Kỷ niệm với mai vàng

Trước khi ra công tác ở Bộ Văn hóa với cương vị bộ trưởng, tướng Tám Trần (Trần Văn Phác) đã ngót 40 năm sống đời quân ngũ.

Ông từng giữ các chức vụ: Chủ nhiệm (Tổng biên tập) Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc và sau đó nhiều năm làm Chủ nhiệm Chính trị Quân Giải phóng miền Nam, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh thời, mỗi dịp Tết về, ông lại khôn nguôi nhớ đến những mùa xuân năm cũ. Tôi có dạo ở cùng “phố nhà binh”-phố Lý Nam Đế (Hà Nội) với ông và nhiều lần trò chuyện cùng ông. Vào một dịp Tết năm nọ, ông cho biết, ông đã qua 9 cái Tết nơi Chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến chống thực dân Pháp và 10 cái Tết ở chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, cứu nước. Ấy toàn là những cái Tết kháng chiến, Tết đạn bom và gian khổ, Tết thiếu thốn và nhớ mong. Tết nào cũng đáng nhớ, nhưng theo ông, nhớ nhất là ba cái Tết thời chống Mỹ, đó là Tết Ất Tỵ (1965), Tết Mậu Thân (1968) và Tết Ất Mão (1975).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tướng Tám Trần đã viết nhiều thiên hồi tưởng về mùa xuân, về gần hai mươi cái Tết chiến trường khác trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Thường vào dịp xuân, Tết, tôi hay ghé nhà ông (ông vốn là thủ trưởng cơ quan Văn nghệ Quân đội chỗ tôi) và lần nào cũng thấy trong phòng ông có một chậu mai vàng bên đòn bánh tét. Ông bảo để mãi mãi nhớ về những năm tháng chưa xa, để nhớ về anh em đồng đội một thời!

Mai vàng là biểu trưng của mùa xuân, của Tết phương Nam; là loài hoa có linh khí, với hương thơm kín đáo, thoang thoảng; chỉ có thể “bắt” được mùi hương của nó lúc đêm xuống, lúc khí trời tĩnh lặng, ẩm sương; tâm người cũng thật tĩnh mới có thể nhận biết được hương hoa mai… Với người dân Nam Bộ, Tết đến, xuân về phải có hoa mai, như người Bắc, người Hà Nội phải có hoa đào. Thành thị, nông thôn đều vậy; thời chiến, thời bình đều vậy!

Tướng Tám Trần kể, năm 1964, lúc ông được cử đi chiến trường Nam Bộ, đi bí mật bằng đường biển (từ bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng vào thẳng cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh). Cùng đi có 4 đồng chí nữa. Trước hôm lên đường, Bộ Chính trị tổ chức chiêu đãi đoàn tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội). Trong buổi tiễn đoàn, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và các tướng lĩnh cấp cao, Bác Hồ đến rất đúng giờ hẹn. Người ân cần hỏi thăm từng cán bộ, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của đoàn công tác và yêu cầu nhà thơ Tố Hữu đọc thơ tiễn đoàn. Nhà thơ bị bất ngờ nhưng đã “ứng khẩu” kịp thời hai câu:

Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay

Bạn về chúc bạn ngày ngày thành công

Bác tỏ ra hài lòng, nhưng đề nghị nhà thơ sửa chữ “về” bằng chữ “đi”. Rồi Bác đọc lại:

Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay

Bạn đi chúc bạn ngày ngày thành công

Mọi người rất vui vẻ. Bác đi một vòng xem xét chỗ ngồi và thức ăn của mọi người đâu vào đấy, rồi trở về chỗ của mình. Bác lại chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: "Bây giờ đề nghị đồng chí Văn hô “xung phong”. Đại tướng đứng dậy vui vẻ: "Tối nay, các đồng chí được Bác, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử đi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Vậy theo lệnh của Bác, tất cả... xung phong!".

