'Ký sinh trùng' - tuyệt phẩm Hàn Quốc hài hước, giật gân và đầy ám ảnh

Tác phẩm mới của đạo diễn Bong Joon-ho mang nặng tính châm biếm, hài hước, nhưng không kém phần kịch tính, bất ngờ. Phim hoàn toàn xứng đáng với giải Cành cọ vàng mới đây.

Trailer bộ phim 'Ký sinh trùng' Bộ phim mới nhất của đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng Bong Joon-ho, với câu chuyện về sự phân hóa giàu-nghèo trong xã hội.

Thể loại: Hài, tâm lý, kịch tính
Đạo diễn: Bong Joon-ho
Diễn viên chính: Song Kang-ho, Jang Hye-jin, Choi Woo-sik, Park So-dam, Lee Sun-kyun, Jo Yeo-jung
Zing.vn đánh giá: 9/10

Parasite là bộ phim Hàn Quốc thắng giải Cành cọ vàng danh giá của Liên hoan phim Cannes 2019.

Parasite là bộ phim Hàn Quốc thắng giải Cành cọ vàng danh giá của Liên hoan phim Cannes 2019.

Bối cảnh bộ phim Parasite là đất nước Hàn Quốc thời hiện đại. Nhân vật chính trong phim là một gia đình nghèo gồm bốn thành viên. Ông bố Ki-taek (Song Kang-ho) và bà mẹ Choong-sook (Jang Hye-jin) thất nghiệp ở nhà, hàng ngày nhận gấp hộp bánh pizza kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Cậu con trai cả Ki-woo (Choi Woo-sik) lúc này ở nhà phụ việc sau bốn lần thi trượt đại học. Còn cô em gái Ki-jung (Park So-dam) cũng đã nghỉ học do không đóng nổi học phí. Cả gia đình bốn thành viên cứ thế chen chúc trong một căn hộ tồi tàn dưới tầng hầm của khu nhà cho thuê, túng thiếu đến mức điện sinh hoạt bị cắt, ăn thì phải chạy từng bữa.

Một ngày nọ, Ki-woo được người bạn thân giới thiệu làm gia sư tiếng Anh cho con gái của một gia đình giàu có. Choáng ngợp trước cơ ngơi của gia chủ, cậu bèn lên kế hoạch đưa cả gia đình mình thâm nhập vào ngôi nhà giàu có nhưng dễ tin người kia.

Bằng cách này hay cách khác, lần lượt từng người trở thành một phần của gia đình giàu có dưới các vai trò khác nhau. Những tưởng họ sẽ nhanh chóng đổi đời khi có thể ăn bám nhà đại gia, song, hàng loạt biến cố xảy đến khiến cuộc sống của tất cả bỗng chốc đảo lộn.

Chiến thắng lịch sử tại Cannes 2019

Parasite là tác phẩm mới nhất của đạo diễn tài năng Bong Joon-ho, người được biết đến qua nhiều bộ phim chất lượng như Memories of Murder (2003), The Host (2006), Mother (2009) hay Snowpiercer (2013).

Sau tác phẩm về siêu lợn Okja trên nền tảng Netflix có phần thua sút về mặt chất lượng hồi 2017, không ít khán giả lo lắng rằng tay nghề của nhà làm phim không còn giữ phong độ như trước.

Báo chí Hàn Quốc "bủa vây" đạo diễn Bong Joon-ho và nam diễn viên Song Kang-ho sau khi họ về nước với giải thưởng Cành cọ vàng trên tay nhờ Parasite.

Nhưng chỉ hai năm sau, Bong Joon-ho có lần thứ tư hợp tác với tài tử quen thuộc Song Kang-ho, trong một tác phẩm mới thuần chất Hàn, cùng tựa đề hết sức gợi mở và bí ẩn là Parasite - Ký sinh trùng.

Bong mang Parasite đi tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes 2019. Bộ phim nhanh chóng được giới phê bình khen ngợi nhiệt liệt, và thậm chí có ý kiến cho rằng đây chính là tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp của ông.

Vượt qua hàng loạt đối thủ nặng ký như Once Upon a Time… in Hollywood của quái kiệt Quentin Tarantino hay Portrait of a Lady on Fire của nữ đạo diễn người Pháp Céline Sciamma, Parasite cuối cùng giành chiến thắng đầy thuyết phục, giúp điện ảnh Hàn Quốc lần đầu tiên ẵm giải Cành cọ vàng trong lịch sử.

