Kỹ sư cao đẳng công nghệ thông tin về quê 'lấy nấm nuôi nấm'

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, hệ Cao đẳng (Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP. Hồ Chí Minh) anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1991, thôn Quảng Tân, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) quyết định về quê lập nghiệp, vực dậy và phát triển trang trại trồng nấm tại gia đình.

Gia đình anh vốn trồng nấm nhưng hiệu quả mang lại không cao, điều đó khiến anh luôn trăn trở. Với 2.000 m2 đất trồng nấm sẵn có của gia đình, năm 2012, anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng thêm 1.000 m2trồng các loại nấm sò, linh chi đỏ, mèo, bào ngư xám…

Trang trại trồng nấm linh chi đỏ sắp cho thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Văn Chiến.

Để bảo đảm cho nấm phát triển tốt, anh chọn mùn cưa cao su, đây là loại mùn cưa giàu chất dinh dưỡng, có độ xốp cao. Các loại bịch trồng nấm được anh đặt hàng mua từ Đồng Nai, nơi chuyên sản xuất bịch trồng nấm, bịch dai, ít bị vỡ trong quá trình đóng nguyên liệu. Sau đó, các bịch nguyên liệu sẽ được đưa vào lò hấp thanh trùng ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 4 tiếng trước khi được cấy giống và đưa vào ủ ở môi trường kín gió từ 15 – 20 ngày.

Anh Chiến cho biết, nhằm tiết kiệm chi phí anh đã dùng cách “lấy nấm nuôi nấm”, tức là mỗi mẻ mùn cưa cao su sau khi được dùng để trồng nấm mèo, linh chi sẽ được tận dụng lại để trồng các loại nấm khác như nấm sò, rơm, bào ngư xám.

Với diện tích 3.000 m2 anh đầu tư trồng liên tục 200.000 phôi nấm mèo, 50.000 bịch nấm linh chi đỏ, 20.000 bịch phôi nấm sò, 5.000 bịch phôi nấm bào ngư xám và một số bịch nấm rơm gối vụ quanh năm nên gia đình anh có nấm bán hằng ngày. Trung bình mỗi ngày, gia đình anh đưa ra thị trường huyện 50 – 70 kg nấm sò, nấm rơm…, với giá 15 – 17 nghìn đồng/kg. Riêng nấm linh chi đỏ (350 – 400 nghìn/kg), nấm mèo (20 nghìn/kg) đến mùa thu hoạch, sau khi phơi khô sẽ được thương lái đến tận nhà thu mua, không hề tồn đọng.

Đến nay, anh Chiến đã sở hữu một trang trại nấm khang trang, mỗi năm sau khi trừ tất cả các chi phí gia đình anh thu về hơn 400 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Anh Chiến chia sẻ, trồng nấm mang lại thu nhập cao nên nhiều người trong và ngoài xã đã tìm đến trang trại của anh học hỏi kinh nghiệm để phát triển nghề nấm. Hiện nay, riêng trong thôn Quảng Tân có 5 trang trại nấm được anh chia sẻ kinh nghiệm đã đi vào sản xuất có hiệu quả.

Với những thành công ban đầu, thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trang trại trồng nấm, đầu tư phát triển mạnh hơn nữa nấm mèo và nấm linh chi đỏ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Anh cũng đang bắt đầu triển khai đăng ký VietGAP cho các sản phẩm nấm của gia đình nhằm hướng đến tạo thương hiệu nấm sạch tại địa phương.

Theo Thùy Dung (Báo Đắk Lắk)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/ky-su-cao-dang-cong-nghe-thong-tin-ve-que-lay-nam-nuoi-nam-794279.html