Ký sự pháp đình: Ai người 'gánh mẹ' một lần...!

Nhiều được lực lượng dẫn giải tháo chiếc còng tay vướng víu, ánh mắt hiện nhiều tia máu đỏ chừng như chực khóc.

Hắn chỉ ngoái đầu nhìn qua một lượt rất nhanh, tuyệt nhiên điểm nhìn không dừng lại lâu, rồi quay lại vị trí ban đầu. Điều này khiến bà Hay - mẹ của hắn ngồi phía dưới cứ tấm tức khóc không ngừng...

Không nói thì Nhiều cũng biết thời điểm bây giờ là Tháng 7-Mùa Vu Lan. Nhiều thiệt thòi sinh ra không biết cha là ai, nhà chỉ có mỗi mẹ với hắn. Hắn đã từng cùng mẹ đến chùa trong ngày Vu Lan, còn được cài bông hồng đỏ trên ngực ghi dấu hắn còn mẹ. “Lớn lên nhất định sẽ không làm mẹ buồn, nhất định sẽ có hiếu với mẹ”, hắn đã từng dụi đầu vào ngực mẹ mà thốt lên những lời từ tâm như thế. Nhưng nay thì sao? Vu Lan, Nhiều đã khiến mẹ cạn khô nước mắt, không chỉ năm này mà còn những năm khác nữa.

Người đàn ông... “hoàn cảnh”

Nguyễn Văn Nhiều (SN 1986, trú P.Hòa An, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là hy vọng, là nguồn sống của bà Nguyễn Thị Hay. Xuất thân từ cảnh nghèo, bà không lập thất mà chấp nhận “tự túc” rồi sinh ra Nhiều với mong muốn có chỗ dựa khi về già. Bà hơn ai hết hiểu rằng làm mẹ đơn thân chưa bao giờ là điều dễ dàng nhưng bà vẫn lựa chọn. Bà thương Nhiều bằng hết những gì của một người mẹ có, bà chấp nhận vất vả chỉ mong Nhiều không quá thua thiệt so với đám bạn cùng trang lứa.

So với kỳ vọng của bà thì Nhiều có lẽ lại làm điều ngược lại. Học đến lớp 5, Nhiều một hai dừng lại. Chẳng phải bà Hay nghèo đến nỗi không đủ tiền cho Nhiều đến lớp mà bởi trong đầu Nhiều cái chữ con số đều vô nghĩa. Bà Hay bất lực nhìn con, tự trấn an “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Cuộc sống chật vật với người phụ nữ đơn thân, chẳng mấy chốc tuổi xuân đã không còn, bà chỉ còn trông chờ vào đứa con trai đang tuổi lớn.

Bà Nguyễn Thị Hay bất khóc khi nói về Nhiều

Bà Nguyễn Thị Hay bất khóc khi nói về Nhiều

Nhiều làm cha khi tuổi còn rất trẻ. Có điều, Hắn đến với người ta chẳng có sự ràng buộc nào về mặt pháp lý. Sinh con nhưng Nhiều vẫn giữ cách sống kiểu “trẻ trâu”, vô ăn vô lo, không hề có chút nào trách nhiệm. Người phụ nữ ấy ôm còn, rời bỏ hắn. Nhiều được thể lấy cớ để... buồn. Hắn chơi, hắn tìm đến rượu và đàn đúm tụ tập, rồi hắn tiếp tục có thêm hai đứa con với người phụ nữ thứ hai. Vẫn cũng chính là kiểu “đến với nhau chẳng ràng buộc gì”. Nhưng thực tình, đối với “cuộc hôn nhân” thứ hai này mà nói cả hắn và bà Hay đều ngập trong nước mắt.

Người phụ nữ thứ hai đến với Nhiều, sinh cho Nhiều hai đứa con trai. Kể ra nếu hắn biết tu chí làm ăn thì đã là chuyện tốt. Nhiều vẫn chứng nào tật ấy, vẫn chẳng có chút trách nhiệm của người cha cả về vật chất lẫn tinh thần. Đứa con trai thứ hai của Nhiều ra đời không may mắc chứng bại não, đứa trẻ đáng thương mới được 20 ngày tuổi... người đàn bà ấy cũng đã không chần chừ bỏ hắn, bỏ luôn hai đứa con không lời từ biệt. Hắn lại bạt mạng lao vào những cuộc chơi thâu đêm. Hắn coi như không có sự tồn tại của hai đứa nhỏ, tất cả phó mặc cho bà Hay “muốn làm gì thì làm”. Rồi đời hắn lại tiếp tục có phụ nữ, lần này có hôn thú đàng hoàng. Hắn lại có thêm hai đứa con với người phụ nữ thứ ba này.

Hắn có bến đỗ, tất nhiên bà Hay là người mừng nhất. Thôi thì “quá tam ba bận”, có lẽ lần này con bà đã thay đổi, thực sự thay đổi, bà đã vui mừng khi nghĩ như thế. Hai đứa con của người phụ nữa thứ hai, hai đứa con của vợ hiện tại thực sự khiến đôi vai của hắn nặng thêm mười phần. Tiền làm thì ít, tiền cần phải dùng đến thì nhiều làm cho vợ chồng hắn thường xuyên “cơm không lành canh không ngọt”. Hắn biết cuộc sống chẳng dễ dàng nhưng quyết tâm cố gắng, vậy nhưng trong khi hắn quần quật kiếm tiền thì vợ hắn lại “theo trai”. Hắn vì uất mà một lần nữa buông thả!

