Kỷ niệm về ngôi trường dạy làm báo do Bác Hồ sáng lập

Là một trong 43 học viên (HV) từng được đào tạo tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Bác Hồ sáng lập, nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, cụ Lý Thị Trung (SN 1930, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô) đã xúc động kể về một thời cầm bút.

18 tuổi, Lý Thị Trung đã tham gia các hoạt động của Ban Tuyên huấn, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hưng Yên, sau đó trở thành thành viên Đoàn Tuyên truyền tỉnh Hải Hưng (Hải Dương - Hưng Yên ngày nay).

Chị luôn cùng đoàn đến các xã, huyện và bám trụ ở những nơi này hàng tháng trời để chiếu phim, diễn kịch, vẽ tranh... nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng các phong trào, qua đó nâng cao tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước trong quần chúng nhân dân.

Sau đó, mỗi tháng 1 lần, Đoàn Tuyên truyền tổng hợp công việc bằng cách phát hành tờ báo gồm 24 trang (viết trên giấy tập học sinh) chuyển lên đồng chí Hoàng Ngân - Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam - báo cáo tình hình.

Cụ Lý Thị Trung - một trong những học viên của trường dạy làm báo do Bác Hồ sáng lập

Cụ Lý Thị Trung - một trong những học viên của trường dạy làm báo do Bác Hồ sáng lập

Lần đầu gặp đồng chí Hoàng Ngân, cụ Trung được hỏi về bút danh Lý Trung trong các truyện ngắn Chú tiểu Bình, Tôi sợ ma... và được khen những truyện ngắn cụ viết rất xúc động. Một năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị Tổng bộ Việt minh mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Lý Thị Trung được 2 đồng chí Hoàng Ngân, Xuân Thủy (khi ấy là Phó giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng) cho tham gia lớp học làm báo đầu tiên.

Cụ Trung nhớ lại, đa số HV của lớp viết báo ngày ấy đều là những phóng viên giỏi, đầy kinh nghiệm của nhiều tờ báo hàng đầu cả nước được chọn và gửi đi học, chỉ có cụ và ít người còn lại chưa phải là phóng viên chuyên nghiệp. Trong ký ức của cụ, ngôi trường ấy thật đặc biệt: làm bằng tre nứa, đặt tại thôn Bờ Rạ, gần sông Công (thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

43 HV gồm cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về và khoảng trên dưới 30 giảng viên đều là những lãnh đạo giàu kinh nghiệm, các nhà văn - nhà thơ phong phú lý luận, thực tiễn, như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân...

Các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chụp ảnh lưu niệm cùng Ban giám đốc và các giảng viên (ảnh tư liệu)

Ấn tượng sâu đậm nhất của cụ trong thời gian học tại trường chính là được các thầy dìu dắt, chỉ bảo tận tình. Ngoài việc học trên lớp, HV của trường thường được các thầy bổ trợ kiến thức bằng các buổi ngoại khóa, sau đó đi thực tế về các vùng quê để ghi nhận, viết bài đăng báo.

Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học ngắn hạn trong vòng 3 tháng. Khi ra trường, cụ Trung về công tác tại Báo Chiến sĩ thuộc Phòng Chính trị - Bộ tư lệnh Liên khu 4. Đến khi kháng chiến thành công, năm 1957 cụ Trung chuyển về làm ở Báo Thủ đô (nay là Báo Hà Nội mới). Đến năm 1986, cụ sáng lập và trở thành Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô đến năm 1991 thì nghỉ hưu.

Cụ Trung xúc động: “Thời ấy làm báo vô cùng vất vả do khó khăn chung của bối cảnh lịch sử, tuy nhiên chúng tôi đều ý thức được trọng trách to lớn để phục vụ sự nghiệp kháng chiến, giải phóng đất nước. Tôi hy vọng cái tên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vinh quang được Bác Hồ sáng lập và đặt tên sẽ còn mãi với thời gian, nhất là đối với các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau”.

Nữ nhà báo kỳ cựu cũng mong muốn, báo chí dù ở bất kỳ thời đại nào cũng luôn tiên phong, đóng góp những thông tin, phản biện tích cực với đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Ngày 4-4-2019, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập và đón nhận Bằng di tích Quốc gia đối với Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 4-4-1949. Trải qua 70 năm, đến nay chỉ còn khoảng 5 HV của trường ngày ấy còn sống, trong đó có cụ Lý Thị Trung.

Đoàn Tuấn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ky-niem-ve-ngoi-truong-day-lam-bao-do-bac-ho-sang-lap_76019.html