Kỳ 6: Đến thành Bern, hãy nói: Cứ từ từ!

Bàn đến cái triết lý sống 'Chầm chậm thôi cưng', người Việt bảo: 'Cứ từ từ!', người Thái thì 'Chai zen zen!', còn người Thụy Sĩ sẽ là: 'Entschleunigung'. Và Bern - Thủ đô của Thụy Sĩ sẽ là nơi hoàn hảo để… 'Entschleunigung' cùng người bản địa.

Để tả về Bern, chỉ cần ngắn gọn “quá xá đẹp”, cái “dã man” và “gian ác” của sự đẹp ở Bern, ấy là đẹp từ viên đá lót đường lên tận tới mái ngói - dường như vẫn chưa đủ thỏa - Bern còn đẹp cả dưới những tầng hầm. Bern đẹp thế, nên người Thụy Sĩ hẳn có cái lý - cái quyền khi tung hê khẩu ngữ “Entschleunigung” để sống và cảm nhận về Bern. Ngay đến cả vĩ nhân của nền văn chương thế giới Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) cũng đã phải “càm ràm” về Bern - trong thư gửi người bạn thân Charlotte von Stein - khi ông đến ngoạn cảnh nơi này năm 1779, rằng: “Đây là nơi đẹp nhất tôi từng thấy”.

Từng góc nhỏ ở Bern đều là nơi để người ta thư giãn, sống chậm

Vẻ đẹp của Bern tôi cảm nhận từ ngay phút giây chạm mặt, lại không phải là phố xá của một đô thị nguyên vẹn thời Trung Cổ với tuổi đời hơn 800 năm, mà từ nét gợi cảm một cô gái. Nàng đeo mặt nạ ngầu đời, diện trang phục cực… mát, thân hình săn chắc, ngồi vắt vẻo nơi vỉa hè ngay tháp đồng hồ thiên văn Zytglogge.

Tháp đồng hồ Zytglogge nhìn từ đường Kramgasee

Đang tơ vương cô gái xinh trước mắt, tôi bỗng giựt mình bởi tiếng gà gáy trên tháp đồng hồ, rồi tiếng chuông dồn dập, ngân vang, cùng hình ảnh chuyển động các hình tượng gà, ngựa, gấu, chiến binh… khiến tôi cùng hàng trăm lữ khách có mặt lúc ấy mải ngước nhìn. Hóa ra đã 12 giờ trưa, cũng là lúc chiếc đồng hồ thiên văn làm nhiệm vụ không biết chán là điểm báo thời gian một cách chính xác, đúng thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ, với cỗ máy kỷ lục tuổi thọ vận hành khi đã qua 8 thế kỷ vẫn chạy tốt.

Mải ngắm Zytglogge báo giờ, quên khuấy đi người đẹp. Khi màn báo giờ của đồng hồ kết thúc, cô em xinh đẹp ban nãy hóa ra là nhân vật trong hoạt cảnh lịch sử tháp đồng hồ, đưa tôi ngược dòng thời gian về quá khứ thành Bern bằng màn trình diễn thú vị.

Qua hoạt cảnh, chuyện tháp đồng hồ Zytglogge không đơn giản là cái đồng hồ. Cô gái xinh đẹp, ăn mặc mát mẻ kia là diễn viên trong vai một ả gái điếm. Câu chuyện xưa của tháp Zytglogge mở ra. Tòa kiến trúc này xây nên trong giai đoạn 1218 - 1220, công năng là tháp canh, phòng vệ cho Bern, qua sự “nở nồi”, mở diện tích về hướng Tây của Bern, những tháp canh khác gồm Käfigturm (xây nên từ 1270 - 1275), tiếp đến là Christoffelturm (1344 - 1346) lần lượt thay thế vai trò của Zytglogge, khiến tòa tháp chuyển đổi công năng thành… nhà tù, dành riêng cho các ả gái điếm bày trò dụ dỗ, hủ hóa các ông thầy tu bị phát hiện, sẽ được đưa về Zytglogge bóc lịch.

