Kỷ niệm về người thiết kế măng sét hàng chục tờ báo

Từ thành phố San Jose (tiểu bang California-Mỹ) ngày 16/5/2019, tin họa sĩ Hoàng Ngọc Biên qua đời ở tuổi 81 bay về với những người làm báo ở Việt Nam.

Ngồi ở góc đường Sương Nguyệt Ánh (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), nhà báo kỳ cựu Trần Phá Nhạc (còn có bút danh Giao Hưởng), thông tin cho bạn bè. Ngay sau đó, nhà báo Hà Đình Nguyên (chuyên viết về mảng Văn nghệ) đưa ngay một bản tin lên Facebook với những dòng tưởng niệm…

Ngay hôm sau, họa sĩ Kim Lan viết một bài báo về người thầy của mình, đồng thời là của nhiều thế hệ làm trình bày ở các báo, với tựa đề Vĩnh biệt Thầy tôi, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên đăng trên trang Văn hóa Nghệ thuật Báo Thanh Niên. Trong bài báo này, chị Kim Lan phác vẽ khá đầy đủ về chân dung của ông, chứa đựng trong đó là sự tri ân và kể về tình nghĩa sâu nặng vô bờ của ông với các thế hệ học trò mang bút theo ông học vẽ và làm trình bày (design) suốt những năm của thập niên từ 70 đến 90 của thế kỷ trước!

Cách đây hơn 10 năm, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên trong một dịp về Việt Nam để giải quyết một vài công chuyện gia đình, tôi đã có dịp gặp ông. Bữa ăn trưa ở quán Đo Đo, có tôi và nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông đã kể về những năm tháng xứ người. Ông vẫn miệt mài dịch sách văn học, làm thơ, sáng tác nhạc và không bao giờ rời cây cọ vẽ hoặc làm design trên máy vi tính. Ngôi nhà ông ở San Jose có một mảnh vườn nhỏ, ngày nghỉ vợ chồng ông lại lo chăm bón cho những mầm cây, cũng là để nhớ về thuở ấu thơ ở ngôi làng Bích Khê thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị, nằm soi mình xuống dòng Thạch Hãn.

Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên (bên trái) cùng với người bạn thân đang dạo bản nhạc mới do ông sáng tác. (Ảnh: Họa sĩ Đoàn Mẫn cung cấp).

Tôi cố tình lái câu chuyện về phía công việc ông làm sau 1975, đó là thiết kế măng sét (manchette) cho hàng chục tờ báo. Còn ông lại cố lảng tránh đi để nói về chuyện văn chương và đời sống. Cái thần thái tĩnh tại của một người ở ngoài tuổi 70 đã thuyết phục tôi, dù cố vớt vát vài ba câu chuyện báo chí để hoàn tất một bài phỏng vấn. Khi đề cập đến một việc khá “nhạy cảm” đối với một tờ báo, là chuyện thay đổi măng sét, ông ôn tồn nói: “Các báo lớn ở Anh, Mỹ, Pháp… trong đó có những tờ báo có tuổi đời cả trăm năm, việc thay đổi măng sét là một việc họ rất cân nhắc. Những tờ báo này không bao giờ thay đổi măng sét ngay trong một sớm một chiều, mà nếu có thay đổi thì cũng chỉ thay đổi dần dần, đến mức bạn đọc rất khó nhận ra sự thay đổi. Có nghĩa là họ thay đổi từ từ, thay đổi tiểu tiết nhưng diện mạo măng sét vẫn giữ nguyên. Tờ Le Monde (Pháp) sau 50 năm có chủ trương thay đổi măng sét cho đến nay vẫn còn nguyên dạng măng sét ban đầu. Các tờ khác cũng làm theo kiểu như vậy, có tờ báo với truyền thống 100 năm sau, dù có thay đổi măng sét nhưng độc giả vẫn khó nhận ra. Nhân đây, cũng nói thêm rằng việc thay đổi măng sét đã định hình trong lòng độc giả là một việc chẳng đặng đừng. Các báo lớn thường rất ngại thay đổi măng sét, dù họ có chủ trương cải tiến toàn diện hình thức tờ báo. Vì thay đổi măng sét đồng nghĩa với việc làm lại từ đầu, và như thế nguy cơ sụt giảm số lượng phát hành là rất cao”.

Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên.

