Kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng Lê Đức Anh

Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia, nhất là quãng thời gian từ năm 1980 đến 1985, khi tôi là cán bộ Phòng Chính trị Sư đoàn 8 và Phòng Tuyên huấn Cơ quan Chính trị Mặt trận 979, Quân khu 9, đã có nhiều lần tôi được gặp Đại tướng Lê Đức Anh (Sáu Nam), Tư lệnh Mặt trận 719, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

Đặc biệt, lần được gặp trực tiếp ông trong chiến dịch mùa khô 1985-1986, tại Sở chỉ huy Sư đoàn 330, đang chiến đấu ở tỉnh Battambang (Campuchia) để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc về một vị tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc, quyết đoán và luôn tỏ rõ ý chí quyết tâm sắt đá khi đối mặt với kẻ thù. Nhưng đối với đồng đội, cán bộ, chiến sĩ dưới quyền thì ông luôn yêu thương, thông cảm, nhất là trong lúc gặp khó khăn, trở ngại, phải chiến đấu hy sinh xương máu.

Tháng 12-1985, giữa chiến dịch mùa khô 1985-1986, tôi được cơ quan chính trị Mặt trận 979 cử lên công tác tại Sư đoàn 330. Thời gian này sư đoàn đang làm nhiệm vụ vừa chiến đấu đánh bọn địch còn lẩn trốn, cố thủ trong rừng Tà Sanh, Tức Sóc, vừa mở tuyến đường số 10 đi từ thị xã Battambang vào An Đông, để cho ta và lực lượng vũ trang Campuchia vận chuyển người và phương tiện, vật chất vào xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Campuchia giáp Thái Lan, ở các điểm cao 503, 504, 271, 445 và Pai Lin.

Tình hình sức khỏe của bộ đội giảm sút nghiêm trọng khi vào chiến đấu ở khu vực Tà Sanh, Tức Sóc, tỉnh Battambang. Đây là địa bàn được mệnh danh là “cái rốn’ sốt rét ác tính, sốt rét đái huyết cầu tố với tỷ lệ tử vong cao nhất Đông Dương, đã làm cho đơn vị gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó bọn địch lén lút gài mìn và phục kích, tập kích nhỏ lẻ gây nhiều thương vong cho bộ đội. Sở chỉ huy Tiền phương của Mặt trận 979 đóng cùng Sở chỉ huy của Sư đoàn 330 ở An Đông đã tiến hành nhiều cuộc họp với Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn, tìm cách khắc phục nhưng tình hình chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong bối cảnh đó, một hôm được điện thông báo của cơ quan Bộ tư lệnh Mặt trận 979 và 719 là đồng chí Lê Đức Anh (Sáu Nam) Tư lệnh Quân tình nguyện sẽ xuống trực tiếp nghe báo cáo, kiểm tra, chỉ đạo cho Sư đoàn 330 tại An Đông, Battambang. Được tin như vậy, cán bộ sư đoàn tỏ ra lo lắng, không biết phải báo cáo với thủ trưởng cấp trên ra sao? Trong tâm thức của cán bộ các đơn vị thuộc Quân khu 9 lúc bấy giờ, ai cũng nghĩ thủ trưởng Sáu Nam là vị tướng nghiêm khắc nhất.

Trong lúc một số cán bộ sư đoàn làm báo cáo, thì Phòng Tham mưu sư đoàn chuẩn bị bãi đáp cho máy bay trực thăng Mi-8 (máy bay của Liên Xô) viện trợ cho Quân đội ta. Cách An Đông khoảng 2km về phía Tà Sanh, có một bãi đất trống khoảng 2-3 héc-ta gọi là Bãi Tăng (tên có từ lâu, chúng tôi cũng không rõ có ý nghĩa gì). Ta bố trí cho Tiểu đoàn Quân y của Sư đoàn 330 đóng làm bệnh viện dã chiến ở đây, vừa đón chữa trị cho thương binh, bệnh binh vừa tiện cho chuyển thương binh về phía sau bằng máy bay trực thăng. Vì tính chất vô cùng quan trọng trong cuộc đón tiếp Tư lệnh ngay tại chiến trường, nên công tác an ninh bảo vệ bãi đáp máy bay và nơi làm việc phải thật chu đáo.

Sư đoàn đã chọn một căn nhà sàn nhỏ của người dân bỏ đi, kín đáo ở mép lùm cây, sửa chữa lại làm nơi làm việc và nghỉ trưa cho thủ trưởng. Điều làm tôi nhớ mãi là thời gian này có Thiếu tướng Trần Văn Trân (Ba Trân) người nổi tiếng một thời trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (ông bị địch bắt năm 1971, trao trả năm 1973 nhưng địch không biết ông là sư đoàn trưởng, chỉ biết ông là một y tá). Thiếu tướng Trần Văn Trân (lúc này là Phó Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh 719) đang ở công tác với Sư đoàn 330; ông sống rất vui vẻ, lạc quan, yêu thương bộ đội. Nghe tin trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, Thiếu tướng Trần Văn Trân công tác gần gũi với đồng chí Lê Đức Anh, do vậy, sư đoàn xin ý kiến ông về việc báo cáo với Tư lệnh Lê Đức Anh.

Đồng chí Ba Trân cười rất vui, ông nói vừa ra vẻ nghiêm trọng, vừa ra vẻ thân tình: "Các cậu cứ quan trọng mọi vấn đề lên cho khổ, làm thế nào thì báo cáo vậy, cứ trung thực với Tư lệnh là được. Có báo cáo trung thực những khó khăn, trở ngại thì trên mới biết mà chỉ đạo, giúp đỡ chứ!". Câu nói của Thiếu tướng Trần Văn Trân khiến anh em chỉ huy Sư đoàn 330 như giảm bớt nỗi lo.