Hắn tìm đến game để quên đi sự thật mình bị vợ “cắm sừng”. Hắn bắt đầu đi ăn trộm để có tiền chơi game... cứ như vậy chính hắn đã khiến cuộc đời của mình thành bi kịch. Thực hiện liên tục 8 vụ trộm xe máy với tổng trị giá hơn 120 triệu đồng, Nhiều nhận mức án 5 năm tù.

Nguyễn Văn Nhiều

Mặn đắng mùa Vu Lan...

Bà Hay từ khi phiên tòa chưa bắt đầu đôi mắt đã đỏ hoe, sưng húp. Bà nhìn lên hắn rồi lại cứ thế mà bật lên tiếng khóc tức tưởi. Nếu đem nỗi khổ của bà để so sánh, bà e không lấy gì làm tương xứng.

Người phụ nữ bỏ lại cho hắn hai đứa con nhỏ, một trong hai đứa ấy tật nguyền, nói đúng ra là bỏ lại cho bà. 20 ngày tuổi đứa trẻ khát sữa, thiếu hơi mẹ tưởng đã mấy bận chết đi. Nuốt nước mắt vào trong, bà đành phải gửi đứa lớn vào trại trẻ mồ côi để có thời gian chăm đứa tật nguyền. Cháu bà, ba tháng không lẫy, bẩy tháng không bò, chín tháng không lò dò tập đi... như những đứa trẻ khác. Cứ nhìn đến cháu, lòng bà thắt lại, tim lại như có ai đó đâm ngàn mũi dao. “Để có tiền nuôi cháu, tôi phải đi nhặt, thu mua ve chai. Nay cháu 10 tuổi nhưng vẫn chưa tự đi, chưa tự ăn cơm và cũng chưa nói được. Cha hắn cũng vì hận vợ ngoại tình mà rước họa vô thân. Giờ hắn đi tù, bà cháu tui biết sống răng. Có hắn dù răng cũng có chút tinh thần. Tui chỉ sợ, không còn nhiều sức khỏe để lo cho thằng nhỏ, không có tui ai lo cho hắn đây...”, nói đến đấy bà Hay bật khóc nức nở.

Bà tâm sự, bao nhiêu năm trôi qua bà chưa một lần ân hận bất cứ điều gì khi quyết định làm mẹ đơn thân nuôi Nhiều khôn lớn. Bà cũng vì con mặc kệ những ánh mắt dè bỉu, bỉ bôi của thiên hạ. Suốt những tháng ngày nuôi con bà cứ lầm lũi kiếm tiền mưu sinh, thậm chí còn chẳng có thời gian để nghĩ đến nỗi buồn. Vậy nhưng khi Nhiều lớn lại khác. Nhiều càng lớn, nỗi buồn của bà cũng vì thế nhân lên. Phải chứng kiến đứa con đứt ruột đẻ ra cứ ương bướng bất tuân, đôi khi sự chịu đựng của bà đã vượt ngưỡng. Bà đã nghĩ đến hai chữ “buông tay”, muốn phá vỡ mọi giới hạn để trút đi hết sự bực tức trong người... nhưng bà đã không làm được. Bây giờ bà không còn sống vì bà, vì Nhiều mà bà đang sống vì đứa trẻ đáng thương kia.

Bà Hay tất tưởi dắt cháu sợ không kịp nhìn Nhiều trước khi hắn đi

Người làm mẹ như bà, những tưởng hôm nay đem theo hai chứa cháu tội nghiệp đến tòa để bà được nhìn con, cháu được nhìn cha, chí ít cũng có thể tìm được một chút an ủi. Nhưng cái giây phút hắn đi ngang qua, ánh mắt hắn chỉ quét vội qua bà và hai đứa nhỏ, bà biết “một chút an ủi” đó là một mong ước quá cao xa. Nhìn hắn, rồi nhìn lại đứa trẻ “oằn oại”, đôi mắt ngô nghê đang dựa hẳn trong lòng bà, thực quá đau lòng!

Đáng lý ở tuổi này bà được sống những ngày vui vẻ bên con cháu nhưng nhìn lại bà chẳng có gì ngoài khổ đau. Hết vì con lại đến vì cháu chẳng biết nỗi khổ cực ấy bao giờ mới dừng lại, thực chẳng một chút công bằng. Thấy nhà người con cháu tận tâm cung chúc cha mẹ mùa Vu Lan, nhìn lại mình bà thêm cám cảnh mà tủi thân. Bà cũng chẳng cầu Nhiều vì Vu Lan mà báo hiếu, bà chỉ mong hắn biết đứng dậy làm lại cuộc đời, quay về nẽo thiện vì hai đứa trẻ.

Phiên tòa kết thúc. Vẫn là ánh mắt chạy trốn, Nhiều nhanh chóng đứng dậy tra tay vào còng bước ra xe bịt bùng. Tận đáy lòng bà Hay lần nữa dâng lên một cõi đớn đau. Bà loạng choạng, hối thằng lớn, tay dắt đứa nhỏ tất tưởi theo ra để kịp nhìn Nhiều trước khi hắn lên xe. Chiếc xe bịt bùng nhanh chóng lướt đi. Trên sân tòa, bóng ba bà cháu in đậm vào nhau, ảm đạm.

Giữa cái nắng chói chang khô khốc, lời bài hát “Cho con gánh mẹ một lần, cả đời mẹ đã tảo tần gánh con... Mẹ già lá sắp xa cây, lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao? Cho con gánh lại mẹ già, để sau người gánh chính là con con...” vọng lại khiến lòng bà quặn thắt. Vu Lan năm nay bà lại thêm nỗi đau... một mình!

Trang Trần

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/ky-su-phap-dinh-ai-nguoi-ganh-me-mot-lan-23320.html