người.

Những nỗ lực đầu tiên

Năm 2012, trong một lần lái xe lên vùng cao làm từ thiện, chứng kiến cuộc sống cực nhọc của bà con các dân tộc cũng như công cuộc “tìm chữ” của con em họ, Phạm Đình Quý đã thực sự xúc động. Anh bảo, có những hoàn cảnh mà nếu chúng ta không thấy tận mắt thì không thể tin nó lại có thể tồn tại trong cuộc sống này. Ở Mường Lát, trường Tiểu học Trung Lý khá đặc biệt so với nhiều ngôi trường ở vùng cao Thanh Hóa bởi tất cả học sinh đều phải tập trung về điểm trường chính để học tập. Nguyên nhân là do số dân ở các bản trong xã khá ít nên lượng trẻ trong độ tuổi đến trường cũng chỉ khoảng 4-5 em/bản. Hơn nữa, lứa tuổi của chúng lại khác nhau, vì vậy ngành giáo dục không thể thành lập các điểm trường. Đó là chưa kể có bản còn cách điểm trường chính đến hơn 20km đường rừng. Vào năm học mới, để con em mình có chỗ ăn ở, học tập, phụ huynh từ các bản làng xa lại cùng nhau ra trung tâm xã dựng lên những ngôi lán tạm bằng tranh tre, nứa lá quanh khuôn viên trường. Rồi họ sắp xếp cho 3-4 học sinh các lứa tuổi khác nhau ở chung. Hàng ngày, trong những ngôi lán tạm bợ ấy, đứa lớn chăm đứa bé. Các em chia nhau từng bát cơm, con cá khô, cọng rau rừng khiến ai chứng kiến cũng phải rưng rưng.

Anh Quý nhớ lại: “Lúc ấy, tôi tự hỏi mình 40 năm qua đã làm được gì cho đời? Kiến thức mình học được cuối cùng có tác dụng gì? Nghĩ thế, cuối cùng tôi đi đến quyết định, mình phải vượt khỏi vùng an toàn của bản thân để làm một cái gì đó. Thứ đầu tiên tôi nảy ra trong đầu là sẽ xây trường học bởi người dân ở đây nghèo quá. Họ thiếu tất cả mọi thứ từ giáo dục, y tế, đường sá, nhà ở, cơm ăn, áo mặc… Lũ trẻ cần một ngôi trường đàng hoàng để yên tâm học tập. Chỉ có học thì các em mới trở thành thế hệ tương lai đưa bản làng thoát khỏi đói nghèo”.

Trở về Hà Nội, anh Quý bắt tay vào việc tìm mọi mối quan hệ để vận động, quyên góp với mong muốn có được nguồn kinh phí giúp các em học sinh vùng cao của huyện Mường Lát sớm có chỗ ăn ở, học tập đàng hoàng. Nhưng gần 2 năm trôi qua, số tiền mà anh có được cũng chỉ vỏn vẹn 70 triệu đồng, trong khi để xây dựng công trình ký túc xá cần khoảng 560 triệu đồng. Trong khi đó, những ánh mắt trẻ thơ vùng cao trong veo với sức sống mãnh liệt như cây rừng vẫn ngày ngày ám ảnh anh. Nghĩ mãi, cuối cùng anh Quý quyết định chia sẻ những bài viết, hình ảnh về cuộc sống của các em học sinh nhỏ vùng biên cũng như mong ước của mình trên mạng xã hội. Thật may, những hình ảnh ấy đã chạm tới tấm lòng các nhà hảo tâm. Sau một thời gian ngắn, các Mạnh Thường Quân đã ủng hộ thêm khoảng 400 triệu đồng. Tất tả vay mượn bạn bè thêm 100 triệu đồng nữa, anh Quý vội vã quay lên Mường Lát để xây dựng và cố gắng hoàn thành khu ký túc xá trước mùa mưa. Bản thiết kế công trình này do chính anh tự tay vẽ, mọi kế hoạch thi công đều được vạch ra rất chi tiết.

Với anh, những ngày lăn lộn ở ngôi trường ấy vẫn đầy ắp kỷ niệm. Điều đặc biệt nhất trong hành trình biến những túp lều bán trú tạm bợ thành một khu ký túc xá và điểm trường kiên cố chính là sự tham gia tích cực của người dân địa phương và các thầy cô giáo. Xây nhà trên núi việc gì cũng khó. Những con dốc quanh co gần như dựng đứng, để vận chuyển vật liệu, xây móng, đổ nền là cả một nỗ lực không mệt mỏi. Không chỉ cha mẹ học sinh, các thầy cô, mà ngay cả những người dân không có con em học tập ở đây cũng chung tay góp sức cùng anh chuyển từng bao xi măng hay xẻng cát. Nhìn họ vượt qua những con dốc đến toát mồ hôi hột mà ai cũng cười tươi rói khiến anh xúc động. Hơn 2 năm để huy động nguồn kinh phí nhưng chỉ chưa đầy 3 tháng sau khởi công, 5 phòng ký túc xá, bảo đảm chỗ sinh hoạt cho 200 học sinh được chàng kỹ sư đến từ Hà Nội bàn giao cho nhà trường đưa vào sử dụng….

