Kỷ niệm với Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Hôm nay Bác đã vĩnh viễn đi xa và có lẽ để lại trong tôi nhiều hối tiếc. Sau bao lần hẹn, tôi vẫn chưa 1 lần được ngồi uống trà nói chuyện văn chương với Bác. Và sau ngần ấy thời gian thì tôi vẫn chưa nói để Bác biết tôi tốt nghiệp Trường Viết Văn Nguyễn Du ra.

Nghe tin Bác mất, bị hẫng và bứt dứt trong lòng.

Ngôi nhà của Bác ở bên Bùi Xương Trạch, cách Bốt Điện Thông Minh - nơi tôi từng làm việc khoảng 500m.

Một ngày nóng oi ả. Bác đến Bốt Điện báo mất điện với khuôn mặt kha khá mệt mỏi nhưng cũng khá là từ tốn.

Tôi nhận ra Bác nhưng chỉ lẳng lặng nhìn bởi cái nhẽ tôi ko theo nghề viết, cũng ít giao lưu, gặp gỡ bạn văn.

Báo xong sự cố, Bác chào tôi để về. Bất chợt thấy vài cuốn sách văn học của tôi để ở trên mặt bàn làm việc.

- Cô này, cô đọc những cuốn sách kia à?

- Vâng ạ. Cháu còn biết Bác là nhà văn tốp 1 của Việt Nam bây giờ cơ. Bác Nguyễn Huy Thiệp!

Bác ngạc nhiên, nhìn 1 cái nhìn rất dài vào khuôn mặt tươi rói của tôi.

- Ôi, quý quá. Người làm điện mà đọc được những cuốn này thì càng quý. Gặp lại cô sau nhé, tôi về bên nhà đã.

...

1 tuần sau, bác lại xuất hiện tại Bốt Điện Thông Minh. Tôi nhận ra Bác ngồi ở phía sau ghế chờ dành cho khách hàng. Tôi mỉm cười hơi cúi thấp đầu xuống chào Bác.

- Cô cứ làm cho bà con đi. Tôi chờ được.

- Vâng, vậy Bác chờ cháu 1 chút ạ.

...

Tôi rót nước mời Bác.

- Cô cũng uống chè đặc thế này cơ à?

- Hi, đua đòi người viết văn ấy mà Bác.

Bác cười nụ cười rất tươi rồi lôi ra 1 cuốn sách:

- Tặng cô cuốn sách của tôi. Không biết cuốn này cô đã đọc chưa?

- Ôi, cháu cảm ơn Bác!

- Thế nhé. Chào cô! À, cho tôi xin số của cô được không? Khi nào cô rảnh, ta trò chuyện văn chương.

- Cháu thích đọc thôi ạ, chứ bàn luận thì ko dám bàn vì năng lực chưa đủ.

- Không, nhiều cái hay chứ!

...

Thi thoảng Bác lại gọi điện:

- Nay cô đi làm không?

- Cháu có ạ.

Bác lại xuất hiện, đi con xe wase màu vàng có ghế trẻ nhỏ đằng trước.

Bác lại phải chờ để tôi tiếp xong khách hàng.

- Chắc cô chưa ăn sáng.

Vừa nói, Bác vừa để 2 chiếc bánh bao trước mặt tôi. Chưa kịp phản ứng thì Bác giơ tay chào rồi ra xe.

Rồi thi thoảng đưa cháu đi học qua chỗ tôi làm, Bác lại té tạt đưa cho dăm ba trái quất ngọt, khi thì mấy chiếc kẹo để uống với nước chè.

Những lần sau này, bác đến đều không gọi trước, có vẻ Bác biết tôi làm cả thứ 7 và chủ nhật.

Bác nhắn tin mời đi uống nước mấy lần thì mấy lần đó tôi đều bận.

Ngày Bác ra mắt sách mới, Bác cũng báo trước tôi cả tháng nhưng cuối cùng vẫn không sắp xếp được công việc để đi.

Tôi ngại tái mặt đến nỗi không dám liên lạc với Bác. Một thời gian dài không thấy Bác sang Bốt Điện, cũng không liên hệ gì.

Mấy lần Bác đến, mỗi lần cũng nói được tiếng đồng hồ về văn chương. Có lúc Bác cũng kể chuyện gia đình cho tôi nghe, đang kể dở thì thấy mắt Bác ướt nước rồi Bác đứng phắt dậy quay mặt chào tôi về.

Tôi hiểu 1 phần những đớn đau của Bác. Nếu Bác biết tôi là dân học văn thì có lẽ tôi không được nghe những câu chuyện đó vì thế Tôi không hề cho Bác biết tôi là sinh viên Viết Văn Nguyễn Du và cứ để Bác vẫn cứ nghĩ tôi là dân điện đam mê văn chương. Điều đó hình như làm Bác vui hơn.

Bác xuất hiện sau Tết. Tôi gượng gạo chào Bác. Bác nở nụ cười đỏ như hoa đào, tay xua xua.

- Không sao cả! Tôi hiểu.

Bác ngồi đối diện tôi.

- Có ảnh hưởng đến công việc của cô không?

- Không sao ạ.

Bác hỏi thăm dăm ba câu rồi lại chuyển sang chủ đề văn chương, kể những cuốn sách hay nên đọc....

Câu chuyện đang vào mạch thì Bác đứng phắt dậy rồi lôi trong túi áo ra 1 bao lì xì đỏ.

- Tôi có đồng mừng tuổi cô!

Nói chớp nhoáng, tôi vẫn chưa kịp phản ứng thì Bác đã đi ra đến chỗ lấy xe. Chạy ra đến nơi thì dáng Bác đã bé xíu ở cuối đường.

Cuối giờ, tôi gọi điện nói chuyện với Bác.

- Tôi rất quý cô. Nói chuyện với cô, tôi thấy vui....

Sau câu nói ấy đến ngày hôm nay thì tôi không nhận được bất cứ tin nhắn hay sự liên hệ nào từ Bác. Gọi điện không thấy Bác nghe máy, nhắn tin hỏi thăm cũng không thấy Bác trả lời như mọi khi nữa.

Thế rồi... Thế rồi... Hôm nay Bác đã vĩnh viễn đi xa và có lẽ để lại trong tôi nhiều hối tiếc. Sau bao lần hẹn, tôi vẫn chưa 1 lần được ngồi uống trà nói chuyện văn chương với Bác. Và sau ngần ấy thời gian thì tôi vẫn chưa nói để Bác biết tôi tốt nghiệp Trường Viết Văn Nguyễn Du ra.

Tôi nợ Bác một cuộc hẹn. Nợ Bác một lời nói thật.

Vĩnh biệt Bác!

Mai Diệp Văn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ky-niem-voi-nha-van-nguyen-huy-thiep-83061