Kỷ niệm về nhà lãnh đạo Heydar Aliyev

Nói đến nhà lãnh đạo Heydar Aliyev chắc hẳn nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi, có những kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc như đối với một người bạn thân thiết của Việt Nam.

Bản thân tôi từ hồi còn học đại học ở Liên Xô, rồi những năm tháng đầu tiên công tác trong ngành ngoại giao ở Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow, đã đọc và nghe nhiều về HeydarAliyev như một nhà lãnh đạo số một của nước Cộng hòa Azerbaijan và sau này là một trong những thành viên hàng đầu của Ban lãnh đạo Xô-viết.

Đặc biệt, với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, H.Aliyev đã có nhiều quan hệ gần gũi với các nhà lãnh đạo Việt Nam thời bấy giờ như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười,… Ông đã có những đóng góp to lớn vào sự củng cố mối quan hệ đặc biệt, tăng cường tình hữu nghị anh em và sự hợp tác toàn diện Việt-Xô.

Chuyến thăm lịch sử sang Việt Nam

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với H.Aliyev là đầu tháng 11/1983. Lúc đó tôi được cử tham gia phục vụ đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô do đồng chí H.Aliyev, Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang thăm chính thức Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Heydar Aliyev thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/1983.

Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Heydar Aliyev thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/1983.

Là một cán bộ trẻ, mới vào Bộ Ngoại giao được vài năm, tôi coi đây là một vinh dự và trách nhiệm rất lớn với mình. Tôi nhớ trong đoàn Liên Xô hồi đó còn có Bí thư TW Đảng N. Ryzhkov và nữ phi hành gia vũ trụ đầu tiên V.Tereshkova.

Đây là đoàn đại biểu Liên Xô cấp cao nhất sang thăm Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất. Ngoài các cuộc hội đàm chính thức ở Hà Nội, Đoàn đã đi thăm các công trình lớn do Liên Xô giúp ta xây dựng.

Đi đến đâu Đoàn cũng được nhân dân địa phương nhiệt liệt chào mừng và dành cho sự đón tiếp đầy tình cảm anh em thắm thiết. Hồi đó giao thông đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh còn rất khó khăn, muốn đến Phả Lại phải đi bằng phà qua sông.

Đoàn đại biểu Liên Xô tham dự nhiều hoạt động quan trọng trong thời gian thăm Việt Nam.

Nhưng hôm Đoàn đến, bộ đội Việt Nam đã lắp một cây cầu phao để xe của Đoàn qua lại thuận tiện và nhanh chóng nhất, kịp dự lễ khánh thành nhà máy nhiệt điện Phả Lại lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó.

Một hoạt động đặc biệt quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam là đồng chí H.Aliyev đã cùng với Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười dự lễ khai trương và thông xe cầu Thăng Long. Đây là công trình trọng điểm được xây dựng bằng viện trợ không hoàn lại của Liên Xô.

H.Aliyev đã rất quan tâm, hỏi nhiều về chất lượng của công trình. Ông rất vui mừng khi được Tổng chuyên gia Liên Xô báo cáo là việc xây dựng cầu được sử dụng công nghệ và vật liệu tốt nhất, phần lớn các cấu kiện được sản xuất và vận chuyển từ các nhà máy ở Liên Xô sang.

Tôi còn nhớ lúc đó chuyên gia Liên Xô đã đánh giá tuổi thọ của cầu ít nhất là 150 năm! Việc khánh thành cầu Thăng Long đã có ý nghĩa vô cùng thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và của cả miền Bắc lúc bấy giờ.

H.Aliyev với Chủ tịch Trường Chinh

Tháng 2/1984, nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov qua đời vì bệnh nặng. Liên Xô gửi chuyên cơ sang Hà Nội đón các đoàn Việt Nam, Lào và Campuchia sang Moscow dự lễ tang.

Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta do Chủ tịch Trường Chinh dẫn đầu. Tham gia Đoàn có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Đoàn Lào do Chủ tịch Xuphanouvong làm trưởng đoàn và đoàn Campuchia là ông Heng Somrin dẫn đầu.

Cả hai đoàn sang Hà Nội trước để cùng lên chuyên cơ với đoàn Việt Nam bay sang Moscơ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Kapitsa tháp tùng các đoàn từ Hà Nội sang Moscow. Tôi vinh dự được Chủ tịch Trường Chinh chọn đi dịch cho cả ba đoàn.