Đa dạng về thể loại, biến chuyển mượt mà giữa các sắc thái

Tiêu đề của bộ phim - Parasite - gây tò mò khi khán giả khó nắm bắt được ý tưởng của tác phẩm là gì. Cộng thêm poster chính thức đầy bí ẩn và có nét ma quái, tất cả khiến khán giả nghĩ rằng đây là bộ phim có phần đen tối, u ám, với những nút thắt mở đầy kịch tính và bất ngờ, cũng như không dành cho số đông.

May mắn thay, khán giả đại chúng không cần lo lắng khi thưởng thức Parasite. Bộ phim trên thực tế không hề kén khán giả, thậm chí còn mang tính giải trí rất cao, dễ theo dõi, và phù hợp với hầu hết khán giả phổ thông.

Mở màn Parasite tương đối nhẹ nhàng khi giới thiệu cho khán giả hoàn cảnh gia đình nghèo theo hướng trào phúng. Tất cả diễn ra chân thực nhưng không nặng nề, bi thảm. Trái lại, nhiều tình huống hài hước xảy ra, và khiến người xem có cảm giác gia đình ấy đang “tận hưởng” cuộc sống túng thiếu mỗi ngày.

Khoảng 1/3 đầu phim là hàng loạt chi tiết hài hước, nhẹ nhàng, mang tính châm biếm cao.

Sau đó, bước ngoặt của cậu con trai cả diễn ra, đem đến cơ hội nghìn vàng cho cả gia đình. Bộ phim tiếp tục trở nên thú vị hơn, với những chiêu trò nhiều tính toán nhằm thâm nhập vào ngôi nhà giàu có nọ.

Khoảng 1/3 thời lượng ban đầu, Parasite thực tếmang dáng dấp của một bộ phim tâm lý - hài hước, với tiết tấu nhanh, giàu năng lượng một cách rất tự nhiên. Ngay cả chuỗi âm mưu, chiêu trò cũng mang đậm tính trào phúng, chứ không bị “đen tối hóa”.

Việc duy trì bầu không khí hài hước nhẹ nhàng trong đoạn đầu phim không chỉ giúp khán giả trải nghiệm tác phẩm một cách thoải mái, hứng thú theo dõi diễn biến và tâm lý nhân vật, mà còn giúp thể hiện nét châm biếm con người - xã hội vừa trào phúng, vừa sâu cay.

Đó là khi tình trạng túng thiếu đã trở nên hiển nhiên đến độ được cả gia đình “tận hưởng” hết sức vô tư. Đó là khi những chiêu trò lươn lẹo, gian dối trở nên bình thường như chân lý cuộc đời. Hay điều đó còn nằm ở sự khác biệt trong tư duy của mỗi cá nhân ở các tầng lớp khác nhau, thể hiện qua cá tính có phần khác thường của từng gương mặt.

Nhưng Parasite không chỉ có “màu hồng”. Bộ phim nhanh chóng biến chuyển sang thể loại khác sau một sự kiện tưởng như rất đơn giản. Và sau nút thắt quan trọng đó, cả khán giả lẫn các nhân vật trên phim đều bị cuốn vào chuyến hành trình mới đầy bất ngờ, không thể đoán trước.

Trải qua những bước ngoặt khó ngờ, Parasite bỗng chuyển hướng sang kịch tính, giật gân.

Bộ phim thay đổi từ hài hước đời thường sang kịch tính, giật gân, thậm chí còn mang hơi hướm kinh dị và bạo lực đến rợn người. Điều đáng nói là các sắc thái nảy sinh một cách bất ngờ, nhưng rất tự nhiên, mượt mà, không gây ra cảm giác gượng ép hay giả tạo.

Giữa bầu không khí căng thẳng, kịch tính của phần sau, tác phẩm tiếp tục đem đến tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, vẫn có những tình tiết kỳ cục, vừa hài vừa bi. Những cảm xúc đa chiều lẫn lộn xuất hiện trong cùng một cảnh phim giúp khán giả cảm nhận rõ ý đồ phong phú của nhà làm phim.

Có thể nói đạo diễn Bong Joon-ho đã rất tài tình trong việc tạo nên những cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả thông qua việc chắt lọc từng chi tiết nhỏ nhưng đắt giá, rồi xâu chuỗi khéo léo vào trong phim. Mọi thứ kết nối thành tổng thể hài hòa, không có gì thái quá, và giúp bộ phim càng về sau càng hấp dẫn.

