Kỷ niệm những chuyến đi và tình người miền biên viễn

Gần 15 năm bước chân vào nghề Báo, tôi chưa có đủ cơ hội để đi khắp dọc dài miền Tổ quốc nhưng cũng đã có đủ thời gian để trải nghiệm sự khổ cực, cũng như hạnh phúc trong nghề. Với tôi, những chuyến đi xuyên ngày tháng ở nơi rừng xanh, núi thẳm luôn là những ký ức sâu đậm…

Tác bài viết trong lần chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải

Tác bài viết trong lần chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải

Gặp Trưởng bản thì phải biết… uống rượu

Có lẽ với những ai yêu thích mảng Phóng sự và nhất là hay đi viết ở vùng sâu, vùng xa - nơi nhiều bà con dân tộc ít người còn phong tục tập quán cổ hủ - nếu không biết uống rượu thì sẽ là một… thiệt thòi để khai thác tư liệu.

Nhớ chuyến đi về miền Tây xứ Thanh năm 2010 để thực hiện loạt bài phóng sự, khám phá ở vùng đất “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng như thế nào. Sau một ngày ám ảnh với những mảnh đời vì đại dịch HIV/AIDS ở bản Poọng, xã Tam Chung, chúng tôi được trải nghiệm chuyến đi… suýt chết khi xuyên đêm lên đỉnh Sài Khao, thuộc xã Mường Lý. Tôi còn nhớ khi có ý định chinh phục đỉnh Sài Khao, Trung úy Lê Xuân Hiền, phụ trách Đồn Biên phòng Mường Lý thời đó đã ra sức ngăn cản: “5 năm phụ trách ở đây, anh chưa thấy một nhà báo nào dám liều mạng lên đỉnh Sài Khao vào buổi tối cả, nhất là trời đang mưa”.

Thấy chúng tôi quyết tâm, anh đồng ý dẫn đường. Phải thú nhận rằng, bây giờ ngồi đây viết bài, nhưng những hình ảnh, sự cố trên đường khiến tôi vẫn không khỏi sợ hãi, giật mình thon thót. Từ trung tâm xã Mường Lý lên bản Sài Khao hơn 10km, nhưng chủ yếu là đường mòn nhỏ tí, trơn trượt chỉ rộng 50 – 60cm, dốc dựng đứng và khúc cua ngoằn ngoèo, cheo leo, với một bên vách núi, một bên sườn dốc. Di chuyển trên cung đường này, chỉ cần một sơ sẩy thì cả người và xe có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào...

Đường lên bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa

Gần 5 tiếng đồng hồ vật lộn với con đường dốc dựng đứng, khi chúng tôi đến bản Trung Thắng thì mưa to như trút nước. Vừa mệt, vừa rét, chúng tôi xin ngủ lại nhà một người dân, nhưng khi vừa ngồi xuống, thấy anh chủ nhà bảo ngủ tạm trên chiếc giường mà mấy hôm nay đặt xác người cha (vừa đi an táng lúc chiều) thì tôi… nổi da gà. Thế là chúng tôi lại tiếp tục di chuyển.

12h đêm, chúng tôi mới lên được đến bản Sài Khao. Nhìn quanh quẩn, chúng tôi chỉ thấy một màu đen kịt, tĩnh lặng với gió thốc vù vù, lạnh tê tái. Đến nhà một người dân, vừa lạnh vừa đói, Trung úy Hiền xin gia đình chủ nhà ít gạo bắc lên bếp, rồi rủ tôi chạy sang điểm trường Sài Khao xin các thầy cô cắm bản mấy cọng rau. Đang đói và rét, có cơm bản, rau muống và ít măng khô xào mỡ lợn, đối với tôi, đó là một bữa cơm “ngon tuyệt đỉnh”.

