'Kỹ sư ong' nơi cửa biển Lạch Sung

Ở tuổi 27, thanh niên Nguyễn Văn Đủ, ở xã Nga Thủy (Nga Sơn) - hội viên Hội Nuôi ong Việt Nam, là 'ông chủ' của hơn 400 đàn ong mật. Không những làm giàu trên mảnh đất quê hương, chàng cử nhân tốt nghiệp đại học Vinh năm nào còn là đầu tàu trong chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người nuôi ong trong và ngoài huyện.

“Kỹ sư” nuôi ong Nguyễn Văn Đủ thường xuyên đi tư vấn kỹ thuật cho người nuôi ong trong và ngoài huyện Nga Sơn.

Một ngày với Nguyễn Văn Đủ khá bận rộn, anh phải phân lịch làm việc để đến với các đàn ong của mình đặt ở 4 xã trong huyện Nga Sơn là Nga Thủy, Nga Tân, Nga Thạch và Nga Phượng. Nào kiểm tra, chia tách đàn, quay mật đến những việc tỉ mỉ như tạo nhũ ong chúa, vệ sinh tổ để tránh bệnh tật cho ong. Ngoài ra, anh Đủ còn bố trí thời gian đi đến các mô hình nuôi ong trong và ngoài huyện để hỗ trợ kỹ thuật, những mong đưa con ong thành “công cụ” làm giàu cho nhiều người dân. Với anh, phải kêu gọi hình thành được các hội nuôi ong đủ thành viên để hỗ trợ nhau, thì nghề nuôi ong địa phương mới phát triển bền vững được.

Vốn tính ham học hỏi, ngoài đúc kết kinh nghiệm qua thực tế, chàng thanh niên sinh năm 1994 còn tìm tòi kiến thức về nuôi ong trên mạng internet, mua nhiều sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong để nghiên cứu. Những kiến thức còn băn khoăn, anh không ngại trao đổi online với các chuyên gia hàng đầu cả nước, những người nuôi ong nhiều năm đang cùng sinh hoạt trên diễn đàn của Hội Nuôi ong Việt Nam. Gặp gỡ chúng tôi, Đủ đều say sưa nói về ong với những câu chuyện như kéo dài bất tận. Anh còn nắm rõ, ong thợ có tuổi đời từ 30 đến 35 ngày; vào mùa mật, ong có tuổi thọ ngắn hơn vì cường độ làm việc nhiều; một ong chúa có thể sinh sản từ 300 đến 500 trứng mỗi đêm...

Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng kiến thức về ong lại khá uyên thâm nên anh Đủ được những người nuôi ong trong và ngoài huyện tín nhiệm, thường xuyên mời đến để kiểm tra, tư vấn thêm những kiến thức liên quan. Khi chiếm lĩnh được càng nhiều tri thức khoa học, cộng với tiềm năng phát triển nghề của địa phương, anh đã chủ động chia tách phát triển đàn và trở thành người có tổng đàn ong lớn nhất tại huyện ven biển Nga Sơn đến thời điểm hiện tại. Ông Mai Văn Công, Bí thư Đảng ủy xã Nga Thủy, cho biết: Tận dụng lợi thế của khu rừng ngập mặn, với diện tích 347 ha cây bần chua, sú, vẹt nở hoa nhiều tháng trong năm và khu đất nuôi trồng thủy sản nước lợ kết hợp trang trại tổng hợp hàng trăm héc–ta nên ít năm gần đây, nghề nuôi ong mật ở địa phương phát triển mạnh. Nhiều gia đình trong xã như hộ gia đình các ông: Nguyễn Văn Tái, Trần Thông Độ, Trịnh Thanh Khiết, Nguyễn Viết Trung... đều phát triển được hàng chục đàn ong. Đặc biệt, thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Văn Đủ, ở thôn Hoàng Long hiện đã trở thành điển hình phát triển kinh tế ở xã, với hoạt động nuôi ong và phát triển thị trường cho sản phẩm mật ong địa phương.

Trung bình mỗi đàn ong “sản xuất” khoảng 15 lít mật nên hằng năm anh Đủ thu hoạch hàng nghìn lít mật ngọt từ đó cho doanh thu tiền tỷ. Điều đáng nói, anh Đủ còn “chiếm lĩnh” được các cách để đàn ong cho nhiều mật hơn bình thường. Đầu tiên, là bắt ong tướng nhốt vào ống chóc – một loại rọ lưới nhốt ong để tránh đẻ trứng, khi ấy các nhũ sẽ trống nhộng để nhường cho ong thợ làm mật. Cách khác là, tạo nhũ để sinh ong chúa trẻ, sau đó bỏ chúa già, bởi giai đoạn khoảng 10 ngày phát triển đầu tiên, ong chúa trẻ chưa đẻ trứng sẽ dành được nhiều ô nhũ cho sản xuất mật. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, sau khoảng 5 tháng mùa hè khi khu rừng ngập mặn địa phương hết mùa hoa, anh lại hợp tác để mang đàn ong đi gửi các vườn nhãn, vườn vải nhằm tận dụng nguồn phấn hoa ở các huyện miền núi trong tỉnh và tỉnh ngoài. Ngoài tiền bán mật ong, kỹ thuật chia tách đàn để bán ong giống cũng mang lại nguồn thu không nhỏ. Anh Đủ đã làm chủ được “công nghệ” tạo nhũ phôi ong chúa và kích thích ong chúa sinh ra trứng chúa mới để tách đàn. Một đàn ong mới với 3 cầu, hiện anh đang bán ra thị trường với giá 1 triệu đồng. “Nếu thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật, một đàn ong có thể tách thành 3 đến 4 đàn mỗi năm. Do quảng bá tốt trên mạng và tham gia Hội Nuôi ong Việt Nam nên ong giống của tôi đã và đang bán ở các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Nam Định, Bình Định, Đà Nẵng, Kiên Giang...” – anh Đủ chia sẻ.

Với những người trong huyện và trong tỉnh mua ong giống của mình để nuôi, anh Đủ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, thăm và tư vấn để mọi người đều phát triển nghề hiệu quả. Nói về cái duyên đến với con ong, chàng trai quê cửa biển Lạch Sung, trải lòng: “Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Khoa Nông – Lâm - Ngư của Trường Đại học Vinh, tôi cũng đã thử bươn chải bằng công việc phát triển thị trường cho loại men thú y. Thấy công việc khó có tính đột phá để làm giàu, tôi quyết tâm về quê nối nghiệp nuôi ong hàng chục năm của bố”. Thế rồi, người cha thấy con ham mê, ngày càng năng động và du nhập nhiều kiến thức mới nên tin tưởng, giao phó cả trăm đàn ong đã gây dựng được của mình. Từ đó, người kỹ sư trẻ không những liên tục gặt hái thành công mà còn thể hiện được thiên hướng phát triển nghề nuôi ong lớn mạnh mà mình đã lựa chọn.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/ky-su-ong-noi-cua-bien-lach-sung/138655.htm