'Kỹ sư Mao' của đồng bào Khơ Mú

Đến với bà con đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), hỏi về Đội trưởng Lê Sỹ Mao thì từ người già đến trẻ nhỏ đều kể vanh vách về anh.

Bà con quý mến gọi anh là “kỹ sư Mao”, bởi đã 15 năm anh gắn bó với đồng bào dân tộc nơi đây, giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và mô hình kinh tế gia đình hiệu quả. Anh là Trung tá Lê Sỹ Mao, Đội trưởng Đội sản xuất số 1, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 5, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2002, Đoàn KT-QP 5 được thành lập, để xây dựng vùng dự án KT-QP thuộc 5 xã biên giới của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Trung tá Lê Sỹ Mao là người đầu tiên tình nguyện về với bà con dân tộc Khơ Mú ở bản Đoàn Kết. Do nằm tách biệt với các bản khác trên địa bàn xã Tén Tằn, địa hình bao quanh là đồi núi, nên bản Đoàn Kết được ví như "ốc đảo" của huyện vùng cao biên giới Mường Lát. Để đến được nơi đây, phải dùng thuyền nan, bè mảng vượt sông Mã, tiếp đó đường đi lại hết sức khó khăn, vất vả. Với hơn 10km đường biên giới tiếp giáp với huyện Sốp Bâu (Lào), toàn bản có 153 hộ, hơn 700 nhân khẩu với 100% dân số là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Việc sản xuất của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Sản xuất, sinh hoạt của đồng bào đều tự cung tự cấp, gần như “4 không” (không đường, không trường, không trạm, không nước sạch); trình độ dân trí hạn chế; tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất huyện Mường Lát.

Trung tá Lê Sỹ Mao hướng dẫn bà con ở bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa) kỹ thuật trồng nấm linh chi.

Về “cắm bản”, anh Mao đã tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn KT-QP 5, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc nơi đây. Nghĩ và làm, Đội trưởng Mao ngày đêm đến từng nhà, rà từng hộ tìm kế thoát nghèo giúp dân. Đồng bào Khơ Mú nơi đây phần lớn di cư từ Sơn La đến, tập quán canh tác du canh du cư, “chọc lỗ bỏ hạt” vẫn in đậm. Anh thầm nghĩ, để đồng bào tin mình, trước hết mình phải làm mẫu. Vậy là, ngay trong doanh trại của Đội sản xuất số 1, mô hình kinh tế VAC (vườn-ao-chuồng) của Đội trưởng Mao không chỉ là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trong xã, mà còn được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát giới thiệu là mô hình điểm để Ban Quản lý các bản vùng sâu, vùng xa huyện Mường Lát học tập và nhân rộng trên địa bàn....

Tuy nhiên, khi bà con đã làm ra được nông sản, thì việc thông thương với thị trường bên ngoài lại hết sức khó khăn, chủ yếu do giao thông đi lại cách trở. Trăn trở trước những khó khăn của bà con, anh Mao đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp đề xuất tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 5 hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giúp địa phương. Năm 2005, được sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, cây cầu treo bắc qua sông Mã về bản đã “nối nhịp bờ vui”. Tiếp đó, con đường bê tông dài gần 5km cũng hoàn thành, giúp bản Đoàn Kết phá thế “ốc đảo”. Khi đã có cầu, đường thì hệ thống “điện, trường, trạm, nước sạch” cũng từng bước được hoàn thiện...

Năm nay đã hơn 80 tuổi, già làng Lương Xuân Ban là người cao tuổi nhất của bà con Khơ Mú ở bản Đoàn Kết. Với già Ban, bộ đội Đoàn KT-QP 5 như ân nhân của bà con địa phương; giúp làm đường, xây cầu, đưa điện sáng, nước sạch về; xây trường, mở lớp xóa mù chữ... Già làng Lương Xuân Ban chia sẻ: "Mấy năm trước, mình muốn bán một bao gạo, hay một con lợn thì phải chở ra đường cái của xã, hoặc xuống phố huyện. Nhưng giờ khác rồi, người ta vào tận bản để thu mua nông sản của bà con"...

Để hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị được giao, anh Mao phải mày mò, tự học tập, tự nghiên cứu các giống cây, giống con, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, áp dụng phù hợp cho từng mùa vụ; vừa xây dựng mô hình mẫu hiệu quả, vừa phải thuyết trình, hướng dẫn cụ thể, “cầm tay chỉ việc” để bà con hiểu và làm theo. Rồi mỗi lần được nghỉ phép về xuôi, khi lên đơn vị, anh thường mua cả chục cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật về nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm để đọc và làm theo sách tại mô hình của đơn vị trước, khi có hiệu quả thì mời bà con đến “mắt thấy, tai nghe”, tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ từng nhóm hộ... Sau này khi có điện, có ti vi, anh hướng dẫn bà con xem các chương trình khuyến nông, khuyến lâm trên truyền hình, với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả.