“Xây xong, tiền ủng hộ vẫn còn dư, tôi xây thêm luôn cái thứ 2, thứ 3 cho các em. Đến tận bây giờ nghĩ lại, 5 năm với hành trình tìm đến hơn 100 điểm trường khắp cả nước là một khó khăn không hề nhỏ. Nhưng tôi không thấy khổ mà chỉ cảm thấy vui và hạnh phúc. Những căn nhà bê tông mái ngói đỏ tươi chính là dấu hiệu của sự đổi thay, của tương lai và một hy vọng” - anh Quý chia sẻ.

Cho tương lai ngày mai

Trong suốt 7 năm gắn bó với công việc xây dựng trường lớp cho các em nhỏ, trừ quãng thời gian làm các phần việc cá nhân thì anh Quý đã bỏ ra mất 5 năm rong ruổi chỉ để đến các điểm trường và bản làng vùng cao xa hút. Nếu chi li, số km anh đi đã lên tới con số hàng trăm nghìn. Riêng ở huyện Yên Minh (Hà Giang), chính tay anh đã quyên góp gọi kinh phí, chỉ huy thi công, bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng 17 điểm trường. Tất cả công trình do anh Quý khảo sát, kêu gọi, thi công đều rất đẹp và kiên cố. “Tôi nhớ từng khúc đèo, từng con dốc, từng khung cửa số, từng chiếc mái đầu hồi… Chẳng biết từ lúc tất cả những thứ đó đã trở nên thân thương và đẹp đến lạ kỳ” - anh Quý bồi hồi.

Chưa đứng trên bục giảng ngày nào, nhưng các em nhỏ vùng cao luôn ríu rít gọi “thầy Quý” mỗi khi thấy anh đến trường. Bao nhiêu điểm trường được xây là bấy nhiêu kỷ niệm đầy vương vấn. Cứ khoảng 1 - 2 ngày ở điểm trường này, anh lại di chuyển tới điểm trường khác. Anh Quý bảo: “Tôi về thăm nhà rất ít, một năm chỉ độ 5 - 7 lượt. Thật may mắn khi tôi có một sức khỏe tốt. Nó giúp tôi tiếp tục bước về phía trước trên những cung đường toàn mây trắng, nơi mà nụ cười trẻ thơ là liều thuốc tốt nhất cho chúng ta”.

Anh Quý tâm sự, làm công tác từ thiện không bao giờ là điều dễ dàng. Hơn 100 điểm trường đã xây dựng cũng tương đương với số tiền hàng chục tỷ đồng quyên góp từ rất nhiều Mạnh Thường Quân. Nhưng chưa có ai từng nghi ngờ anh. “Một trong những lý do người ta tin tưởng giao tiền cho tôi là vì tôi luôn công khai mọi khoản chi phí. Với mỗi dự án, tôi đều có một bảng tính kê khai mọi hạng mục chi tiết, công khai trên trang cá nhân của mình. Thậm chí đến 5 năm sau, nếu có ai hỏi, tôi vẫn sẽ trả lời số tiền ấy được tiêu vào đâu, nhằm mục đích gì. 5 năm nhìn lại, có biết bao người đã giúp đỡ, biết bao nhà hảo tâm đã tin yêu và ủng hộ dù chưa một lần gặp mặt. Đó là một tài sản vô giá, là “món nợ” ân nghĩa của cuộc đời” - anh Quý nói.

Khi tôi viết bài báo này, anh Quý đã lại lên đường cùng những người bạn để gom góp những thảo thơm, tình người rồi mang tới những nơi khó khăn, xa xôi nhất. Nơi đó, anh và bạn bè sẽ dựng nên những ngôi trường mới giúp các em nhỏ giữ lấy con chữ, nắm chắc tương lai.

Trong suốt 7 năm gắn bó với công việc xây dựng trường lớp cho các em nhỏ, trừ quãng thời gian làm các phần việc cá nhân thì anh Quý đã bỏ ra mất 5 năm rong ruổi chỉ để đến các điểm trường và bản làng vùng cao xa hút. Tất cả công trình do anh Quý khảo sát, kêu gọi, thi công đều rất đẹp và kiên cố. “Tôi nhớ từng khúc đèo, từng con dốc, từng khung cửa số, từng chiếc mái đầu hồi… Chẳng biết từ lúc tất cả những thứ đó đã trở nên thân thương và đẹp đến lạ kỳ” - anh Quý bồi hồi.

Bảo Ngọc

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/ky-su-xay-truong-tren-nhung-cung-duong-may-trang-gieo-nu-cuoi-tre-tho/818491.antd