Cách giải thích cho thấy sự tồn tại măng sét báo, dù rằng người đã dụng công thiết kế ra nó không hề coi như đó là một sự kiện lớn lao trong đời, nhưng đối với bạn đọc là quan trọng biết nhường nào. Có thể nói cao hơn tất thảy, điều gì gắn với măng sét ấy, đó là sự bền lâu và được ở lại trong lòng bạn đọc. Điều duy nhất và được xem là sống còn này không hề mới, nhưng được nói ra từ miệng của một người đã từng thiết kế măng sét cho 30 đầu báo tại Việt Nam, thì nó có ý nghĩa vô cùng lớn lao, ít nhất đối với tôi và nhiều đồng nghiệp làm báo, có bài vở hàng ngày, hàng tuần dưới cái tên báo ấy!

Khi nói đến đoạn này, ông không giấu được một chút vui xen lẫn ngậm ngùi: “Bản thân măng sét của tờ báo nếu không có sự kiên định và vững vàng đó thì cũng không phát triển được. Thực ra, tôi không chỉ thiết kế măng sét cho riêng Thanh Niên mà trước ngày qua Mỹ định cư, tôi đã thiết kế măng sét cho gần 30 đầu báo. Nay chỉ còn một số tồn tại và phát triển, trong đó Thanh Niên là một trong những tờ báo đứng hàng đầu về số lượng phát hành. Còn một số tờ khác thì rơi rụng, cho đến nay không còn thấy bóng dáng trên thị trường báo chí nữa”.

… Chỉ chừng đó thôi, sau nữa ông nói về những thú tao nhã mà mình cố công để có được. Tự thuở nhỏ ở cái làng quê xa xôi ngoài Quảng Trị, đi dài theo những biến động thời cuộc qua phía bên kia đại dương. Ông kể nhẩn nha về mình: “Tôi sinh ra ở làng Bích Khê, huyện Triệu Phong. Từ năm 1952, tôi đã xa quê, đến nay đã 57 năm rồi. Năm 2005 tôi có về thăm lại quê xưa sau 53 năm lưu lạc. Hình dung của tôi về quê hương Quảng Trị ngày xưa là “đồng khô cỏ cháy” bởi khói lửa ngùn ngụt chiến tranh, nay về thăm lại không còn cảnh đó nữa. Đồng ruộng xanh mượt mà, sen nở thơ mộng trên hồ”. Rồi sau đó những gì tôi được biết thêm về ông là trước 1975, ông phụ trách ngành xuất bản và ấn loát của Bộ Giáo dục và dạy tiếng Pháp ở trường Đại học Bách khoa Sài Gòn, đồng thời là một trong ba người “thường trực” ở Nhà xuất bản và Tạp chí Trình Bày. Một thời gian dài sau giải phóng, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên cùng nhiều học trò của mình, những người yêu thích trình bày xúm lại làm công việc pre-press cho nhiều tờ báo từ trong Nam ra tới ngoài Bắc, tại nhà riêng của ông trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3), bắt đầu là Tuyến Đầu – tờ báo của lực lượng Thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh. Khi Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ra bản tin, ông thiết kế măng sét. Được một thời gian ngắn, bản tin Thanh Niên phát triển thành Báo Thanh Niên, và ông lại thiết kế một măng sét khác, “chủ ý là làm cho nó chững chạc hơn, và tất nhiên, phải đẹp hơn” - ông nói vậy. Măng sét thứ hai sau đó tồn tại vững bền theo thời gian suốt hơn 30 năm qua, theo đà phát triển của tờ báo.

Qua Mỹ, sau hơn mười một năm làm Art Director rồi Production Coordinator cho tuần báo Mỹ The Salt Lake City Weekly (1993-2004), ông nghỉ hưu từ năm 65 tuổi. Sống lặng lẽ, ít giao du và chung thủy với một đam mê thời trẻ tuổi, dành phần lớn thời gian dịch văn học, vẽ trên máy, và đọc sách, nghe nhạc.

Và rồi, ở bữa ăn trưa ấy, ông “chốt” lại bằng một câu cuối cuộc chuyện trò, khi hơi mơ màng nhìn ra cửa: “Nhà tôi ngày xưa ở ngay bờ sông, ngó qua làng ngoại Nhan Biều. Tôi thường tắm trên dòng Thạch Hãn, sông rất trong, nước xanh thẳm, êm đềm”.

Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên sinh năm 1938, cũng là một dịch giả nổi tiếng với rất nhiều đầu sách văn học (trong đó có tuyển tập Mười nhà văn Pháp hiện đại –NXB Trình Bày năm 1969), nhà văn viết truyện ngắn, nhà thơ và là người đam mê nhạc và sáng tác. Hai bản nhạc do ông sáng tác được nhiều người yêu thích, đó là bản Nắng hoàng hoa (phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường) và bản Hồ Thu.

Trần Thanh Bình

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-niem-ve-nguoi-thiet-ke-mang-set-hang-chuc-to-bao-post63540.html