Đến sân bay Vnukovo, H. Aliyev thay mặt ban lãnh đạo Liên Xô ra tận chân cầu thang máy bay đón cả ba đoàn. Sau khi chào mừng các vị trưởng đoàn, H.Aliyev đã mời Chủ tịch Trường Chinh lên ngồi cùng ô tô đi thẳng về Nhà khách Trung ương ở Khu biệt thự 57 trên đồi Lenin.

Hôm đó, tôi đã giúp dịch cho hai nhà lãnh đạo trao đổi nhiều nội dung rất quan trọng về Lễ tang đồng chí Andropov, về Tổng Bí thư mới của Liên Xô là K. Chernenko, về các vấn đề quan hệ Việt – Xô…

Sau khi kết thúc các hoạt động ở Moscow, cả ba đoàn trở về Hà Nội bằng chuyên cơ Liên Xô. H.Aliyev lại đích thân đến tận Biệt thự 57 dùng tiệc trà chia tay rồi sau đó tiễn Chủ tịch Trường Chinh ra tận sân bay Vnukovo.

Thay mặt Ban lãnh đạo Liên Xô, đồng chí Aliyev trân trọng chuyển lời mời Chủ tịch Trường Chinh và gia đình sang thăm, làm việc và nghỉ ngơi ở Crum vào mùa Hè năm đó. Chủ tịch Trường Chinh đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Câu chuyện với Tổng Bí thư Lê Duẩn

Mùa đông năm 1986, Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành Đại hội lần thứ 27.

Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu sang dự Đại hội.

Lúc đó do đồng chí Lê Duẩn không được khỏe nên đã sang Moscow dưỡng bệnh từ trước. Tuy nhiên, sắp đến ngày Đại hội, các đồng chí Liên Xô đã phối hợp tổ chức lễ đón đoàn Việt Nam rất trọng thị. Buổi lễ diễn ra tại khu Biệt thự 57 dưới sự chủ trì của đồng chí Aliyev đã được thu xếp một cách chu đáo và khéo léo. Mọi người khi xem tin tức và hình ảnh đều nghĩ đó là tại sân bay Vnukovo.

Dịp đó tôi được nghe kể nhiều chuyện về chuyến thăm Azerbaijan của đồng chí Lê Duẩn năm 1981 nhân dịp sang dự Đại hội 26 Đảng Cộng sản Liên Xô.

Hồi đó Aliyev là Bí thư thứ nhất của nước Cộng hòa, mặc dù đang rất bận công việc của Đại hội ở Moscow nhưng đã bay về Baku để đích thân đón tiếp và chiêu đãi trọng thể đoàn Việt Nam.

Trong không khí vui vẻ thân mật giữa những người anh em, H.Aliyev đã kể với đồng chí Lê Duẩn một câu chuyện vui mà tôi cứ nhớ mãi. Đó là chuyện về bí quyết của những người sống lâu. Azerbaijan vốn nổi tiếng là đất nước của nhiều người thọ hơn 100 tuổi.

Trong một lần đến thăm và chúc thọ các cụ cao tuổi, H.Aliyev đã hỏi họ có bí quyết gì mà có thể khỏe mạnh, sống lâu vậy. Các cụ vui vẻ cho biết là vẫn giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi bình thường, không có thuốc men, kiêng khem, tập luyện gì đặc biệt. Cuối cùng các cụ chia sẻ là họ rất ít đi họp và nhiều cụ hầu như không bao giờ họp hành gì cả. Rồi các cụ kết luận bí quyết sống lâu là phải kiêng đi họp!

Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tôi xin được chia sẻ vài mẩu chuyện trên đây để góp phần giúp bạn đọc hiểu biết hơn về con người và sự nghiệp của H. Aliyev, đặc biệt là những tình cảm cảm đồng chí, anh em gần gũi, thân thiết mà H.Aliyev đã luôn dành cho Việt Nam.

Đó cũng là nền tảng vững chắc cho việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Azerbaijan trong thời kỳ mới.

* Ông Heydar Aliyev qua đời ngày 12/12/2003 ở tuổi 80.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-niem-ve-nha-lanh-dao-heydar-aliyev-131274.html