Trong chuyến đi này, vui nhất là đến nhà trưởng bản Sài Khao Vàng A Sỹ. Trước khi đến, Trung úy Hiền hỏi chúng tôi biết uống rượu không, “vì bố Sỹ hay tự ái lắm. Đến mời rượu mà không uống là bố giận ngay”. Đúng như lời Trung úy Hiền “cảnh báo”. Khi chúng tôi đến nhà thì Trưởng bản Vàng A Sỹ đã chuẩn bị sẵn rượu lẫn mồi nhậu. Vừa nhấm nháp ly rượu ngô, vừa trò chuyện, chúng tôi “vật” cho “bố Sỹ” say lúc nào chả biết, đến nỗi cầm bát cơm, ông không và được hạt nào vào miệng. Ngồi trò chuyện cho tỉnh rượu, lúc về, ông ôm chầm chúng tôi, giọng vui lắm: “Trước giờ, chưa có cán bộ nào dưới xuôi uống với bố say như thế này được đâu đấy”.

Suýt mất mạng vì săn chuột đá với khám phá quan tài

Đường lên khu mộ treo trên núi Pha Quen.

Dù có ngược về miền Trung để lên đỉnh Sài Khao hay ngược lên ngã ba biên giới A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên) hay xuyên sang bản Luốc (Hoàng Su Phì, Hà Giang), bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai), bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái)... thì với tôi, được gặp gỡ, trò chuyện, làm việc cùng với đồng bào dân tộc ít người là những ký ức khó phai nhạt.

Nhớ chuyến đi vào cuối năm 2011 lên bản Lung Tang (xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) để viết về nguyên mẫu trong truyện “Vợ chồng A Phủ”, tôi cũng đã có một trải nghiệm khó quên trên vùng đất xa xôi nhất của tỉnh Sơn La này. Trong đó, nguyên mẫu của Mỵ tên thật là Mùa Thị A vẫn còn sống. Chồng bà - nhân vật A Phủ tên thật ngoài đời là Lầu A Phử cũng có công lao với cách mạng, có rất nhiều Bằng khen.

Hỏi về nhân vật Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ” bà cười, bảo “chử pâu” (không biết). Còn kể về người chồng Lầu A Phử thì bà rất tự hào. Bà bảo hai người sống rất hạnh phúc. Đến khi ông bệnh, bà đã cố gắng đi lấy rất nhiều thuốc cho ông uống nhưng mà không qua được. Trước khi nhắm mắt về với núi rừng, ông cứ dặn bà đừng lấy chồng nữa, ở thế thôi. Nghe lời ông, từ ngày ông mất, bà cứ ở thế đến bây giờ... Tiếc là bà không được đọc tác phẩm văn học, cũng như không được nghe, không được xem bộ phim “Vợ chồng A Phủ” mà ở đó, bà chính là nguyên mẫu của Mỵ...

Trên bản Lung Tang này, tôi có chuyến đi mà suýt nữa đánh đổi bằng mạng sống của mình. Tại đây, tôi được gặp một nhân vật đặc biệt thứ 2 là Đinh Văn Của, người mà dân bản thường gọi là “vua” săn chuột đá trên đỉnh Lung Tang. Trong đêm cùng với Của đi đặt bẫy chuột trên núi, do núi trơn, tôi bị trượt chân suýt rơi xuống vực thẳm. May là Của nhanh tay kéo được áo tôi. Đến hôm sau, khi Của “chiêu đãi” món chuột đá, tôi vẫn run tay không cầm nổi chén rượu.

Lần suýt chết ở bản Lung Tang, tôi nhớ lại lần leo lên ngọn núi Pha Quen ở xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. “Pha Quen” là ngọn núi bí ẩn có chứa hàng chục quan tài nằm trong các hốc đá. Để lên được đây, chúng tôi phải nhờ đến 4, 5 người dân bản địa dẫn đi theo những vách đá cheo leo, sắc nhọn. Do trời mưa, đá trơn trượt, nên việc leo trèo lên ngọn núi cao hàng trăm mét gặp vô cùng khó khăn. Đến nỗi sau khi lên để chụp ảnh và tác nghiệp, lúc về, do đá quá trơn, tôi không tài nào thoát khỏi cửa hang được. Sau một hồi tính toán, người dân bản địa phải chặt dây rừng để tôi đu bám ra thoát khỏi miệng hang.