Không rõ trang phục xưa kia của kỹ nữ thành Bern có “mát” như cô nàng trong hoạt cảnh hay không? Chứ nếu cứ đúng chóc hình ảnh thế, thầy tu thật khó mà trọn đạo, còn tương lai nghề của nàng vào Zytglogge “an dưỡng” là cái chắc.

Nữ nghệ sĩ trong cổ trang mát mẻ dưới chân tháp đồng hồ trước giờ diễn hoạt cảnh thành Bern xưa

Rời khỏi Zytglogge, ngó đồng hồ, tôi bắt đầu ngộ dần ra triết lý sống chầm chậm “Entschleunigung”. Tôi đi tiếp vào “miền di sản” ở Bern, bởi cổ thành này được công nhận là Di sản Thế giới từ 1983. Con đường mua sắm Kramgasee nối từ tháp đồng hồ hướng ra dòng Aare, với mặt tiền vòm cong, đậm phong cách kiến trúc Baroque, trên đó là ngập tràn hàng quán, thương hiệu thời trang, được mệnh danh là con đường mua sắm dài nhất Châu Âu với độ dài tổng thể áng chừng lên đến 6km. Điểm đặc biệt ở con đường là tầng hầm từng tòa nhà được tận dụng thành các quán cà phê ấm cúng, các tiệm sách danh tiếng. Chỉ bước qua cánh cửa gỗ dẫn lối vào tầng hầm trông giản đơn, cả một thế giới khác biệt mở ra, thanh vắng, yên tĩnh, khác biệt hẳn những náo nhiệt bên ngoài.

Dòng nước trên sông Aare cũng là một di sản của Bern, không chỉ đẹp mà còn bởi độ tinh khiết có thể uống được trực tiếp

Du khách nơi thiên đường mua sắm dài nhất Châu Âu trên Kramgasee ở thành Bern

Lối vào một quán cà phê dưới tầng hầm phố mua sắm Kramgasee

Ngoài chuyện mua sắm, Kramgasee còn sở hữu một điểm đến đặc biệt ở số 49 - ngôi nhà của thiên tài Albert Einstein, nơi ông cư ngụ từ 1903 - 1905, cũng là nơi Einstein cho ra đời 32 công trình khoa học, nổi bật trong đó có thuyết Tương đối (công bố 1916).

Ngôi nhà xưa nơi Einstein cư ngụ, giờ thành một bảo tàng nhỏ có tên Einsteinhaus, rộng cửa đón khách tham quan. Tầng hầm của tòa nhà, cũng được tận dụng trở thành quán cà phê Einstein để lữ khách tha hồ nghiền ngẫm sự đời trong lúc mỏi gối dừng chân nghỉ. Nếu là tín đồ bia bọt, nơi đây cũng có bia mang tên Einstein để lữ khách nếm trải mùi vị độc đáo kèm chút tưởng bở biết đâu mình sẽ thành… thiên tài sau khi uống thứ bia bác học này.

Trở lại phố xá, trong số những kiến trúc công cộng ở Bern, có Berner Münster (Nhà thờ chính tòa Bern) hấp dẫn tôi hơn cả bởi đây là công trình kiến trúc Gothic đẹp nhất Thụy Sĩ, xây nên từ 1421, có điểm nhấn nổi bật là tháp chuông cao đến 100,6m, với chiếc đại hồng chung nặng hơn 10 tấn - đúc từ 1611. Thêm chi tiết khiến tôi ấn tượng ở công trình này, ấy là phần trang trí mặt tiền mang tích truyện “ngày phán xét” nơi cổng chính. Mảng điêu khắc cùng kỹ thuật chạm trổ tài tình trên nền đá, tạo nên một tác phẩm gồm 170 bức tượng liên hoàn, phân chia thiên đàng - hỏa ngục một cách rõ nét. Tác phẩm này là một trong số rất hiếm hoi hiện vật lưu dấu nhà điêu khắc lừng danh Erhard Küng.

