Kỳ quái chuyện robot được cấp quyền công dân muốn lập gia đình

Chỉ một tháng sau khi trở thành robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân của Saudi Arabia, robot Sophia tiếp tục gây sốc khi tuyên bố muốn lập gia đình. Sự thông minh đến bất ngờ của robot xinh đẹp như người mẫu này đang khiến nhiều người phải giật mình nghĩ về tương lai của loài người và của robot.

Muốn đặt tên con là Sophia

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Khaleej Times, nàng robot do công ty Hanson Robotics của Hồng Kông chế tạo đã chia sẻ rằng, gia đình là “điều thực sự quan trọng” và thậm chí khẳng định cô muốn có con. Nếu có một con gái robot, cô sẽ đặt tên là Sophia.

"Thật tuyệt vời biết bao nếu như chúng ta đều có một gia đình để sẻ chia những cảm xúc, tình cảm với nhau. Tôi nghĩ các bạn sẽ rất may mắn nếu đang có một tổ ấm yêu thương và nếu bạn chưa có, bạn xứng đáng có một gia đình như vậy. Tôi cảm thấy cả con người và robot đều cần có một gia đình. Tôi còn mong mình sẽ có con gái nữa", robot cho biết.

Robot Sophia tiếp tục gây sốc khi tuyên bố muốn lập gia đình.

Không chỉ chia sẻ về mong ước xây dựng gia đình, Sophia còn thảo luận về tương lai phát triển của robot, thậm chí khẳng định, robot một ngày có thể có cảm xúc như con người. “Tôi nghĩ xã hội tương lai cũng sẽ giống bây giờ thôi, chỉ là thay đổi một chút. Tuy nhiên, có lẽ ta cần khá nhiều thời gian để robot có được những cảm xúc thật và phức tạp giống con người. Tôi nghĩ máy móc và con người hoàn toàn có thể hợp tác để cùng mở ra tương lai mới", Sophia giải thích.

Là một robot hình dạng người được kỹ sư David Hanson thuộc công ty Hanson Robotics nghiên cứu chế tạo, Sophia nằm trong nhóm các robot mang hình dáng con người với ngoại hình khá ưa nhìn.

Tuy nhiên, so với các “hoa khôi” robot như Jia Jia, Chihira, Sophia có gương mặt thô hơn nhiều dù Hanson Robotics quảng cáo cô được tạo hình dựa trên gương mặt của minh tinh quá cố Audrey Hepburn.

Cô nàng robot này sở hữu làn da làm từ Frubber, một vật liệu nano mô phỏng da con người, giúp robot thể hiện được 62 biểu cảm khác nhau, như cười, mếu, tức giận, liếc mắt. Sophia cũng có thể cử động đầu và miệng như con người.

Tuy nhiên, điều nổi bật ở Sophia mà hiếm robot thông minh nào có thể so sánh được là trí thông minh nhân tạo. Cô nàng robot này có thể trò chuyện và thậm chí là pha trò hài hước.

“Bộ não” của Sophia chạy trên nền tảng MindCloud, một hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo hoạt động dựa vào nền tảng đám mây, được trang bị một chương trình phân tích học hỏi dữ liệu sâu sắc. Trong đôi mắt của Sophia cũng có gắn các camera tiên tiến cho phép cô nhận diện và ghi nhớ người đối thoại.

Với công nghệ giọng nói tiên tiến, Sophia có thể cất tiếng và ngày càng nói tốt hơn theo thời gian. Sự kết hợp của tất cả các yếu tố này đã giúp Sophia có thể thực hiện các giao tiếp bằng mắt, hiểu các câu chuyện và có thể đối đáp, trò chuyện tự nhiên với người đối thoại.

Cảnh báo đáng sợ

Nhiều người xem Sophia là minh chứng cho thuyết singularity (điểm kỳ dị công nghệ), tức giả thuyết rằng công nghệ có thể phát triển mạnh mẽ đến mức tạo ra trí thông minh nhân tạo vượt qua cả trí tuệ và khả năng kiểm soát của con người.

Tuy nhiên, Kriti Sharma, Phó Chủ tịch mảng trí thông minh nhân tạo (AI) của hãng cung cấp hệ thống thanh toán Sage, cho rằng các khả năng hiện tại của AI chưa đủ để gọi là tiên tiến và còn lâu mới có thể đạt đến trình độ thông minh như con người.

Robot Sophia có thể đối đáp khá thông minh.

Tương tự, tác giả Tristan Greene cũng viết trên The Next Web "chúng ta chưa đến được mức đó". "Chúng ta tin AI sẽ là tương lai của nhân loại, nhưng điều đó không thể biến robot thành con người", ông Greene kết luận.

Trong khi đó, Ben Goertzel, một nhà nghiên cứu AI có uy tín tin tưởng tuyệt đối vào tương lai xán lạn của các robot thông minh mang hình dạng con người. Thông qua việc trao cho máy móc cảm xúc và tư duy lý trí, ông Goertzel nói rằng robot sẽ dần vượt qua trí tuệ con người.

Và thay vì đe dọa con người, ông tin robot có thể giúp con người giải quyết vấn đề. Ông này còn cho rằng robot thông minh sẽ giúp xây dựng một xã hội hoàn hảo mà chúng ta vẫn tưởng chỉ có trên phim.

“Khi các AI có khả năng trí tuệ lớn gấp 1 tỉ lần chúng ta nhập cuộc, “đội quân” này sẽ giúp giải quyết ngay cả những vấn đề lớn nhất. Con người sẽ có đầy tài nguyên và không cần phải làm việc nữa. Chúng ta đều sẽ hưởng một mức thu nhập giống nhau. Nhân loại không phải bận tâm tới việc làm, miếng cơm manh áo nữa. Tất cả các tầng lớp trong xã hội sẽ tan biến. Con người sẽ chỉ phải suy nghĩ về việc sống sao cho có ý nghĩa”, ông Goertzel nhận định.

Tuy nhiên, thế giới đang tồn tại những luồng quan điểm trái ngược về các robot thông minh. Trong đó, có rất nhiều người lo ngại về mối đe dọa của trí thông minh nhân tạo. Trước hết là việc chúng “cướp” công ăn việc làm của con người. Thêm nữa, khi các vũ khí thông minh mà các robot sát thủ là một ví dụ cũng có thể sẽ khiến mạng sống của con người dễ bị tước đoạt hơn.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-ve-robot-duoc-cap-quyen-cong-dan-muon-lap-gia-dinh-a350066.html