Kỹ sư mỏ đam mê thơ cổ

Người ta thường biết đến ông Vũ Anh Tuấn, kỹ sư mỏ được đào tạo ở Trung Quốc là một trong những người có công lớn xây dựng Công ty Than Uông Bí. Tuy nhiên, ông Tuấn còn là người dày công nghiên cứu văn hóa, có đóng góp to lớn trong việc tìm ra bản chuẩn nhất của bài thơ vua Lê Thánh Tông khắc lên vách núi Truyền Đăng.

Ông Vũ Anh Tuấn (thứ hai, trái sang) thời trẻ. Ảnh tư liệu của gia đình nhân vật.

Ông Vũ Anh Tuấn (thứ hai, trái sang) thời trẻ. Ảnh tư liệu của gia đình nhân vật.

Ông Vũ Anh Tuấn sinh năm 1929, quê quán ở thôn Kinh Nậu, xã Đông Kính, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông từng tốt nghiệp Trường ngữ văn hệ chuyên tu tại Trung Quốc năm 1954, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp tại Trung Quốc năm 1961. Ông thông thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung. Về nước, ông Tuấn kinh qua nhiều vị trí như Trưởng Phòng Kỹ thuật mỏ Công ty Xây dựng Mỏ than (tiền thân là Công ty Xây dựng Than - Điện), Phó Giám đốc Công ty than Uông Bí, quyền Giám đốc Mỏ than Mạo Khê. Là lãnh đạo mỏ nhưng mỗi khi cần làm việc với đối tác nước ngoài, ông Tuấn kiêm luôn vai trò phiên dịch.

Ông Vũ Anh Tuấn.

Là người gắn bó với Hạ Long và có vốn tri thức Hán Nôm sâu rộng, ông Tuấn sớm nhận ra bài thơ do vua Lê Thánh Tông khắc trên vách đá bị mờ nhiều chữ không đọc được, dẫn đến tình trạng "tam sao thất bản". Là một người am tường chữ Hán, với tâm huyết và tình yêu dành cho vùng đất Hạ long, ông đã miệt mài nghiên cứu và tìm ra nguyên tác chuẩn xác nhất của bài thơ vua Lê Thánh Tông đề trên vách núi Truyền Đăng. Từ đó, cuốn sách “Đâu là nguyên tác bài thơ Lê Thánh Tông khắc trên vách núi Truyền Đăng Quảng Ninh, năm 1468” ra đời. Sách do Nhà xuất bản Văn học tái bản lần thứ 2, năm 2013. Đây là công trình nghiên cứu công phu của ông trong hơn 20 năm.

Với vốn sống phong phú và niềm say mê, ông Vũ Anh Tuấn đã nghiên cứu tìm ra nguyên tác chuẩn của bài thơ trên. Ông kể: "Tôi dựa vào bản rập bài thơ khắc trên vách đá năm 1992 của Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất khi tìm hiểu về nguyên tác bài thơ. Tôi cũng thấy băn khoăn vì có nhiều nhà nghiên cứu có bản rập này nhưng khi khôi phục nguyên tác bài thơ thì vẫn mắc lỗi. Ngay từ năm 1992, tôi bắt đầu viết đăng trên Báo Hạ Long và nhiều báo khác. Sau đó, tôi đã nhiều lần viết thư cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và nhiều cơ quan chuyên môn đề nghị quan tâm và triệt để giải quyết văn bản bài thơ của vua Lê Thánh Tông".

Bài thơ chuẩn xác nhất đã được ông Tuấn tặng lại cho Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhân dịp Liên hoan thơ quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tại Hạ Long năm 2012. Trong bức thư cảm ơn ông Vũ Anh Tuấn, đồng chí Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, viết: “Qua những bình luận, phân tích, tôi có thể cảm nhận được tình cảm đối với quê hương của bác, sự trân trọng lịch sử và cả trăn trở đối với cách tiếp cận những giá trị, những thông tin và gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa của dân tộc”.

Vợ chồng ông Vũ Anh Tuấn và vợ chồng ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh tư liệu của gia đình nhân vật.

Cuốn sách của ông Tuấn xuất bản là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu giảng dạy văn học trung đại, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Về cuốn sách này, ông Đoàn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, nhận xét: Có đọc cuốn sách “Đâu là nguyên tác bài thơ Lê Thánh Tông khắc trên vách núi Truyền Đăng Quảng Ninh, năm 1468” mới thấm thía công lao động nhiều năm của bác Tuấn, một người yêu lịch sử, yêu thơ, yêu quê hương đất Việt dồi dào”.

Sau thời gian công tác ở Mạo Khê, Uông Bí, ông Tuấn nghỉ hưu chuyển về thành phố Hạ Long sinh sống. Đam mê thơ cổ, ông Tuấn còn tham gia Câu lạc bộ thơ Đường luật Hạ Long và là một trong những thành viên sáng tác rất tích cực. Hiện nay, ông đã chuyển về Hà Nội an dưỡng tuổi già bên con cháu.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202003/ky-su-mo-dam-me-tho-co-2472978/