Kỷ niệm từ một bài báo

Những ngày cuối năm 1963, đầu năm 1964, tôi là chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lạt, Nam Định. Lúc bấy giờ, cùng với thanh niên cả nước, Đồn Ba Lạt tổ chức đợt học tập và làm theo tác phẩm 'Từ tuyến đầu Tổ quốc' rất sôi nổi và đạt kết quả tốt. Tôi đã viết bài 'Đồn tôi đọc Từ tuyến đầu Tổ quốc' được đăng trên báo Công an vũ trang số 155, ngày 18-7-1964.

Cuối tháng 7-1964, tôi được chọn đi đào tạo giáo viên văn hóa của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tại Cầu Chui (Gia Lâm, Hà Nội). Ít ngày sau, tuổi trẻ Thủ đô, trong đó có các đơn vị CANDVT đóng quân trên địa bàn Hà Nội tổ chức diễn đàn thanh niên học tập “Từ tuyến đầu Tổ quốc” tại Câu lạc bộ Lao Động, phố Tăng Bạt Hổ. Vì trước đó đã có bài được đăng báo nên tôi vinh dự được thay mặt chiến sĩ trẻ CANDVT báo cáo điển hình về việc học tập và làm theo tác phẩm đó ở một đơn vị cơ sở. Bài tham luận của tôi được hội nghị hoan ngênh.

Khi về cơ quan Bộ Tư lệnh CANDVT, tôi được gặp một người dỏng cao, trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh, hào hoa phong nhã, mang quân hàm Trung tá màu xanh lá cây, thân mật vỗ vai: “Bài báo và bài phát biểu vừa rồi của cậu tốt, tốt lắm... Cậu còn trẻ, còn nhiều triển vọng...”. Mấy nữ chiến sĩ đứng gần đó buông lời trêu chọc: “Trông búng ra sữa”. Vị Trung tá nhìn ve áo tôi nói: “Thì cậu ấy mới là binh nhất!”.

Sau này tôi được biết anh là Nguyễn Văn Ngân, Phó Cục trưởng Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh CANDVT, phụ trách khối tuyên huấn.

Đầu năm 1965, tốt nghiệp khóa học với kết quả loại ưu, tôi được điều về dạy học tại cơ quan chỉ huy CANDVT tỉnh Nam Định. Thời kỳ này không quân Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc. Đơn vị sơ tán về một xã ngoại thành, ở nhờ nhà dân. Một buổi tối mùa Đông giá rét, sau khi dạy văn hóa về, tôi thấy trên giường mình có một người choàng tấm chăn len mỏng, ngồi khoanh chân đọc tài liệu bên ánh đèn dầu đã che bớt sáng để đề phòng máy bay địch. Tôi nhận ra anh Ngân. Anh về nắm tình hình của Nam Định. Anh cũng nhận ra tôi ngay. Khoảng mươi phút hỏi chuyện, anh ân cần căn dặn tôi: “Cậu cố gắng làm tốt trách nhiệm bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ và kịp thời viết bài biểu dương những gương người tốt, việc tốt”.

Đầu tháng 9-1966, tôi đạp xe từ Nam Định lên xóm Ỏe, xã Chiến Thắng, huyện Hoài Đức, Hà Tây (cũ) dự hội nghị giáo dục văn hóa toàn miền Bắc (từ Vĩnh Linh trở ra) của lực lượng CANDVT và sau đó dự hội nghị thông tin viên của Báo Công an vũ trang, trong một hội trường bằng tre nứa lá đơn sơ nơi sơ tán. Trong số anh em dự hội nghị có nhiều người còn trẻ vừa dạy học, vừa viết báo và sáng tác thơ văn.

Nói chuyện với hội nghị, vẫn dáng vẻ thư sinh nhưng tác phong thời chiến khẩn trương, bằng cách truyền đạt thật ngắn gọn, mạch lạc, khúc triết và truyền cảm, anh Nguyễn Văn Ngân đã căn dặn những người mới chập chững bước vào nghề chúng tôi rất nhiều điều bổ ích, lý thú, giúp cho tôi trưởng thành trong nghề nghiệp sau này.

Giờ giải lao, gặp tôi, anh hỏi:

- Cấp bậc cậu mới là hạ sĩ, sao bút danh là Thượng Sỹ?

- Thưa anh...

- Mình nghe anh em nói là cậu lấy bút danh ấy để phản ứng việc lâu năm không được phong cấp, đúng không?

- Thưa anh, đó là tên khai sinh cha mẹ đặt cho!

Anh cười độ lượng:

- Ra vậy. Cứ nghe dư luận một chiều thì có khi cấp trên hiểu lầm cấp dưới. Làm báo phải hết sức chân thực, chính xác là thế!

Suốt những năm sau, từ 1966 đến 1971, tôi là giáo viên dạy giỏi, là thông tin viên xuất sắc của các báo: Công an vũ trang, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Báo Đảng địa phương và chương trình phát thanh “Vì an ninh Tổ quốc”. Hằng năm được dự hội nghị thông tin viên xuất sắc của các báo, đài phát thanh ở Trung ương và địa phương.

Do những tiến bộ nghề nghiệp, năm 1972-1973, tôi được điều về làm phóng viên Báo Công an vũ trang (nay là Báo Biên phòng). Tổng biên tập báo lúc ấy là Trung tá Cao Thượng Lương, Phó Cục trưởng Cục Chính trị; Thư ký tòa soạn là anh Trần Liêu, với đội ngũ phóng viên, biên tập viên năng nổ, nhạy bén, đầy tâm huyết: Dương Kiềm, Phạm Cao Đính, Sĩ Đô, Tạ Hải, Quang Thâm, Đào Nguyên Bảo, Nguyễn Đức Thiện, Phạm Xuân Lục... Được sống cùng, tác nghiệp cùng những tay nghề tài năng, đức độ ngày ấy, tôi đã từng bước thạo việc và vững bút.

Cho đến những năm sau này, kể cả khi đã về hưu, tôi vẫn luôn đam mê, hăng hái hoạt động trên lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật, gặt hái được ít nhiều thành quả trên trang viết, tấm ảnh. Sự ham muốn và thành quả ấy của bản thân là do được sự chăm lo bồi dưỡng của lực lượng và sự khơi nguồn, dẫn lối từ lớp đàn anh đi trước. Tình sâu, nghĩa nặng ấy đã đi suốt chặng đường hoạt động nghề nghiệp của tôi cho tới tận hôm nay.

Lã Thượng Sỹ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ky-niem-tu-mot-bai-bao/