Ngày Tư lệnh xuống thăm đơn vị cũng đã đến. Tôi nhớ hôm ấy khoảng 9 giờ sáng, trời mùa khô quang đãng, mây trắng, máy bay Mi-8 hạ cánh an toàn xuống Bãi Tăng-Tà Sanh tỉnh Battambang. Tư lệnh Lê Đức Anh bước ra cửa máy bay trong bộ quân phục giản dị (không đeo quân hàm) mắt đeo kính màu, vẫy tay chào anh em ra đón. Đi cùng Tư lệnh Lê Đức Anh là Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (Út Thới), Tư lệnh Quân khu 9, Thiếu tướng Nguyễn Đệ (Ba Trung), Tư lệnh Mặt trận 979, cùng nhiều cán bộ cơ quan Tham mưu 719, 979, cơ quan tiền phương Mặt trận 979 và Ban chỉ huy Sư đoàn 330, khoảng 15 cán bộ xếp thành một hàng, đối diện là hàng tiêu binh của Sư đoàn 330 đón theo nghi thức điều lệnh quân đội lúc bấy giờ. Thủ trưởng bước đến đầu hàng, những cán bộ ra đón liền khoát tay cho đội tiêu binh lui.

"Các cậu vẽ chuyện, ở phía trước nghi lễ làm gì!". Tư lệnh Lê Đức Anh tươi vui, thân tình nói với mọi người, khiến tôi cảm thấy ông rất gần gũi. Cả đoàn (khách và chủ) đều tay bắt mặt mừng đưa thủ trưởng và đoàn lên nhà sàn, vào làm việc ngay. Chỉ có một chiếc ghế dựa dành riêng cho Tư lệnh Lê Đức Anh, còn lại đều ngồi ở hàng ván làm ghế dã chiến, dựa lưng vào lan can nhà sàn.

Đại tá Huỳnh Trọng Phẩm (Năm Sơn), Sư đoàn trưởng thay mặt Ban chỉ huy sư đoàn báo cáo tình hình chiến đấu, sinh hoạt của đơn vị. Các thủ trưởng chú ý lắng nghe, nhưng đến chỗ bộ đội mở đường bị bọn Pol Pot gài mìn, phục kích, tập kích gây thương vong nhiều, lại bị sốt rét, sức chiếc đấu giảm sút, Tư lệnh Lê Đức Anh đứng bật dậy, bước đến trước đồng chí Sư đoàn trưởng (được biết đây là những lúc ông sắp nổi nóng) nhưng ông chỉ nghiêm giọng hỏi: "Các đồng chí chỉ huy, lãnh đạo thế nào mà để bộ đội thương vong nhiều như vậy? Bọn Pol Pot (lại là tàn quân) sao có thể là đối tượng tác chiến ngang với Quân đội ta được".

Cả phòng họp im lặng, đồng chí Sư đoàn trưởng cũng không dám thanh minh, giải thích! Bỗng Thiếu tướng Trần Văn Trân đứng dậy lên tiếng: “Thưa anh Sáu! Tôi không có ý thanh minh giùm anh em! Nhưng anh Sáu thông cảm, tôi đã chỉ huy đánh Pháp, đánh Mỹ-ngụy, nhưng cái thằng Pol Pot này thường chỉ đi một tốp nhỏ, súng bộ binh gọn nhẹ, từ trong rừng ra bắn lén một loạt vào xe ta rồi mất hút. Tôi trao đổi với anh em sư đoàn phải có cách, tổ chức đóng nhiều chốt nhỏ vừa bảo vệ xe vận tải, vừa kịp thời truy kích bọn địch ra bắn lén. Sau khi mở đường xong thuận lợi thì chốt ở những chỗ thiết yếu như cua chữ V, đường 10A, 10B...”.

Nghe đồng chí Ba Trân nói vậy, Tư lệnh Lê Đức Anh tỏ ra thông cảm. Như đã chuẩn bị sẵn từ trước, ông ra chỉ thị: "Các đồng chí phải tổ chức ngay một cuộc sinh hoạt học tập ngắn cho bộ đội, quán triệt nhiệm vụ chiến đấu đánh địch, mở đường cho bạn vào xây dựng tuyến phòng thủ biên giới là rất quan trọng trong chiến dịch mùa khô 1985-1986 này. Thấy cần thiết thì củng cố lại một số vị trí cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt từ sư đoàn đến trung đoàn, tiểu đoàn...".

Bên cạnh việc chỉ thị cho sư đoàn, Tư lệnh còn chỉ thị nhiều việc cho cơ quan 719, 979 tăng cường đưa bác sĩ, đội điều trị xuống giúp sư đoàn cứu chữa cho thương binh, bệnh binh, tăng cường các đơn vị công binh mở đường, bắc cầu qua suối... Chỉ vẻn vẹn khoảng 2 giờ đồng hồ làm việc của Tư lệnh Lê Đức Anh với Sư đoàn 330 đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ. Năm 1985 và 1986, Sư đoàn 330 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp một phần quan trọng vào thành công chung của Mặt trận 979 trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.

Riêng với tôi, đây là kỷ niệm rất sâu sắc về Đại tướng Lê Đức Anh, đồng thời cũng là niềm vinh dự trong 42 năm tại ngũ (1967-2009) của mình, khi tôi từng được chứng kiến những sự kiện, những nhân vật mà nay đã đi vào lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đại tá TRẦN BÁ ĐIỀM, Nguyên Trưởng cơ quan Đại diện Nhà xuất bản QĐND tại Cần Thơ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ky-niem-sau-sac-ve-dai-tuong-le-duc-anh-572753