Kịch bản đỉnh cao đến từ bối cảnh và câu chuyện đậm nét đời thường

Câu chuyện trong Parasite ban đầu tỏ ra thú vị, hứa hẹn những chiêu trò, cú lừa lắt léo dành cho khán giả, và mang dáng dấp của một tác phẩm đấu trí cân não vừa hài hước, vừa kịch tính.

Với các nhà làm phim thông thường, như thế có vẻ đã đủ để tạo ra một tác phẩm chất lượng và hút khách. Nhưng với Bong Joon-Ho, đó mới chỉ là tiền đề để ông đem đến một kịch bản chứa đựng nhiều bất ngờ và gây ám ảnh sau khi khép lại.

Khoảng 30% thời lượng đầu phim, kịch bản được triển khai đúng như tiền đề ban đầu đã giới thiệu. Bộ phim giới thiệu kỹ lưỡng và chân thực hoàn cảnh các nhân vật trong phim, rồi đến cơ hội đổi đời của người con trai, và kế hoạch thâm nhập của cả gia đình vào nhà đại gia.

Câu chuyện của Parasite được xây dựng khéo léo, với gần như không thừa - thiếu chi tiết nào.

Tiết tấu phim nhanh gọn, các sự kiện diễn ra liên tục, liên kết với nhau một cách chặt chẽ theo một kế hoạch vừa đơn giản, vừa công phu. Kèm theo đó, cá tính các nhân vật lần lượt được bóc tách rõ ràng hơn thông qua sự tương tác qua lại, tạo tiền đề cho hành động tiếp theo của họ.

Thậm chí, 30% thời lượng đầu phim hoàn toàn có thể tách ra thành một bộ phim ngắn hoàn chỉnh hấp dẫn. Nhưng đó hóa ra chỉ là bề nổi ban đầu.

Phần còn lại của Parasite là lúc câu chuyện và kịch bản được mở rộng với tốc độ cao hơn hẳn. Biên kịch kiêm đạo diễn Bong Joon-ho đem đến những sự kiện mới, bất ngờ và khó đoán, cùng hàng loạt cao trào được cài cắm và xảy ra liên tục khiến người xem phải tập trung cao độ.

Các sự kiện mới thực ra đều được cài cắm trên nền tảng ban đầu, nên không hề gây ra sự vô lý hay mang tính sắp đặt. Cao trào của bộ phim có lối xử lý khéo léo khi ai cũng biết sắp có chuyện xảy ra, nhưng chẳng ai có thể biết nó đến lúc nào hay có tránh được nó hay không.

Giàu thông điệp xã hội và những nhân vật đặc trưng

Từ câu chuyện của các nhân vật trong phim, Parasite kể một nội dung rộng hơn ở tầm vĩ mô. Đó là sự chênh lệch giai cấp giàu - nghèo tách biệt trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, với góc nhìn vừa trào phúng châm biếm, vừa chua chát sâu cay.

Trong xã hội đó, trắng - đen, đúng - sai luôn có gì đó nhập nhằng bất phân. Giàu hay nghèo không phải là cái tội, cái tội là tư duy của mỗi nhân vật bị ảnh hưởng bởi giàu - nghèo ra sao.

Người giàu, họ cứ thế giàu và sống với lối sống của người giàu. Còn người nghèo thì cứ mãi nghèo, khi chỉ biết sống với tư duy của người nghèo, dù họ có sở hữu chiêu trò gì đi chăng nữa.

Không khó để nhận ra đạo diễn Bong Joon-ho muốn nói lên sự phân hóa giàu - nghèo đã lên đến mức khó tin ở xã hội Hàn Quốc hiện đại, cũng như những điều phía sau đó.

Gia đình của Ki-taek vin vào cớ nghèo để làm điều gian dối. Nhưng bản thân họ vốn vẫn “tận hưởng” cuộc sống túng thiếu của bản thân một cách bình thản, chẳng có gì phàn nàn hay lo nghĩ. Gặp cơ hội tiến thân đổi đời, cả nhà cũng chỉ biết nghĩ ngắn qua ngày, chứ chẳng biết phải tận dụng ra sao.

Cứ thế, cái nghèo đeo bám họ từ trong gốc rễ bản chất, chứ không còn là vật chất bên ngoài thông thường nữa. Họ mãi mãi giống như những “con gián” ăn bám, chui lủi từ góc này sang góc khác mà chẳng thể nào ngẩng đầu lên.

