Kỷ niệm về một thời làm báo chiến sĩ

Ngày 20-10-2019, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tròn 69 năm kể từ ngày xuất bản số báo đầu tiên (20-10-1950). 69 năm qua, Báo QĐND đã không ngừng trưởng thành và phát triển. Sự phát triển của Báo QĐND là tổng hòa của nhiều thành tố. Mỗi giai đoạn lịch sử có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau đối với các nhà báo chiến sĩ. Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên, tòa soạn xin gửi đến bạn đọc một số câu chuyện, kỷ niệm của những nhà báo chiến sĩ.

Đại tá PHẠM PHÚ BẰNG, nguyên Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Văn nghệ (nay là Phòng biên tập Văn hóa-Thể thao):

Tôi kỳ vọng ở các đồng nghiệp trẻ

Năm 16 tuổi, là học sinh cứu quốc, tôi gia nhập Giải phóng quân và cùng quân dân TP Huế giành chính quyền ở Huế rồi bước vào cuộc chiến 50 ngày đêm khói lửa bảo vệ cố đô... Ngày 20-10-1950, khi Báo QĐND ra số đầu tiên ở Việt Bắc, từ chiến trường Khu 5, tôi được điều ra Bắc làm phóng viên, vừa mừng vừa hồi hộp. Chưa có bằng trung học, nhiều bài báo đầu của tôi còn non nớt nên không được đăng. Ngày đó, bản thân tôi cũng chưa ý thức rõ về nghề nghiệp, chỉ biết là nhiệm vụ nào được quân đội phân công thì phải làm thật tốt. Sự nghiêm khắc của cấp trên buộc tôi phải lao vào tự học, học ở đồng nghiệp, học ở cơ sở rồi nghề báo cứ thế ngấm vào tôi. Tôi được lên Mặt trận Điện Biên Phủ, góp phần thông tin chiến sự trên 33 số báo QĐND đặc biệt được tổ chức, in ấn, phát hành ngay tại mặt trận.

 Đại tá Phạm Phú Bằng.

Đại tá Phạm Phú Bằng.

Tôi rất mừng vì hiện nay Báo QĐND phát triển trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, một sự kiện mới mẻ trong lịch sử báo chí Việt Nam. Đời sống, phương tiện tác nghiệp của phóng viên rất hiện đại, song cuộc đấu tranh cách mạng lại đòi hỏi các nhà báo những phẩm chất và năng lực mới. Một số nhà báo thời chiến tranh nay tuổi cao, sức yếu được lui một bước, nghỉ hưu. Trước mặt chúng tôi là những nhà báo trẻ, có trình độ. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng ở các đồng nghiệp trẻ. Bởi, các đồng nghiệp trẻ hôm nay có trái tim nồng nhiệt, con mắt tinh đời, phân biệt được trong hàng vạn tin tức của báo chí thế giới và trong nước đâu là phản ánh trung thực, đâu là thông tin xuyên tạc… Nhiệm vụ của báo chí là bảo vệ chân lý, bảo vệ đất nước, phục vụ nhân dân...

HÀ PHƯƠNG (ghi)

--------------------

Đại tá LÊ LIÊN, nguyên Trưởng phòng biên tập Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng:

Vị thế, uy tín của tờ báo là suy nghĩ, hành động đầu tiên và cao nhất

36 năm công tác tại Báo QĐND, tôi có 5 năm được cử sang giúp quân đội Campuchia xây dựng tờ báo. Còn nhớ, thoát khỏi chế độ diệt chủng, nước bạn phải xây dựng một quân đội mạnh để đối phó với sự trở lại của quân Pol Pot được các thế lực phản động bên ngoài hậu thuẫn. Do đó, bạn rất cần có tờ báo và đề nghị Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp đỡ. Báo QĐND được giao nhiệm vụ đó. Tháng 8-1979, tổ chuyên gia đầu tiên của báo sang giúp bạn. Với sự giúp đỡ của chuyên gia Báo QĐND, đội ngũ 30 cán bộ, phóng viên báo quân đội bạn ngày càng trưởng thành, đảm đương được tất cả các khâu của một tờ báo viết. Tờ báo bạn ngày càng có uy tín cao trong lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia. Sau này, khi nước bạn chuyển sang chính thể quân chủ lập hiến, tờ báo phát hành hằng tuần của quân đội bạn chuyển thành tạp chí của quân đội Hoàng gia.

Đại tá Lê Liên.

40 năm sau, trở lại Phnom Pênh gặp bạn, chúng tôi vẫn được phía bạn kính trọng gọi là “thầy”. Các bạn vẫn đánh giá cao vị thế của tờ Báo QĐND, ngưỡng mộ truyền thống, bề dày lịch sử, kinh nghiệm nghiệp vụ rất phong phú của tờ báo. Một trong những kinh nghiệm của Báo QĐND mà bạn tâm đắc là: Khi đã phục vụ cho tờ báo thì phải coi việc góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tờ báo là suy nghĩ, hành động đầu tiên và cao nhất.

HOÀNG PHONG (ghi)

-----------------------------

Đại tá VŨ ĐẠT, nguyên phóng viên Phòng biên tập Công tác Đảng-Công tác Chính trị:

Phóng viên thời nay "đá giỏi cả hai chân"

40 năm quân ngũ, hầu như tôi công tác tại Báo QĐND với chức danh phóng viên ảnh, Tổ trưởng Tổ Ảnh, phóng viên Phòng biên tập Công tác Đảng, Công tác chính trị cho đến lúc nghỉ hưu. Còn nhớ, những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, Báo QĐND luôn là tờ báo có lượng phát hành lớn, ấn phẩm ăn khách nhất trong các sạp báo ở Hà Nội, cũng như các tỉnh, thành phố cả nước. Bạn đọc yêu thích tờ báo chiến sĩ bởi cách viết ngắn gọn, thông tin nhanh nhạy, chuẩn xác và rất sống động với nhiều thể loại.

Đại tá Vũ Đạt.

Thế hệ chúng tôi nhớ mãi anh Đoàn Công Tính. Anh tìm cách theo chân du kích vào được Thành cổ Quảng Trị, rồi sau đó bằng mọi phương tiện để di chuyển hàng trăm ki-lô-mét bằng đường bộ mang những cuộn phim chụp ảnh từ mặt trận gửi về tòa soạn. Nhờ vậy, Báo QĐND đã có hàng chục phóng sự và bộ ảnh phản ánh sinh động về cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ của bộ đội ta. Phóng viên Báo QĐND thời đó đều là những người lính. Chúng tôi vừa làm phóng viên, vừa biết bắn AK, B40, B41, 12,7mm...

Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền và đòi hỏi của độc giả, Báo QĐND đã xây dựng được đội ngũ những nhà báo chiến sĩ năng động, giỏi kỹ thuật, ngoại ngữ, yêu nghề. Cái mạnh của phóng viên trẻ là được đào tạo cơ bản, có thể tác nghiệp trong mọi tình huống, mọi thể loại: Báo viết, báo điện tử, ảnh, các video clip… nói vui là họ “đá giỏi cả hai chân”.

LÂM ANH (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ky-niem-ve-mot-thoi-lam-bao-chien-si-597741