Tết Ất Tỵ (1965) là cái Tết đầu tiên ông được điều động vào chiến trường B, mà là B2 mãi trong Nam Bộ xa xôi. Ấy là cái Tết đầu tiên trong đời ông không thấy hoa đào nở hồng trong giá rét, nhưng lại là lần đầu tiên ông được thấy hoa mai nở bừng trong nắng ấm phương Nam. Sau hơn một tuần lễ rời bến Vạn Hoa (Đồ Sơn, Hải Phòng) lênh đênh trên con tàu Không số, ông và các đồng chí đi cùng đổ bộ lên bờ cửa sông Cổ Chiên (Trà Vinh), tiếp tục hành quân bộ một tháng nữa mới đến được căn cứ Miền ở Tây Ninh. Ông kể, một tháng trời đi bộ về căn cứ, về R (Trung ương Cục miền Nam) là cả một chuỗi những ngày gian khổ nhưng vô cùng đáng nhớ. Trong “Nhật ký chiến trường” của tướng Tám Trần có đoạn: “Trên đường hành quân về R, đến rừng Nhum đúng chiều Ba mươi Tết. Binh trạm chật cứng khách, không có chỗ cho các đồng chí miền Bắc mới vô. Đang là mùa khô. Trong đoàn có ý kiến là cứ “hạ trại” ở ngoài rừng là thượng sách. Mùa mưa qua rồi, có thể mắc võng bên nhau đón Giao thừa… Cái Tết đầu tiên nơi miền đất phương Nam không “thịt mỡ, dưa hành”, toàn là rau và rau, đồ hộp và đồ hộp. Đang còn không biết làm sao để có chút chất tươi thì rất may có một đơn vị Quân Giải phóng hành quân qua. Trong đơn vị có một đồng chí quen với anh Sơn Tiêu, một cán bộ pháo binh, người duy nhất trong đoàn cán bộ vừa vượt biển từ Bắc vào là người Trà Vinh-Nam Bộ chia cho mấy con cá, dăm bao thuốc lá và một, hai gói trà. Thế là có một bữa tất niên vui vẻ. Ăn uống xong, tất cả cùng đón Giao thừa, vừa ăn kẹo đậu phộng, uống nước chè đặc, vừa mở radio nghe Bác Hồ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Thức bên đống lửa suốt đêm, sáng Mồng Một, tất cả lại khăn gói lên đường. Lên đường hành quân qua những vạt mai vàng đang độ nở, vàng một sắc lộng lẫy sáng tươi…".

Tết Ất Mão (1975), nhật ký của tướng Tám Trần ghi: “Cục Chính trị đón Tết trong rừng Lộc Ninh. Mai vàng nở khắp rừng. Bên mai vàng là phong lan với rất nhiều loài. Chưa bao giờ rừng chiến khu hoa phong lan lại nhiều thế. Anh em bộ đội lấy về buộc vào thân cây ngành ngạnh, và cả cơ quan như một rừng lan. Vào các buổi trưa, hoa tỏa hương khắp nơi, vào tất cả các phòng làm cho không khí thật xuân, thật Tết. Tết năm ấy lại có nhiều thịt thú rừng (dộc, cheo cheo) và gà lính ta nuôi được nên thật là rôm rả, đậm đà. Ai cũng nghĩ xuân này, Tết này sẽ có những niềm vui lớn… Và, quả nhiên sau Tết, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định mở màn các chiến dịch lớn nhằm mở thông đường 13 và các đường khác để vận chuyển vũ khí, đưa lương thực từ Tây Ninh qua Đồng Tháp Mười về Tây Nam Bộ; đồng thời phối hợp với Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung…”.

Ấy là những mùa xuân, những cái Tết thiếu sắc hoa đào, thiếu cái giá rét phương Bắc nhưng tưng bừng một sắc mai vàng trong nắng ấm phương Nam! Tướng Trần Văn Phác có lần nói với tôi như vậy!

Thập Tam trại, Xuân 2019

NGÔ VĨNH BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-qdnd-hang-ngay-xuan-ky-hoi-2019/ky-niem-voi-mai-vang-565491