Kỷ niệm trọng thể 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Bắc

Tối 7-5, tại Quảng trường Tây Bắc (TP Sơn La), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7-5-1959 - 7-5-2019); khánh thành tượng đài 'Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc'.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Bắc và đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.

Cách đây tròn 60 năm, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bốn năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7-5-1959, nhân dân các dân tộc Tây Bắc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Nói chuyện với đồng bào,Người thay mặt Đảng và Chính phủ khen ngợi những thành tích của quân, dân Tây Bắc, trong những năm kháng chiến đã anh dũng bảo vệ bản mường, góp phần đánh thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Bác căn dặn đồng bào, cán bộ, bộ đội nhiệm vụ thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc… Lời dạy của Bác đã trở thành tư tưởng, hành động cách mạng, soi đường, dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Sơn La xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”, để ghi dấu sự kiện lịch sử nêu trên.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Bắc và tỉnh Sơn La đạt được trong những năm qua. Sau 60 năm thực hiện lời Bác Hồ dạy, Tây Bắc từ vùng đất khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, nay có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với thị trường và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tây Bắc đã trở thành trung tâm thủy điện lớn nhất của cả nước, giao thông thuận lợi hơn; bệnh viện, trường học được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là hệ thống trường dân tộc nội trú, tạo cơ hội cho con em các dân tộc được học tập, tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo. Công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Đời sống đồng bào không ngừng cải thiện, truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia; quan hệ đối ngoại được mở rộng, góp phần xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị đạt những kết quả quan trọng. Đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các tỉnh Tây Bắc tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động, sáng tạo hơn nữa, khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế của Tây Bắc; động viên đồng bào các dân tộc hăng hái sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới, đời sống mới; phát huy những giá trị văn hóa cao đẹp...

Tại buổi lễ, các đồng chí Trần Quốc Vượng, Trương Thị Mai, cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc đã rút dải băng khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”. Sau phần nghi lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tây Bắc - Sơn La sáng tên Người” với sự góp mặt của hơn 500 diễn viên và kết thúc bằng màn pháo hoa ấn tượng.

Ngày 7-5, tại đường sách TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp Công ty Đường sách khai mạc đợt hoạt động kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2019) và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019).

Triển lãm mang tên “Điện Biên Phủ - Chuyện những người làm nên lịch sử” với 14 pa-nô được biên tập nội dung, hình ảnh, thông qua những thông tin được đúc kết từ những tài liệu tham khảo của Việt Nam và Pháp cũng như từ các cuộc phỏng vấn các cựu chiến binh đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Các bức ảnh tư liệu tại triển lãm của nhiều tác giả, trong đó phần lớn là của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, nguyên phóng viên Phòng Nhiếp ảnh, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách là phóng viên trực thuộc Bộ Chỉ huy mặt trận, chụp trước, trong và sau chiến dịch. Tại triển lãm, đã diễn ra cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với các bạn trẻ thành phố.

Dịp này, Ban tổ chức khai mạc Triển lãm với chủ đề “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm trưng bày các hình ảnh trích từ cuốn sách “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” do NXB Trẻ phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh thực hiện. Đến với triển lãm, bạn đọc được tìm hiểu thêm về Người, thông qua năm tủ trưng bày bộ sách Di sản Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm còn có các cuộc tọa đàm: “Hành trình 20 năm bộ sách Di sản Hồ Chí Minh” và “Di chúc Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo”.

Đợt hoạt động kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra đến ngày 19-5.

Ngày 7-5, tại Hà Nội, Báo Người Hà Nội phối hợp Hội Cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề “Điện Biên - Vầng hào quang bất tử”. Đây là sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động trong chương trình thắp lửa tri ân các đồng đội “Khúc quân hành” lần thứ 5 năm 2019 mang tên “Điện Biên - Vang mãi khúc quân hành”. Thông qua phần chia sẻ, giao lưu của các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chương trình ôn lại khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu bất diệt của quân và dân ta trong trận chiến Điện Biên năm xưa; khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến thắng này đối với nền độc lập dân tộc. Đan xen trong chương trình là giai điệu hào hùng của các bài ca đi cùng năm tháng ca ngợi Đảng, Bác Hồ, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.

Sáng 7-5, Bảo tàng TP Hải Phòng khai mạc Trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” và “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Thân thế và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2019), 64 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2019) và 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2019).

Chuyên đề “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” với nhiều hình ảnh, tư liệu và hiện vật giúp người xem hiểu rõ hơn về các giai đoạn: Chín năm làm một Điện Biên, Điện Biên ngày nay và Dấu ấn Hải Phòng trong chiến thắng Điện Biên... Chuyên đề “Thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” trưng bày 98 ảnh, 12 hiện vật và 10 bộ tư liệu, giúp người xem hiểu biết thêm về thân thế và sự nghiệp cách mạng Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bảo tàng Hải Phòng mở cửa trưng bày hai chuyên đề đến hết tháng 8.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40110302-ky-niem-trong-the-60-nam-ngay-bac-ho-ve-tham-can-bo-chien-si-va-dong-bao-tay-bac.html