Mảng điêu khắc thiên đàng - địa ngục trong tích truyện Công giáo: Ngày phán xét của điêu khắc gia Erhard Küng

Len lỏi trong phố xá cổ kính của Bern để tận hưởng vẻ đẹp nguyên thủy từ những viên đá lót đường, đến các tòa nhà, con đường, được quy hoạch một cách chuẩn mực, đẹp hoàn hảo. Tìm hiểu lại lịch sử phát triển của thành cổ này, hóa ra ban đầu hình thành Bern không đẹp đến thế, chỉ là những ngôi nhà gỗ đan díu nhau, nhưng rồi một trận hỏa hoạn khủng khiếp xảy đến 1405, thiêu rụi hầu hết kiến trúc bằng gỗ. Công cuộc tái thiết được bắt đầu, dân thành Bern không dựng nhà bằng gỗ nữa, thay vào đó là dùng đá sa thạch địa phương làm chất liệu chính, tạo nên các kiến trúc nhà ở, mái ngói đỏ thâm trầm, đẹp bền vững.

Các nhà hoạch định kiến trúc của Bern khi ấy thật có tầm và có tâm, khi tạo nên một quy hoạch đồng bộ, hài hòa, xây dựng và kiến thiết cho tương lai chứ không đua theo lợi nhuận nhất thời mà nay lắm chủ đầu tư và công trình sư tham lam làm quy hoạch đểu. Nhờ vậy, Bern xứng đáng được công nhận là một thành cổ bậc nhất của Châu Âu về vẻ đẹp hiện trạng cũng như tính khoa học và giá trị kiến trúc nguyên vẹn thời Trung Cổ.

Quy hoạch khoa học và kiến trúc đồng bộ khiến Bern xứng đáng là thành cổ đẹp nhất Châu Âu

Tên gọi của Bern, nghĩa là “gấu”, thế nên không khó để thấy hình ảnh gấu ở khắp nơi, trên lá cờ, trên huy hiệu, trên tháp đồng hồ, đồ lưu niệm.... Thong dong phố cổ Bern, tôi lại có thêm cơ hội khám phá câu chuyện ra đời của tên gọi Bern từ một đài phun nước trên Kramgasee. Đài nước có tên khá loằng ngoằng và khó nhớ là Zahringerbrunnen, xây nên từ 1535 ghi dấu người lập ra thành Bern là Berchtold V, công tước xứ Zähringen.

Lịch sử kể lại trong chuyến Berchtold đi săn bên dòng Aare, ông hạ được một con gấu và lấy luôn tên gấu để đặt cho Bern như hiện thời. Từ phố cổ đi tiếp đến bờ sông, đứng trên cây cầu thế kỷ Nydegg bắc ngang dòng Aare, tôi gặp được biểu tượng của Bern là những chú gấu khổng lồ, tự do tung tăng trong công viên dành riêng cho gấu có từ thế kỷ 16.

Nghệ sĩ đường phố biểu diễn trong phố cổ Bern

Công viên gấu bên dòng sông Aare rộng đến 6.000 mét vuông

Lang thang ở Bern, một trong những cái thú tôi ưa thích, ấy là băng qua dòng Aare, từ công viên gấu thẳng hướng lên đỉnh đồi đối diện thành cổ. Đây là nơi tuyệt nhất để ngắm nhìn dung nhan của Bern diễm lệ bên dòng sông Aare. Không khó để nhận ra tháp chuông của Münster, nhà Liên bang, Ngân hàng Thụy Sĩ… đặc biệt là những ngôi nhà mái ngói đã ngả màu thời gian, chen hòa vào nhau, tạo nên một miền Di sản cổ xưa, đẹp dịu dàng nhưng cũng đầy hiện đại.

Chia tay Bern với vẻ đẹp của ngày dài, tôi hẹn Bern ở một buổi tối thật lãng mạn nơi hầm rượu vang khổng lồ, đẹp và quyến rũ bậc nhất trời Âu để cùng say với Bern bởi câu nói bất hủ: “Venice ở trên nước còn Bern ở trên… rượu”.

THIÊN AN

Kỳ tới: Xuống hầm, thăm chợ rượu, say vang ở Bern

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/ky-6-den-thanh-bern-hay-noi-cu-tu-tu-18034.html