Kỳ quái con lợn suýt thổi bùng chiến tranh Anh - Mỹ

Vào năm 1859, một người nông dân Mỹ ở đảo San Juan bắn chết con lợn phá hoại cánh đồng khoai tây của gia đình. Con lợn này đi lạc từ trang trại của Anh. Sự việc này suýt châm ngòi cho một cuộc chiến giữa Mỹ và Anh.

Không nhiều người biết rằng, Mỹ và Anh từng suýt xảy ra một cuộc chiến chỉ vì một con lợn. Sự việc xảy ra vào năm 1859 trên đảo San Juan nằm trên vùng biển giữa Canada và vùng lãnh thổ Oregon của Mỹ.

Vào thời điểm ấy, San Juan chưa được xác định thuộc chủ quyền của Mỹ hay Anh. Nguyên do là vì hiệp ước năm 1846 giữa Anh và Mỹ lấy vĩ tuyến 49 làm ranh giới giữa Mỹ và Canada - một thuộc địa của Anh.

Tuy nhiên, các điều khoản của hiệp ước lại không đề cập tới chủ quyền đảo San Juan ở phía nam vĩ tuyến 49 thuộc về nước nào.

Chính vì vậy, cả người dân Mỹ và người Canada thuộc Anh đều tới đảo San Juan sinh sống. Trong khi người Mỹ sống ở phía Nam của hòn đảo thì người Canada sống ở phía Bắc hòn đảo.

Đến ngày 22/6/1859, người nông dân Mỹ có tên Lyman Cutlar phát hiện một con lợn đi lạc vào trang trại và phá hoại khu vực trồng khoai tây của gia đình. Vì vậy, ông lấy súng và bắn chết con lợn mà không biết nó thuộc về một người Canada có tên Charles Griffin.

Khi biết chuyện con lợn bị giết, Charles Griffin yêu cầu Lyman Cutlar bồi thường nhưng bị từ chối. Vì vậy, Charles Griffin nộp đơn khiếu nại lên lực lượng quân sự Anh đang đồn trú trên đảo để giải quyết tình hình. Trong bối cảnh đó, nông dân Lyman Cutlar cũng đề nghị chính quyền Oregon bảo vệ.

Theo đó, Chuẩn tướng Wiliam S. Harney của Mỹ cử một đại đội đến đảo San Juan. Đáp lại, phía Anh cử 3 chiến hạm và một đơn vị thủy quân lục chiến đến hòn đảo trên.

Kể từ đây, Anh và Mỹ có những động thái tăng thêm quân và vũ khí tới đảo San Juan khiến tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến chỉ vì một con lợn, Tổng thống Mỹ James Buchanan cử tướng Winfield Scott tới San Juan để đàm phán và giải quyết vấn đề.

Cuối cùng, Anh và Mỹ thống nhất để quân đội hai nước cùng kiểm soát hòn đảo cho đến khi tranh chấp chủ quyền đảo San Juan được giải quyết. Vì vậy, cả hai nước đều rút bớt lực lượng quân sự khỏi đảo San Juan.

Đến năm 1871, Anh và Mỹ thống nhất để Hoàng đế Đức đứng ra giải quyết tranh chấp chủ quyền đảo San Juan. Theo đó, hòn đảo San Juan được tuyên bố thuộc chủ quyền của Mỹ. Sau khi có quyết định, lực lượng Anh rút khỏi đảo.

Video: Lợn được nuôi như trong khách sạn 5 sao (nguồn: VTC14)

Tâm Anh (theo NPS)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ky-quai-con-lon-suyt-thoi-bung-chien-tranh-anh-my-1174302.html