Kỷ niệm với báo in

Giờ báo điện tử lên ngôi, nhưng cảm giác cầm trên tay tờ báo giấy vẫn còn là niềm vui với nhiều người. Tháng 6 về, tôi lại nhớ quãng thời gian xem chế bản, canh in ngày trước.

Báo giấy vẫn được nhiều độc giả yêu thích. Ảnh: Thành Nguyễn.

Báo giấy vẫn được nhiều độc giả yêu thích. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ngày đó, tôi làm cho một tạp chí ngành, mỗi tháng một số. Và vì là người mới, lại bé tuổi nhát nên tôi bị “dí” làm chân chạy. Từ việc ngồi cùng đội thiết kế (ngày ấy cơ quan không có thiết kế riêng), cho đến việc ra can, ra film, rồi trông in.

Có lẽ, những nhà in lớn ở đất Hà Nội này, tôi biết đến non nửa. Từ Tiến Bộ, Công Đoàn, Mỹ Thuật, Cộng Sản, Bản Đồ, Biên Phòng,… cho đến các xưởng in tư nhân bé tý ở khu Hồ Tùng Mậu, Hào Nam,…

Hồi những năm quãng 2003 – 2008, phần lớn các nhà in đều có công nghệ lạc hậu một cách đồng đều nhau. Tôi còn nhớ, ngày đó, sau khi nhận file chuẩn từ thiết kế, công việc tiếp theo là ra film, ra can. Với các trang in đen trắng, cơ bản 100% dùng can. Cũng phải nói thêm rằng, ngày đó, không phải trang nào cũng in 4 màu phổ biến như hiện nay.

Nhân nói về 4 màu, lại xin nói thêm vì tôi tin ối bạn đọc không rành lắm. Với ngành in, thì các màu thể hiện trên mặt báo được phối từ 4 màu cơ bản: Xanh, Đỏ, Vàng, Đen với ký hiệu lần lượt C, M, Y, K. Với các trang in màu, để tiết kiệm kinh phí tối đa, nhiều khi phần text (chữ) cơ bản thường được bình bằng can. Phần ảnh, đồ họa mới dùng film.

Ngày ấy, công nghệ in lạc hậu, lạc hậu từ cách thực hiện cho đến máy móc, nên việc xảy ra lỗi là không hiếm. Người bình film, bình can sẽ phải sắp xếp để lớp can cố định, các lớp film (4 màu) được xếp chồng lên nhau không chệch tẹo nào. Vì nếu sắp lệch, thì sản phẩm in ra sẽ bị “nháy”.

Có lần, chẳng hiểu bên nhà in bình thế nào, mà đến khi ra báo, 1/3 trang báo trắng tinh, chỉ có chơ vơ một bức ảnh. Lỗi này là do rơi can, đến khi ra bản kẽm không ai để ý, lại cứ nghĩ đó là ý đồ thiết kế. Cuối cùng, tạp chí lại phải in lại nguyên tay (tay in).

Còn có bận khác, vì lỗi của phóng viên và biên tập. Tít báo thừa chữ. Ban đầu, chúng tôi lo lắm, cứ tưởng sẽ phải in lại. Mà khi đó, không chỉ mất tiền ra film, ra can, ra lại bản kẽm, rồi in lại, mà còn phải gỡ keo gáy tạp chí để gia công lại nữa vì lỗi này chỉ được phát hiện khi đã thành phẩm.

May thay, nền tít bài là nền trắng, và tôi đã được các anh bên nhà in hướng dẫn cách khắc phục vô cùng hiệu quả mà lại ít tốn kém. Đó là dùng aceton và bông gòn để lau đi. Bữa đấy, cả tòa soạn hú hồn.

Trông in ngày đó cũng lắm chuyện vui. Số nào Tạp chí có nhiều quảng cáo, nhiều trang màu, hay đặc biệt là số Tết, việc ăn ngủ nhà in là chuyện thường. Chẳng hiểu sao, các ca in toàn rơi vào buổi tối, buổi đêm. Thế là tôi cứ phải canh in cùng các anh kỹ thuật chạy máy.

Ngày đó, trước mỗi tay in, cán bộ chạy màu sẽ được chạy test thử. Chạy đến khi nào chuẩn màu thì thôi. Nhiều khi, mất cả đôi chục tờ giấy. Cũng nhờ đi trông in, tôi được các anh chỉ cho nhiều điều. Từ thế nào là chạy căng màu, thế nào là trang in thiếu xanh hoặc thiếu đỏ. Nói chung là thiếu một màu cơ bản nào đó. Nhờ trông in, tôi còn học được tính cẩn thận tỷ mỷ của những người làm nghề.

Có lần in tạp chí Tết. Dù đã chạy xong bản thử của trang bìa, anh chạy máy vẫn gọi tôi đến và bảo, anh phát hiện có một lỗi nhỏ trong trang bìa. Tốt nhất nên hủy bản này và in lại. Thật ra, đó chỉ là một vệt màu bé xíu, mà phải cầm lên soi rất kỹ, nhìn rất lâu mới phát hiện ra. Số là trên măng séc báo, người họa sĩ vô tình để “rơi” chồng lên một đường chỉ nhỏ.

Và sau khi xin ý kiến lãnh đạo. Hôm đó tôi được nghỉ sớm chờ sáng mai ra lại bản film, bản kẽm rồi mới in lại. Vì thế, báo ra có bị muộn hơn một chút, nhưng mà vui vì sản phẩm hoàn mỹ.

Giờ, báo điện tử lên ngôi, báo giấy phần nào chịu lép vế, nhưng những câu chuyện thuở trông in, trong tiếng máy chạy rộn rã vẫn tươi mới, y như cái thơm tho của buổi sớm cầm trên tay tờ báo mới.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/xa-hoi/ky-niem-voi-bao-in-332235.html