Tròn 15 năm Đoàn KT-QP 5 được thành lập, cũng là tròn 15 năm Trung tá Lê Sỹ Mao gắn bó với đồng bào vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Mường Lát. Là sĩ quan chỉ huy-tham mưu, nhưng với đồng bào dân tộc nơi đây, từ lâu anh đã trở thành một “kỹ sư nông, lâm nghiệp” thực thụ.

Giống lúa nguyên chủng DT 52 hạt dài, vừa thơm vừa dẻo, năng suất đạt từ 250 đến 340 kg/sào đã được Đội trưởng Mao giới thiệu, hướng dẫn bà con sản xuất khắp bản Đoàn Kết, thay hoàn hoàn giống lúa bản địa chất lượng gạo và năng suất thấp mà bà con vẫn canh tác lâu nay. Cùng đó, mô hình trồng nấm sò và nấm linh chi (sau 30 ngày chăm sóc, nấm sò giá từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg, nấm linh chi sau 60 ngày cho thu hoạch, giá từ 550.000 đến 600.000 đồng/kg) mà anh giới thiệu, hướng dẫn cho đồng bào, đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở địa phương.

Nếu trước đây, cuộc sống của người dân bản Đoàn Kết chỉ quanh quẩn với cái nương, cái rẫy, cây ngô, cây sắn thì giờ đây bà con đã biết trồng lúa nước hai vụ, trồng nấm cho năng suất cao, các mô hình “vườn-ao-chuồng-rừng", “vườn-ao-chuồng” đã phát triển ở hơn 30% số hộ trong bản. Được Đội trưởng Mao hướng dẫn và giúp đỡ, bà con đã biết tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Anh Lò Văn Pòng, Trưởng bản Đoàn Kết cho biết: "Hơn 5 năm trước, 100% hộ dân trong bản đều thuộc diện hộ nghèo thì hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn 43%. Cả bản Đoàn Kết đã có 800 con trâu, bò, dê và hơn 500 con lợn. Bà con dân bản còn tích cực trồng rừng phát triển kinh tế. Năm 2016, toàn bản trồng được 136ha rừng xoan và lát; đến năm 2017, diện tích rừng trồng mới đã lên đến hơn 200ha... Người dân đã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, làng bản sạch đẹp. Trường tiểu học và trường mầm non cũng được xây dựng ngay trong bản. Vì thế, trẻ em đến tuổi đi học không còn phải đi bộ hơn 10km đường rừng để đến trường như trước nữa...

Già làng Lương Xuân Ban phấn khởi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang vừa được xây dựng. Khi được hỏi về sự giúp đỡ của Đội trưởng Mao, ông chia sẻ: “Bộ đội Mao là ân nhân của bản này đấy, lúc nào cũng gắn bó với bà con. Đồng tiền, bát gạo của dân ở đây đều có công sức đóng góp của anh. Bà con chúng tôi rất tin tưởng. Hết tháng 10-2017, "kỹ sư" Mao về hưu ở dưới xuôi rồi! Bản Khơ Mú nhớ lắm! Tôi đã làm bài thơ rất hay và tình cảm để tặng bộ đội Mao”.

Cuối tháng 10-2017, Trung tá Lê Sỹ Mao nhận quyết định nghỉ chờ hưu sau hơn 30 năm cống hiến trong quân đội, tròn 15 năm bám rừng, bám bản giúp dân xóa đói, giảm nghèo. 15 năm anh luôn chia sẻ, đồng hành với bao khó khăn, vất vả của đồng bào. Anh đến với đồng bào theo phương châm: “Mang đến cho đồng bào những gì bà con đang cần, giúp đồng bào những gì đang thiếu, nói những gì đồng bào chưa hiểu, làm những gì đồng bào chưa biết, coi đồng bào như người thân ruột thịt...”. Đó chính là việc anh đã nỗ lực học tập làm theo gương Bác, với phương châm đến với nhân dân “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Anh thực sự gắn bó mật thiết với nhân dân, gần dân, quan tâm đến đời sống của nhân dân, nắm vững tình hình, hiểu rõ mong muốn, nhu cầu và luôn quan tâm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng đời sống mới của đồng bào dân tộc nơi phên giậu phía Tây tỉnh Thanh Hóa...

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-9-2017-2018/ky-su-mao-cua-dong-bao-kho-mu-523485