Các nhân vật trong phim được xây dựng chi tiết và ấn tượng, mang tính đặc trưng xã hội cao. Từng kiểu người trong phim đều có thể bắt gặp ngoài đời thực ở bất cứ đâu, với cá tính đậm nét và thể hiện rất rõ môi trường mà họ sinh hoạt hàng ngày.

Chất lượng sản xuất ấn tượng, dựng phim tiệm cận hoàn hảo

Không có gì để phàn nàn về chất lượng sản xuất của Parasite. Bộ phim đem đến cho khán giả những cú máy đi qua từng căn phòng, từng hành lang trong bối cảnh nội, một cách mượt mà, mà không phô trương cầu kỳ.

Tuy có bối cảnh khá hẹp khi hầu hết diễn biến chỉ xảy ra trong một căn biệt thự với một ít cảnh ngoại, nhưng khán giả không cảm thấy nhàm chán do ê-kíp thực hiện biết tận dụng hiệu ứng ánh sáng và các góc máy lạ để tạo ra sự khác biệt.Ở nhiều phân cảnh, việc sử dụng hiệu ứng góc tối linh hoạt giúp tăng hiệu ứng kích thích đầy tự nhiên.

Nhiều khung hình trong phim còn có tác dụng kể chuyện mạnh mẽ. Tiêu biểu là trường đoạn một nhóm nhân vật chạy bộ qua từng con phố trong đêm dưới cơn mưa như trút nước. Máy quay liên tục thay đổi góc nhìn, lúc thì từ phía sau dõi theo nhân vật, lúc là góc nhìn ngang bao trọn bối cảnh mà họ đang di chuyển.

Chất lượng kỹ thuật của bộ phim, đặc biệt là mảng dựng phim, là gần như hoàn hảo.

Từng khung hình trong trường đoạn này nhắc lại bản chất thực sự của nhóm nhân vật trong phim khi chúng lột bỏ lớp vỏ bọc gian dối bên ngoài một cách đầy chua chát, cay đắng. Những con người nghèo khổ dưới đáy xã hội, buộc phải trở về đúng nơi mà họ thuộc về một cách đầy ê chề, nhục nhã, gạt bỏ hết những ảo tưởng xa hoa trong thoáng chốc.

Âm nhạc của Parasite cũng rất đáng khen. Bộ phim đem đến nhiều đoạn nhạc với âm điệu đa dạng, phối hợp nhịp nhàng với từng phân cảnh, giúp góp phần tạo cảm xúc phù hợp cho khán giả.

Tuy nhiên, đáng nói nhất phải kể đến phần dựng phim đỉnh cao. Parasite có kết cấu chắc chắn, với các chi tiết, sự kiện diễn ra liên tục cùng tiết tấu nhanh, có tính liên kết cao. Mỗi khung hình trong phim đều được tính toán và có giá trị cụ thể, hầu như không có chút thừa - thiếu.

Thủ pháp chuyển cảnh tài tình giúp các phân cảnh với những tính chất khác nhau có thể liên kết mượt mà, khiến khán giả có thể chuyển biến từ cảm xúc này sang cảm xúc khác rất nhanh chóng mà không cảm thấy gượng gạo.

Vừa nhẹ nhàng lãng mạn, bộ phim có thể lập tức chuyển sang hành động - kịch tính, vừa hài hước châm biếm, tác phẩm có thể lập tức chuyển sang kinh dị - bạo lực, hay vừa hài hước, vừa kịch tính cân não cũng có thể xuất hiện ở cùng một phân cảnh.

Parasite gây ám ảnh và thổn thức sau khi kết thúc. Tuy nhiên, với một số khán giả, cái kết của bộ phim và quyết định hành động của một số nhân vật phần nào đó còn vội vàng và chưa rõ ràng, cũng như chưa tương xứng với những gì mà bộ phim đã dày công xây dựng nên từ đầu.

Nhìn chung, đạo diễn Bong Joon-ho đã đem đến cho khán giả một tác phẩm thuộc hàng hay nhất trong sự nghiệp của ông. Hài hước, trào phúng, nhưng không kém phần kịch tính, bất ngờ và gây ám ảnh, “Cành cọ vàng” của điện ảnh Hàn Quốc là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời mà bất cứ khán giả nào cũng không nên bỏ qua ngoài rạp chiếu phim.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Ký sinh trùng.

Khánh Hưng
Ảnh: CJ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ky-sinh-trung-tuyet-pham-han-quoc-hai-huoc-giat-gan-va-day-am-anh-post959044.html