Những chuyến đi ghi dấu ấn của đời người

Làm cửu vạn ở sông Ka Long để viết về lao động người Việt ở bên kia biên giới (Đông Hưng - Trung Quốc).

Ngày mới bước chân vào nghề Báo, những địa danh nổi tiếng như “Tứ đại đỉnh đèo” phía Bắc, “Một con gà gáy cả ba nước cùng nghe”, “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, rồi cực Bắc của Tổ quốc… đến những cung đường “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”, hay thung lũng trồng cây anh túc ở Yên Bái, quần đảo Trường Sa đều là niềm mơ ước của tôi. Chính vì vậy, khi có điều kiện, tôi đều đã hơn một lần được đặt chân đến những nơi đó.

Chúng tôi từng có chuyến đi dài hàng tháng trời với hàng nghìn cây số trên chiếc xe máy dọc dài miền biên giới Tây - Đông Bắc. Có những lúc 1 - 2h sáng, trời lạnh đến 0 độ C, vừa mưa to, vừa sương mù lạnh cóng, chúng tôi cứ lầm lũi trên cung đường không một bóng người, không một ánh đèn. Những lúc đó, chúng tôi đã tự hứa: Đây là chuyến đi cuối cùng. Nhưng sau mỗi chặng đường khó khăn qua đi, cầm tờ báo với tác phẩm được đăng tải, chúng tôi lại cảm thấy cuộc sống thật là nhạt nếu không có những chuyến đi như thế.

Với nguyên mẫu Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ” - bà Mùa Thị A

Những lúc như vậy, chúng tôi lại không cưỡng nổi được niềm đam mê, lại một chiếc xe máy, một can xăng, một ít lương khô, một bộ đồ nghề sửa xe máy và ba lô chất đầy quần áo rồi lại lên đường. Cảm giác được đi qua “Tứ đại đỉnh đèo” miền Bắc là Ô Quy Hồ (Lai Châu), Pha Đin (Sơn La), Khau Phạ (Yên Bái), Mã Pĩ Lèng (Hà Giang); hay được trải nghiệm ở 2 ngã ba biên giới: A Pa Chải (Việt - Lào - Trung), Bờ Y (Việt - Lào - Campuchia); rồi đến cột cờ Lũng Cú - cực Bắc của Tổ quốc hay vùng đất thiêng liêng A Mú Sung - “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” và dọc dài những cung đường về với thôn bản ở Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Mường Nhé… đều mang đến cho chúng tôi những cảm xúc khó tả.

Và giờ đây, khi thời gian và điều kiện không cho phép thì trong tôi vẫn còn những đam mê cháy bỏng, mong một ngày được trở lại những cung đường quen thuộc đó. Bởi vì trong tôi chưa bao giờ quên được những đêm gõ cửa nhà một ai đó để xin ngủ nhờ qua đêm; hay muốn gặp lại anh bạn người Mông chạy hì hục gần 2km để chỉ cho “cán bộ” đi đúng đường hay thăm lại người Mế với những gói quà bằng cây thuốc trong rừng để “nhà báo bồi bổ sức khỏe” và những thứ “bùa chú quái dị” để về nhà kiếm vợ nữa.

Trong đêm cùng với Của đi đặt bẫy chuột trên núi, do núi trơn, tôi bị trượt chân suýt rơi xuống vực thẳm. May là Của nhanh tay kéo được áo tôi”.

Phùng Bình

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ky-niem-nhung-chuyen-di-va-tinh-nguoi-mien-bien-vien-20190619111132102.htm